Hiệu Quả Từ Một Mô Hình Sản Xuất Nấm Ở Bình Thuận

Từ chối mức lương ổn định hàng tháng để quay về quê nhà lập cơ sở sản xuất nấm cho riêng mình. Đó là cách nghĩ, cách làm của chàng kỹ sư trẻ Trần Minh Kiển (29 tuổi) ở khu phố 1, thị trấn Tân Nghĩa, huyện Hàm Tân (Bình Thuận), bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế với nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi đợt sản xuất.
Cầm bằng đại học về quê
Đã từng tham gia làm việc cho các công ty, cơ sở sản xuất nấm ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, chàng kỹ sư trẻ Trần Minh Kiển ôm khát vọng về quê nhà lập cơ sở sản xuất nấm, tại thị trấn Tân Nghĩa. Cơ sở sản xuất nấm của Kiển hình thành trên vùng đất rộng gần 2.000 m2, đã gần hai năm nay.
Câu chuyện chàng kỹ sư trẻ từ chối mức lương ổn định, cầm bằng đại học về quê, lập cơ sở sản xuất nấm khiến ai nghe qua cũng ngạc nhiên. Với số vốn ban đầu chỉ vài chục triệu đồng dành dụm từ việc làm công cho các công ty, cơ sở sản xuất nấm, Trần Minh Kiển quyết định mượn thêm vốn của người thân và gia đình, để mở cơ sở sản xuất và cung cấp phôi giống cho người dân. Khác với các mô hình sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh, Kiển chỉ chú trọng sản xuất hai loại nấm chính: nấm Linh chi và nấm Bào ngư.
Đây là hai loại nấm được thị trường tiêu thụ mạnh, có giá trị kinh tế cao hơn so với các loại nấm khác hiện nay. Trên diện tích đất gần 2.000 m2, Kiển xây dựng được 5 trại để phục vụ việc sản xuất nấm của mình. “Điều kiện khí hậu phù hợp, lại gần với các tỉnh Đồng Nai và Bình Dương, thuận lợi cho việc lấy phôi giống cũng như nguyên liệu để sản xuất. Mặt khác đây cũng là một trong những nơi tiêu thụ sản phẩm nấm rất nhiều. Vì thế khá chủ động trong việc sản xuất và phát triển”, Trần Minh Kiển tiết lộ khi chọn vùng đất này để gây dựng cơ sở sản xuất của mình.
“Táo bạo mới thành công…”
Học đại học chuyên ngành về công nghệ sinh học tại TP. Hồ Chí Minh, cộng mấy năm thực tế làm nấm cho các công ty, vì thế Kiển tích lũy khá nhiều kinh nghiệm trong việc sản xuất. Anh cho biết, đối với việc sản xuất nấm Linh chi hay nấm Bào ngư thì người sản xuất phải có bước thực hiện bài bản. Đầu tiên dùng bịch nilon cho nguyên liệu là các bột cưa trộn vào đầy bịch. Sau đó tiến hành hấp khử trùng trong lò sấy để diệt các vi khuẩn nấm dại.
Khi hấp khử trùng xong, sẽ đem ra ngoài và tiến hành cấy phôi giống nấm theo quy trình riêng. Sau khi cấy nấm giống xong, chuyển qua giai đoạn ủ để nuôi tơ. Giai đoạn ủ kéo dài một tháng hoặc một tháng 10 ngày tùy thuộc vào nấm Linh chi hay nấm Bào ngư. Sau thời gian ủ, meo nấm mọc đầy bịch phôi, lúc này bịch nấm chuyển màu từ nâu đỏ sang màu trắng, đó là dấu hiệu nấm con xuất hiện. Giai đoạn này chuyển ra trại trồng, tiến hành rút nút để chăm sóc dễ dàng và thuận lợi.
“Một đợt sản xuất nấm kéo dài khoảng 4 tháng là thu hoạch xong, trừ chi phí lãi hơn 20 triệu đồng đối với nấm Linh chi và trên 16 triệu đồng đối với nấm Bào ngư cho một trại sản xuất. Sản xuất nấm là một mô hình mới, mang lại hiệu quả khá. Thời gian lao động trực tiếp rất ít, chỉ vài tiếng đồng hồ là có thể chăm sóc cho trại sản xuất khoảng 10.000 bịch nấm. Đây là mô hình sản xuất phù hợp cho các gia đình, lại nhanh cho thu hoạch, thường ít rủi ro”, Trần Minh Kiển cho biết.
Từ mô hình sản xuất của Trần Minh Kiển, một số hộ nông dân ở huyện Đức Linh cũng đã tìm đến học hỏi và áp dụng. Theo các hộ dân áp dụng mô hình tiết lộ, thì việc sản xuất nấm Linh chi, cũng như nấm Bào ngư có cơ hội kiếm thêm thu nhập cao hơn.
Có thể bạn quan tâm

Nước tưới có vai trò quyết định đến năng suất, chất lượng của cây cà phê cũng như sự thành bại của người trồng cà phê sau một năm vất vả chăm sóc, bảo vệ. Nhưng hiện vai trò trọng yếu này đang bị đe dọa khi nước tưới phải đối mặt với nhiều thách thức.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bình Phước, hiện nay là thời điểm sâu bệnh gây hại trên cây điều phát triển mạnh. Các loại sâu hại phổ biến là: Sâu đục thân, cành, bọ xít muỗi, bệnh thán thư... gây hại ở mức độ từ nhẹ đến trung bình. Chỉ tính từ ngày 22 đến ngày 28-10, diện tích bị bọ xít muỗi gây hại trên cây điều trong tỉnh là 108 ha, trong đó mức độ nhẹ 98 ha, trung bình 10 ha (tăng 9 ha so với kỳ trước). Do vậy, nông dân cần chú ý bọ đục chồi trong thời gian tới.

Mía và sắn là 2 loại cây trồng chủ lực của huyện Ðồng Xuân (Phú Yên). Ngành Nông nghiệp của huyện đang tiến hành đưa các bộ giống mới vào sản xuất nhằm tăng hiệu quả kinh tế. Ðặc biệt là cây sắn, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ triển khai mô hình canh tác cây trồng bền vững, giúp người dân ổn định sản xuất.

Với nhiều nông dân không có đất sản xuất, cuộc sống sẽ trở nên khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những nông dân như những chú ong miệt mài tìm mật bằng cách thuê vườn cao su non chưa khép tán để trồng hoa màu.

Trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đối với cây lúa, cây ngô phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Để ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu, việc chọn các giống ngắn ngày "né" được lụt, chống chịu hạn tốt sẽ giảm thiểu đáng kể sự thiệt hại và được coi là những yếu tố tiên quyết để có một vụ mùa thắng lợi.