Hiệu Quả Từ Mô Hình Vườn Cây Ao Cá

Ông Nguyễn Văn Hai không những nổi tiếng là một nông dân trồng chanh đạt năng suất cao mà còn là người có kinh nghiệm nuôi cá trong ao vườn.
Một lần đến tham quan mô hình vườn ao của ông ở ấp Bình Thạnh, xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ khiến tôi không khỏi choáng ngợp trước một khu vườn gần 4 công trồng toàn chanh tứ quý đang độ trái sum xuê. Chanh tứ quý còn có tên là chanh tứ thời, chanh bốn mùa, cho trái quanh năm, được giá và đầu ra khá ổn định.
Theo ông Hai, chanh tứ quý phát trưởng mạnh, trái to, nhiều nước và đặc biệt là không hạt. Tuy dễ trồng nhưng muốn đạt năng suất và chất lượng, người trồng phải biết cách chăm sóc, bón phân, tưới nước đầy đủ trong mùa nắng. Ngoài ra còn phải chú ý đề phòng sâu đục thân, sâu vẽ bùa và các bệnh phấn trắng, bệnh đốm đen có thể làm cho cây suy thoái.
Vườn chanh của ông mới hai năm tuổi nhưng năng suất mỗi năm trên 1 tấn trái/công. Giá bán hiện nay là 6.000 đ/kg, những lúc hút hàng lên tới 11.000 đ/kg. Ngoài chanh ra, trên mặt ao ông còn trồng thêm vú sữa và chuối, thu nhập mỗi năm trên 40 triệu đồng từ tiền bán trái cây.
Hiện vườn có hai ao cá, mỗi ao rộng 1.000 m2, trước đây ông nuôi toàn cá tra, nhưng kể từ khi con cá tra bị rớt giá, người nuôi bấp bênh ông mới chuyển sang nuôi cá tạp, chủ yếu là cá vồ đém, cá tai tượng và một số cá khác có giá trị kinh tế cao.
Sau 1 năm thả nuôi ông thu hoạch mỗi ao trên 10 tấn cá đủ loại. Sau khi trừ hết các chi phí, con giống và thức ăn ông còn lời trên 160 triệu đồng/2 ao.
Ông cho biết, cá vồ đém là loại cá bản địa đang được chọn cho sinh sản nhân tạo và là đối tượng để nuôi trong ao hầm rất hiệu quả, nhờ thịt cá ngon, thị trường tiêu thụ mạnh, giá bao giờ cũng cao hơn cá tra. Thức ăn của chúng là rau, quả, tôm tép nhỏ, giun, ốc và thực vật. Sau 1 năm nuôi cá có thể nặng từ 1 - 1, 3 kg/con.
Con cá thứ hai mà ông thả nuôi nhiều là cá tai tượng. Loại này cũng thích ăn thực vật, rau bèo và động vật. Con lớn có trọng lượng từ 0,5 kg đến 1 kg, giá bán cũng khá cao. Mỗi lần thu hoạch, thương lái sẽ đến tận ao thu mua, người nuôi đỡ tốn chi phí về vận chuyển.
Ông phấn khởi cho biết nuôi cá tra và cá tai tượng chỉ nặng đầu tư về con giống và thức ăn, còn khâu chăm sóc rất đơn giản.
Nhờ nguồn nước sạch, mặt ao tự nhiên rộng, nước ra vào thông thoáng nên cá ít khi nào bị bệnh, tỷ lệ hao hụt không đáng kể. Ngoài thức ăn công nghiệp ông còn cho cá ăn thêm cây chuối nên đỡ tốn thức ăn.
Lợi thế của ông là vườn có sẵn chuối, cứ hai ngày ông xắt chuối cây thả xuống ao cho cá ăn một lần. Không những vậy, ông còn tận dụng những nguồn thức ăn từ thiên nhiên như tàu chuối non, rau muống để bổ sung cho thức ăn chính, đặc biệt là các loại cá trắng rất thích các loại rau bèo, nhờ vậy mà vừa đỡ tốn kém vừa tăng thêm sức đề kháng giúp cá mau lớn.
Mô hình “trên cây, dưới cá” của ông Hai mang lại hiệu quả cao nhờ SX đảm bảo ATVSTP. Để làm được việc đó, ông rất thận trọng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vì nếu phun hóa chất lên cây trái sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, nguồn nước bị ô nhiễm, cá sẽ chết.
Có thể nói ông Hai là một nông dân năng động, cần cù chịu khó, dám nghĩ dám làm và biết vận dụng những tiến bộ kỹ thuật vào nuôi trồng một cách có hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Nói về hiệu quả kinh tế của cây măng tre Bát Độ, anh Khúc Khắc Hiệp, thôn Tam Hiệp, xã An Lập, huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho biết: “Năm ngoái, với hai ha tre Bát Độ, tôi thu hoạch gần 40 tấn măng. Giá bình quân 7 nghìn đồng/kg, trừ chi phí còn hơn 200 triệu đồng".

Ngày 19.5, tại xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định), Sở NN&PTNT phối hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ tổ chức hội nghị đầu bờ tham quan mô hình thâm canh cây điều, cây xoài và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới về tưới tiết kiệm, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả các loại cây trồng.

Nhóm nghiên cứu thuộc Tổng cục Thủy sản vừa đề xuất nâng hàm lượng nước trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh xuất khẩu lên mức tối đa là 84,1%, thay vì 83% như đã quy định trước đó tại nghị định cá tra.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, hơn 1.800 ha cao su đã bị chặt hạ. Riêng huyện Bù Đốp đã có tới gần 400 ha cao su bị chặt phá để thay thế bằng cây tiêu và điều.
Những ngày qua, giá hành tím tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) bắt đầu tăng trở lại hơn gấp 5 lần so với trước khi “giải cứu”. Đã xuất hiện tình trạng găm hàng chờ giá cao.