Hiệu Quả Từ Mô Hình Nuôi Bò Sinh Sản Ở Phú Yên
Sau 3 năm triển khai mô hình chăn nuôi bò để giảm nghèo, 15 hộ dân ở xã Đa Lộc (Đồng Xuân - Phú Yên) đã giảm nghèo bền vững, có cơ hội phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Mô hình này vừa được biểu dương tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ công tác giảm nghèo giai đoạn 2011-2015.
Xã Đa Lộc có gần 1.000 hộ với 4.185 nhân khẩu sống rải rác ở 6 thôn, trong đó có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, xã có 762 hộ nghèo, chiếm 67% số hộ trong toàn xã. Theo bà Phạm Thị Thùy Ngân, Phó chủ tịch UBND xã Đa Lộc, nguyên nhân đói nghèo là do người dân thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, thiếu kinh nghiệm làm ăn, đất sản xuất. Ngoài ra, đói nghèo còn do thiếu lao động, trong thôn có người già yếu, tàn tật, đau ốm…
Trước khó khăn đó, năm 2010, Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh đã chọn xã Đa Lộc để triển khai mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bước đầu có 15 hộ tham gia với tổng số vốn ban đầu là 144 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ. Sau khi tiếp nhận dự án, xã đã thành lập ban quản lý, phối hợp với ban nhân dân chọn ra các hộ nghèo có điều kiện như có đất, có lao động, có chuồng trại để triển khai chăn nuôi.
Gia đình anh Lê Sỹ Tâm ở thôn 3, xã Đa Lộc thuộc diện hộ nghèo. Vợ chồng anh phải đi làm thuê để có tiền trang trải cuộc sống trong gia đình. Năm 2010, gia đình anh Tâm được hỗ trợ gần 10 triệu đồng để mua bò giống về nuôi. Có sức lao động, có đồng cỏ nên vợ chồng anh Tâm dốc sức chăn nuôi bò sinh sản.
Qua hơn 1 năm nuôi dưỡng, từ một con bò giống giờ đây anh có thêm một con nghé. Anh Tâm nói: “Tôi hơn 40 tuổi rồi, gia tài không có gì, chỉ có sức lao động, quanh năm bám đất cũng chỉ đủ nuôi 6 miệng ăn, nay được Nhà nước tạo điều kiện để nuôi bò sinh sản, tôi mừng lắm”.
Nhờ thực hiện tốt dự án cộng với quyết tâm, chí thú làm ăn, sự hỗ trợ của những nguồn lực khác và những kiến thức học được trong quá trình thực hiện dự án này, tất cả 15 hộ tham gia mô hình đều thoát nghèo.
Trong đó có một số hộ vươn lên khá, có hộ còn đầu tư mở rộng chăn nuôi thêm. Nhiều hộđã sửa chữa lại nhà cửa, chăm lo con em học tập. Trường hợp của anh Đỗ Tấn Giao ở thôn 1 là một điển hình. Trước kia gia đình anh Giao thuộc diện hộ nghèo, đông con.
Nhờ nguồn vốn 10 triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội và được dự án hỗ trợ mua con bò, anh làm chuồng trại. Hằng ngày, ngoài việc chăn bò, cắt cỏ, anh Giao còn nhận làm thuê thêm việc của bà con trong xã. Qua 2 năm, con bò cho ra đời thêm một con nghé và giờ đây anh đã trả được nợ ngân hàng.
Khi được tham gia dự án nuôi bò, không chỉ thoát nghèo, gia đình anh còn xây được ngôi nhà khang trang. Nếu như trước kia các con lớn của anh không được đi học thì bây giờ gia đình anh có thể yên tâm chăm lo cho các cháu nhỏ được đến trường.
Bà Phạm Thị Thùy Ngân nói: Sau khi các gia đình nhận tiền dự án, chúng tôi đã trực tiếp giám sát, yêu cầu bà con nhanh chóng mua bò về nuôi. Mặc dù các gia đình được vay vốn phần lớn là hộ nghèo người dân tộc thiểu số, nhưng tất cả đều đăng ký thoát nghèo, nên chúng tôi rất yên tâm.
Qua thời gian triển khai, đến nay đàn bò đã sinh được 17 con nghé, thu được 256 triệu đồng. Trong đó, một số bò cái được các hộ tiếp tục để lại nhân giống và phát triển thêm, số còn lại bán thịt hoặc bán cho hộ khác làm giống để trả lại nguồn vốn cho dự án, qua đó nhân rộng mô hình cho các hộ nghèo khác trong xã.
Ông Võ Văn Binh, Phó giám đốc Sở LĐ-TB-XH Phú Yên cho biết: Triển khai các mô hình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, chúng tôi mong muốn hiệu quả không chỉ về mặt đầu tư, về kinh tế mà quan trọng hơn là hiệu quả về mặt nhận thức xã hội.
Đó là sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị; đó là sự nỗ lực vươn lên, biết xây dựng kế hoạch, biết tính toán, cân đối thu chi, sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tinh thần và ý thức trách nhiệm của chính những người nông dân khi tham gia vào dự án.
Qua dự án chăn nuôi bò tại xã Đa Lộc đã làm cho hộ nghèo ngày càng tin tưởng vào tổ các chương trình an sinh xã hội của Nhà nước, đồng thời góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của địa phương trong giai đoạn 2011-2015.
Có thể bạn quan tâm
Trường ĐH Cần Thơ triển khai mô hình nuôi tôm càng xanh xen vườn dừa nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) giúp nhiều nông hộ tăng thu nhập cao trên cùng một đơn vị diện tích.
Mô hình nuôi ba ba của ông Hồ Văn Đại ở ấp Mương Khai, xã Mỹ Hương, huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) đạt được năng suất cao nhiều năm liền, nhiều bà con nơi đây đang học hỏi kinh nghiệm của Ông để nuôi loài thủy sản này.
Theo chân ông Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Đồng (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) Nguyễn Phúc Đức, chúng tôi có dịp tìm hiểu một nghề mới đang giúp người dân giàu lên từng ngày. Đó là nghề ương cá trê lai giống.
Với ý nghĩ cần tìm một mô hình làm ăn để kiếm thêm nguồn thu nhập phụ ngoài nuôi tôm, anh Nguyễn Minh Kha, ấp Nhị Nguyệt, xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá sấu, mang lại thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Trong thời gian qua, các hộ nuôi tôm ở thôn Cổ Lũy Bắc - Vĩnh Thọ, xã Nghĩa Phú, thành phố Quảng Ngãi trong cảnh điêu đứng bởi, tôm nuôi chết hàng loạt, nhiều hộ trắng tay vì chi phí đầu tư quá lớn.