Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Từ Lai Tạo Giống Trên Đàn Bò

Hiệu Quả Từ Lai Tạo Giống Trên Đàn Bò
Ngày đăng: 04/01/2014

Năm 2013, chăn nuôi bò trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục có bước phát triển mạnh cả về chất lượng và số lượng với tổng đàn bò 141.641 con, trong đó bò lai hướng thịt 128.438 con, tăng 7%, đàn bò sữa 13.203 con, tăng 19% so cùng kỳ năm 2012. Đàn bò phát triển mạnh góp phần đưa tỷ trọng chăn nuôi năm 2013 đạt 52,1 % cơ cấu trong nông nghiệp.

Đạt nhiều mục tiêu quan trọng

Công tác thụ tinh nhân tạo (TTNT) bò là một hoạt động rất quan trọng nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trong phát triển chăn nuôi bò. Năm 2013 số bò sữa toàn TP được thụ tinh nhân tạo là 14.979 con, tăng 4,2% (chủ yếu là tinh bò HF); bò thịt đạt 48.103 con, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm 2012 (chủ yếu là tinh bò thịt chất lượng cao Droughtmaster, Brahman, Angus, BBB…).

Nhờ đó, chất lượng bò sữa, bò thịt được cải thiện. Nếu trước năm 2010 sản lượng sữa đạt dưới 4 tấn/chu kỳ (305 ngày) thì đến nay đã đạt 4,5 tấn/chu kỳ. Riêng với bò thịt, bê sinh ra bằng phương pháp lai TTNT có giá bán cao hơn bê sinh ra từ phương pháp lai phối giống trực tiếp từ 2 - 4 triệu đồng/con ở cùng thời điểm.

Năm 2013 cũng đánh dấu bước phát triển về kết quả nâng cao chất lượng đàn bò thông qua lượng bê sinh ra khá lớn từ phương pháp lai TTNT với tổng số 23.861 con. Trọng lượng bê sơ sinh bình quân 27 - 38kg/con đối với bê sữa, 25 - 35kg/con đối với bê thịt (trong khi đó bê lai Sind chỉ đạt 15 - 20kg/con).

Theo tính toán sơ bộ, với 5.420 bê sữa được sinh ra, sau khi nuôi khoảng trên dưới 1 tháng sẽ có giá khoảng 13 - 15 triệu đồng/con thì năm 2013 hiệu quả kinh tế trong dân đạt khoảng gần 100 tỷ đồng. Đây cũng chính là nguồn sản xuất giống bò sữa tại chỗ vừa giảm được rủi ro về dịch bệnh, vừa đỡ công vận chuyển và các chi phí khi nhập bò sữa từ tỉnh khác về.

Còn với bê thịt, trọng lượng bê sơ sinh sinh ra bao giờ cũng cao hơn bê sinh ra từ nhảy trực tiếp từ 2 - 4kg. Hơn nữa, bê sinh trưởng nhanh, bán giá cao hơn bê nhảy trực tiếp từ 1,5 - 3 triệu đồng/con cùng lứa tuổi.

Đặc biệt, khả năng sinh trưởng của các giống bò chất lượng cao rất tốt, nếu nuôi đúng quy trình kỹ thuật, khả năng tăng trọng từ 0,6 - 0,9kg/con/ngày và thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi tại địa phương. Nhiều người chăn nuôi cho biết, khi bê đạt trên 3 tháng sẽ có giá bán từ 15 - 17 triệu đồng/con. Với 18.441 bê thịt chất lượng cao sinh ra trong năm qua khi nuôi khoảng 3 - 4 tháng thì đã có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức, Sơn Tây, Quốc Oai… là các huyện đã triển khai rất tốt chương trình TTNT trên đàn bò.

Tiếp tục nhân rộng

Từ kết quả trên, có thể khẳng định, chính sách hỗ trợ giống thông qua công tác TTNT mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng với bò thịt, TP hỗ trợ cả công phối giống cho các dẫn tinh viên cơ sở (người dân được miễn phí khi TTNT cho bò thịt). Từ đó động viên, khuyến khích cán bộ chuyên tâm với nghề. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác TTNT bò trên địa bàn TP cũng gặp không ít khó khăn như việc chỉ đạo của các cấp chính quyền, ở một số nơi chưa thật sự quan tâm, chú trọng.

Đặc biệt ở các vùng xa trung tâm TP, nhận thức người dân chưa cao. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ cũng là một trở ngại lớn trong tổ chức sản xuất cũng như trong việc vận động, tuyên truyền về công tác TTNT cho bò. Một số vùng sâu, vùng xa còn thiếu cán bộ chuyên môn làm công tác TTNT, hoặc có được đào tạo song khi về hoạt động không hiệu quả phải bỏ nghề.

Ngoài ra, bê sinh ra từ TTNT thường có ngoại hình, màu lông (đốm đen, loang trắng, mắt đỏ, trắng...) khác nhiều với bò vàng truyền thống, bò lai Sind (màu vàng cánh gián, yếm phát triển) nên bà con ở một số nơi chưa quen với phương thức nuôi bò chất lượng cao. Mặt khác, công tác TTNT bò luôn đòi hỏi nghiêm ngặt các yếu tố kỹ thuật như việc vận chuyển, bảo quản tinh, sử dụng dụng cụ phối giống, chất lượng bò cái nền, phát hiện bò động dục để phối giống đúng thời điểm...

Phát huy hiệu quả đạt được, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đề xuất TP có chính sách hỗ trợ người dẫn tinh bò giống có năng suất, chất lượng cao để nhanh chóng cải tiến giống bò sữa, bò thịt. Với bò sữa, đẩy mạnh việc sử dụng tinh phân ly giới tính và áp dụng thí điểm công nghệ cấy phôi để nhanh chóng đưa giống bò chất lượng cao vào thực tiễn sản xuất giống trên địa bàn TP.

Để có được kết quả trên, giải pháp trọng tâm cho công tác TTNT bò là đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, tập trung giới thiệu chất lượng bê sinh ra và quy trình chăn nuôi tốt để người dân áp dụng nhanh phương pháp lai TTNT.

Đồng thời đào tạo chuyên sâu đội ngũ dẫn tinh viên có tay nghề cao, tạo uy tín với người chăn nuôi. Bên cạnh đó tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, tạo liên kết chuỗi tiêu thụ sản phẩm tạo đầu ra thật tốt cho bò sữa, bò thịt.

Mục tiêu năm 2014, toàn TP sẽ có khoảng 65.000 bò được phối giống thông qua phương pháp lai TTNT với tỷ lệ bò thịt có chửa đạt gần 80%, bò sữa gần 65%; số bê sữa, bê thịt sinh ra gần 40.000 con.


Có thể bạn quan tâm

Đào rừng thốt nốt bán cho Trung Quốc Đào rừng thốt nốt bán cho Trung Quốc

Hàng chục người hì hục len lỏi vào các khu rừng thốt nốt để đào bới tận gốc. Cây ngã xuống, có người khác bao bọc rễ cẩn thận, chuyển lên xe kéo ra đường chính...

25/09/2015
Lào Cai quy hoạch mở rộng diện tích trồng quế lên 25.000ha Lào Cai quy hoạch mở rộng diện tích trồng quế lên 25.000ha

Theo ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lào Cai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã có quy hoạch mở rộng vùng trồng quế lên 25.000ha từ nay đến năm 2025, tăng gấp 2,5 lần diện tích quế hiện nay.

25/09/2015
Nuôi tôm sú kết hợp với trồng lúa mô hình sản xuất thông minh Nuôi tôm sú kết hợp với trồng lúa mô hình sản xuất thông minh

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hình thức nuôi tôm sú kết hợp với trồng lúa thời gian qua phát triển tương đối ổn định, thể hiện tính bền vững, hiệu quả, tăng trưởng nhanh về diện tích, năng suất và sản lượng.

25/09/2015
Hội thảo Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP Hội thảo Tăng cường năng lực cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam trước thềm hội nhập TPP

Gà thả vườn là sản phẩm có ưu thế sẽ tạo thế cạnh tranh mạnh mẽ với gà ngoại nhập trong hiện tại và tương lai.

25/09/2015
Thêm cơ hội cho gạo Việt Nam Thêm cơ hội cho gạo Việt Nam

Gia hạn thời gian cho vay tạm trữ thóc gạo là một trong những giải pháp được Chính phủ triển khai nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu gạo những tháng cuối năm.

25/09/2015