Hiệu Quả Mô Hình Nuôi Cá Diêu Hồng Thương Phẩm Tại Huyện Ninh Sơn
Tháng 8-2012, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Sơn phối hợp với Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện triển khai mô hình “Nuôi thử nghiệm cá diêu hồng” tại thôn Tân Lập 1, xã Lương Sơn. Sau 5 tháng thực hiện, mô hình đạt hiệu quả, mang lại lợi nhuận cao.
Hộ anh Nguyễn Văn Hùng ở địa phương được chọn nuôi thử nghiệm. Trên 2 sào ao trước đây nuôi cá mè, trắm, chép, anh tháo cạn nước, vét bớt bùn, dọn sạch cỏ, rong bám xung quanh bờ ao, rãi vôi bột phơi nắng 3 ngày rồi cho nước vào thả giống cá diêu hồng với mật độ 6 con/m2. Điều thuận lợi, anh được hỗ trợ toàn bộ 12.000 con giống trị giá gần 11 triệu đồng và 40% thức ăn (2 tấn cám công nghiệp, trị giá 24 triệu đồng).
Hằng ngày, anh dùng gạo nấu chín trộn với cám tổng hợp vắt tròn cho cá ăn. Anh bố trí các sàn ăn trong ao để kiểm tra lượng thức ăn hằng ngày, sử dụng nhiều sàn để cá lớn, cá nhỏ đều được ăn, tránh dư thừa thức ăn gây lãng phí và ô nhiễm nguồn nước. Kết quả sau 5 tháng chăm sóc, tỷ lệ sống đạt 85%, cao hơn kế hoạch đề ra 15%. Trọng lượng cá đạt 0,5 kg/con, cao hơn kế hoạch đề ra 0,1%/kg. Sản lượng thu được hơn 4 tấn. Với giá cá 32 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 42 triệu đồng.
Anh Hùng, cho biết: Tôi nuôi cá nước ngọt hơn 10 năm nay, nhưng chưa có loại nào dễ nuôi, được giá và dễ bán như cá diêu hồng. So với cá trắm, chép thì thời gian sinh trưởng của cá diêu hồng ngắn hơn. Vụ cá tới tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi lên 1 ha.
Đồng chí Võ Tấn Hậu, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, cho biết: Đây là mô hình đầu tiên triển khai tại địa phương. Qua thực tế cho thấy, cá diêu hồng thích nghi với môi trường sống ở đây. Với mục đích thông qua nuôi thử nghiệm để nhân rộng mô hình, nên trong thời gian thực hiện chúng tôi đã tổ chức cho nông dân tham quan, tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm.
Đến khi thu cá, đơn vị đã tổ chức hội nghị đầu bờ có sự tham gia của đông đảo bà con. Qua thăm dò, có rất nhiều hộ dự định sẽ nuôi cá diêu hồng trong thời gian tới. Triển vọng phát triển nghề nuôi cá diêu hồng là rất lớn, vì ở địa phương có hệ thống kênh mương thủy lợi cung cấp nguồn nước ngọt dồi dào cho các ao hồ.
Có thể bạn quan tâm
UBND TPHCM vừa có văn bản triển khai quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến. Theo đó, Chi cục Thú y lấy mẫu định kỳ 6 tháng/lần để giám sát chặt tình hình dịch tễ các nhà nuôi yến trên địa bàn và lấy mẫu kiểm tra đột xuất khi có hiện tượng chim yến chết bất thường hoặc cúm gia cầm xảy ra. Ngoài ra, TP yêu cầu các quận, huyện kiên quyết không để phát sinh các nhà nuôi yến ngoài khu vực quy hoạch.
Trong những năm gần đây, phong trào phụ nữ đầu tư chăn nuôi bò phát triển khá mạnh ở thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn - Bình Định). Ngoài cây lúa thì lợi nhuận từ nuôi bò là nguồn thu chính của nhiều hộ dân ở đây để trang trải cuộc sống.
Trong khi nhiều thôn, xã vẫn đang loay hoay việc lựa chọn trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại giá trị kinh tế cao nhất thì ở thôn Tân Bình 2, xã Bình Xa (Hàm Yên - Tuyên Quang), lâu nay con lợn đã được định hình là con làm giàu của người dân trong thôn. Chuyện nuôi lợn tưởng như ở đâu cũng thế, nhưng có nghe người chăn nuôi kể chuyện mới thấy cũng lắm công phu.
Cây hồ tiêu xuất hiện ở Chư Đăng Ya-xã đặc biệt khó khăn của huyện Chư Pah (Gia Lai) từ năm 2008 với quy mô nhỏ lẻ và chính thức phát triển mạnh từ năm 2012 đến nay.
Mới vào đầu vụ thu hoạch điều nhưng người trồng điều đã cảm thấy bất an khi giá cứ giảm mỗi ngày. Đầu vụ, mỗi kilôgam điều giá 27 ngàn đồng thì khoảng 10 ngày sau chỉ còn 24-25 ngàn đồng. Giá điều tiếp tục giảm khiến nông dân nhấp nhổm như ngồi trên lửa.