Hiệu quả mô hình chăn nuôi khép kín
Đã đôi lần được đồng nghiệp giới thiệu về những trang trại chăn nuôi kiểu mẫu ở Mai Sơn. Hôm nay chúng tôi có dịp về thăm trang trại của ông mới thực sự cảm nhận được quy mô một trang trại chăn nuôi lớn, hiện đại, khép kín. Niềm nở tiếp chúng tôi, ông kể về hành trình phát triển mô hình và những dự định trong tương lai.
Được biết, trước đây, ông Bắc làm nghề lái xe tải và không may trong một vụ tai nạn ông bị cắt một phần chân phải. Trong thời gian dưỡng bệnh, lúc nào ông cũng đau đáu suy nghĩ làm thế nào để tìm được một công việc phù hợp với mình lúc này. Sau khi bình phục, ông đã đi thăm nhiều mô hình chăn nuôi lớn ở các tỉnh Hải Dương, Hà Nội... và rồi quyết định đầu tư chăn nuôi lợn. Năm 2007, ông Bắc mạnh dạn đầu tư hơn 2 tỷ đồng xây dựng trang trại chăn nuôi lợn siêu nạc khép kín với diện tích 17.000m2 theo công nghệ của Thái Lan.
Quan sát trang trại qua màn hình camera, ông giới thiệu: Trang trại được chia làm 8 khu chuồng, gồm 4 khu chuồng nuôi lợn nái, 3 khu chuồng nuôi lợn thịt và 1 khu chuồng cách ly. Việc phòng trừ dịch bệnh cho đàn vật nuôi được kiểm soát nghiêm ngặt, công nhân trong trang trại hay người ngoài đến tham quan đều phải qua phòng sát trùng mới được vào trong khu vực chăn nuôi và được giám sát bằng thiết bị hình ảnh. Hiện tại khu chuồng chăn nuôi có 32 camera lắp đặt trong và ngoài chuồng. Các khâu khử trùng, sát trùng của công nhân được thực hiện theo quy trình, đảm bảo vệ sinh, an toàn. Chuồng lợn có đèn điện, xung quanh lắp cửa kính, đầu chuồng lắp đặt dàn mát, cuối chuồng có quạt hút giúp dễ dàng lưu thông hơi nước và không khí. Dây chuyền cho ăn và vệ sinh đều khép kín, lợn được uống nước sạch có vòi bú tự động, ăn thức ăn công nghiệp đạt chuẩn của Công ty thức ăn chăn nuôi CP, chuồng trại thường xuyên được dọn dẹp sạch sẽ. Mỗi con lợn nái đều có thẻ lịch ghi nguồn gốc của lợn: số tai, ngày sinh, ngày nhập, số tai bố, số tai mẹ.
Ông Bắc chia sẻ thêm: Trong chăn nuôi, tiêu chí đặt lên hàng đầu là vấn đề môi trường. Khi đảm bảo được khâu vệ sinh môi trường sạch sẽ thì mới tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, thu nhập mới ổn định. Nếu mô hình khép kín không làm nghiêm ngặt, lợn siêu nạc sẽ không chịu được nóng, dễ sinh bệnh. Do vậy, công nhân phải trực cả ngày đêm để theo dõi sự phát triển của đàn lợn. Hàng năm cứ theo định kì tôi mời cán bộ Công ty thức ăn chăn nuôi CP hoặc cán bộ thú y huyện đến tiêm phòng, vắc xin, sát trùng cho đàn lợn. Ước tính chi phí cho phòng dịch chiếm 4% doanh thu (gần 1 tỷ đồng).
Thực tế chứng minh, sau gần 8 năm chăn nuôi, trang trại của ông Bắc chưa lần nào phát dịch, tổng đàn được duy trì, sản lượng cao. So với mô hình chăn nuôi cũ thì mô hình chăn nuôi khép kín có ưu điểm hơn là đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm nhân công lao động (từ 10 - 12 người), giảm lượng thức ăn (1,0 - 1,5kg/ kg lợn hơi). Từ khu chuồng trại này, lợn giống, lợn thịt chất lượng cao không chỉ được cung cấp cho các huyện trong tỉnh như Mường La, Mai Sơn, Thuận Châu mà còn ở các tỉnh khác như Điện Biên, Hà Nộị. Mỗi năm, trang trại xuất ra khoảng 12.000 con lợn giống và hàng trăm tấn lợn hơi, doanh thu năm 2014 đạt 24 tỷ đồng, lợi nhuận thu về gần 3 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 20 lao động địa phương. Dự kiến năm 2015, doanh thu trang trại đạt khoảng 28 tỷ đồng.
Mặc dù bận rộn với trang trại nhưng ông Bắc vẫn thường xuyên tham dự các hội thảo lớn, nghe các nhà khoa học, giáo sư trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi. Đồng thời, ông cũng tham gia các phong trào, hoạt động của Hội Cựu chiến binh phường và thành phố. Năm 2009, ông được nhận Cúp vàng Doanh nhân cựu chiến binh; nhiều năm liền được Ban chấp hành Hội cựu chiến binh Việt Nam khen thưởng trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, cùng nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, của Thành phố trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Phong trào phát triển kinh tế VAC”, “Phong trào thi đua yêu nước”...
Có thể bạn quan tâm
Hành tây tại Đà Lạt đang có giá 15.000 – 16.000 đồng/kg, tăng gấp 5 - 6 lần so với cách đây 2 tháng, nhưng nông dân không còn nhiều hàng để bán.
Hiện nay nông dân huyện An Phú (An Giang) đang vào đợt cao điểm thu hoạch đậu phộng (lạc) vụ hè thu.
Đêm đến, đèn điện thắp sáng choang giữa các cánh đồng dưa, người lớn, người già, trẻ nhỏ đều tập trung ra đồng như hội.
Cách đây 20 năm, nhiều người dân xã Tân Hà (Hàm Tân) tỏ ra ngạc nhiên khi thấy vợ chồng anh Trần Đình Dũng xin thôi nghề dạy học chuyển sang đầu tư trồng cây ăn quả trên vùng đất mới khô cằn. Bằng nguồn vốn bán nhà cửa, đất vườn ở Đồng Nai, anh đã mạnh dạn làm đơn xin chính quyền xã Tân Hà khai hoang phục hóa 25 ha đất để phát triển kinh tế trang trại.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song sau hai năm triển khai Đề án tái cơ cấu ngành trồng trọt, khả năng cạnh tranh của nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chưa có nhiều cải thiện khi “điệp khúc” vẫn là chất lượng thấp, giá thành cao.