Hiệu Quả Kinh Tế Từ Nghề Trồng Táo

Nghề trồng táo ở tỉnh ta tồn tại hơn 20 năm qua, nhưng chưa có điều kiện phát triển. Tuy nhiên vài năm gần đây thị trường tiêu thụ được mở rộng, giá cả ổn định nên nhiều hộ nông dân tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích.
Theo Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, tổng diện tích trồng táo trên địa bàn toàn tỉnh ước khoảng hơn 960 ha, năng suất bình quân 30 tấn/ha, sản lượng 28.800 tấn/năm.
Giống táo các hộ nông dân đang trồng gọi là táo xanh (nhiều người gọi là táo Phan Rang), quả nhỏ (từ 10-25 quả/kg), màu xanh vàng bóng, giòn và có vị ngọt thanh. Đặc điểm khí hậu ở tỉnh ta rất phù hợp với cây táo.
Đến nay, cây táo được trồng ở hầu hết các địa phương trong tỉnh từ huyện Ninh Sơn, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam, Thuận Bắc, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm. Tại phường Văn Hải, vốn được nhiều người biết đến là vùng trọng điểm của cây nho và các loại rau màu, vài năm trở lại đây, cây táo xuất hiện và dần thay thế cho một số cây trồng kém hiệu quả.
Hiện nay quả táo xanh Ninh Thuận chủ yếu dùng ăn tươi, sản xuất và tiêu thụ tự do không có bao bì, nhãn mác nên giá bán còn khá thấp. Các sản phẩm chế biến từ quả táo như nước ép, táo sấy khô, mứt táo, rượu táo …chưa có nên quả táo thường hay bị dội chợ khi được mùa. Táo thu hoạch thường chưa qua khâu sơ chế nên thời gian bảo quản ngắn chỉ sau 5 ngày chất lượng táo bắt đầu xuống cấp và sau một tuần có thể bị hư hỏng.
Theo ông Cao Cường, khu phố 2, phường Văn Hải đã gắn bó với cây nho, nhưng do trồng nho phải đầu tư chi phí cao lại dễ bị sâu bệnh, nên sau khi đi thực tế học tập kinh nghiệm trồng táo ở một số địa phương, ông quyết định chuyển diện tích trồng nho sang trồng táo. Qua gần 3 năm, vườn táo của ông phát triển rất tốt, cho năng suất cao, bình quân 3,5 tấn/ sào/năm.
Nhiều người dân tại các xã Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Vinh, Phước Hữu (Ninh Phước) đang tập trung đầu tư phát triển trồng táo. Nổi bật là mô hình trồng táo kết hợp chăn nuôi dê, cừu của vợ chồng anh Dương Văn Ấm ở thôn Ninh Quý, xã Phước Sơn.
Năm 2003, thấy được giá trị kinh tế của cây táo, vợ chồng anh đã mạnh dạn đầu tư trồng táo kết hợp với chăn nuôi dê, cừu. Đến nay, gia đình anh đã trồng 3 ha, năng suất bình quân 40 tấn/ha/năm, giá tiêu thụ tại vườn từ 7- 8 triệu đồng/tấn, thu lãi từ 140 triệu đến 160 triệu đồng/ha.
Để giúp người dân có thêm điều kiện phát triển cây táo, tháng 6-2010, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp đã triển khai dự án Tổ liên minh kinh doanh và đầu tư trồng táo xanh ở phường Văn Hải, với diện tích 75 ha. Dự án này được thực hiện trong 2 năm (2010-2011) với kinh phí hỗ trợ hơn 2 tỷ đồng.
Nghề trồng táo mang lại hiệu quả kinh tế, đang dần chiếm vị trí quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mở ra triển vọng mới cho nông dân trong tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Vụ ĐX 2011-2012, Cty CP Giống cây trồng TƯ liên kết với HTXNN- Kinh doanh tổng hợp Đại Quang SX thử 15 ha giống lúa OM 6976 tại cánh đồng thôn Đông Lâm và Hoà Thạch, xã Đại Quang (Đại Lộc, Quảng Nam).

Những ngôi nhà rách nát đã được thay thế bằng nhà vững chãi; sự đói nghèo dần được thay thế bằng màu xanh no ấm, màu xanh của rừng, của những nương lúa...

Vườn cà phê thử nghiệm “ba trong một” của hộ nông dân Nguyễn Xuân Bách tại xã Lộc Tân (Bảo Lâm - Lâm Đồng) cho kết quả khả quan. Thay vì trồng thuần một loại giống cà phê như lâu nay, mô hình 3 lớp cây giống cà phê – giống chín sớm (đúng vụ), giống cho thu hoạch hơi muộn và đặc biệt là giống cho thu hoạch muộn (gần như là trái vụ).

Sản xuất theo quy trình VietGAP hiện là một trong những chương trình trọng điểm của Ngành nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của người tiêu dùng đang ngày càng quan tâm nhiều đến sức khỏe của mình. Chính vì thế họ đòi hỏi khắt khe những sản phẩm sản xuất ra phải thật sự đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã đẹp và tiện sử dụng...

Dúi (có nơi còn gọi là con rúi) được xếp vào loại đặc sản; thịt dúi ngon, mát, giầu đạm. Đây là loại con dễ nuôi, chi phí rất thấp, ít tốn diện tích.