Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm

Hiệu Quả Kinh Tế Từ Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm
Ngày đăng: 27/03/2013

Dự án “Mô hình tưới nước tiết kiệm cho dân nghèo Nam Trung Bộ tại Ninh Thuận” được Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Tổ chức iDE triển khai thực hiện từ tháng 2-2011. Qua hơn 2 năm thực hiện, mô hình không chỉ giúp người dân giải quyết vấn đề khó khăn về nước sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng mà còn góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trên những vùng đất khô cằn. 
Giải pháp tối ưu cho những vùng đất hạn

Trở lại vùng đất An Hải (Ninh Phước) trong những ngày nắng hạn. Thật vui mừng vì trên những vùng đất cát bạc màu các thôn Tuấn Tú, Nam 
Cương giờ đây đã được trải đều những màu xanh của các loại hoa màu như đậu phụng, củ cải trắng… Ông Lê Văn Thân, nguyên là Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Xã An Hải có tổng diện tích 1.183 ha đất nông nghiệp. 
Trong đó chỉ có khoảng 50% diện tích đất ở các thôn Long Bình 1, Long Bình 2, An Thạnh 1, An Thạnh là được sử dụng nước từ kênh Nam và sông Lu; diện tích đất sản xuất còn lại gồm thôn Tuấn Tú, Nam Cương, Hòa Thạnh là đất cát bạc màu, chỉ nhờ vào mạch nước ngầm và nước trời để sản xuất. Do không chủ động được nguồn nước tưới, việc sản xuất của bà con gặp nhiều khó khăn, đời sống bấp bênh. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, nhờ mô hình tưới nước tiết kiệm đã giúp bà con mở rộng diện tích đất sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, đời sống cải thiện đáng kể”. Thời gian đầu triển khai Dự án, toàn xã có 9 hộ dân được iDE hỗ trợ chi phí lắp đặt mô hình thí điểm tưới nước tiết kiệm với diện tích 500 m2/hộ.

Thấy được những lợi ích kinh tế từ mô hình, đến nay toàn xã đã có 194 hộ tự đầu tư lắp đặt, với tổng diện tích đất sản xuất 85 ha, với hai phương thức tưới chủ yếu là phun mưa và nhỏ giọt, tưới hầu hết trên tất cả các loại cây từ rau màu ngắn ngày như hành tím, hành tây, cà rốt, cà chua, củ cải… cho đến các loại cây ăn trái như táo, thanh long, nho… Qua đánh giá, mỗi vụ sản xuất, mô hình đã giúp cho bà con ở xã An Hải tiết kiệm đáng kể từ công làm đất, tưới nước, bơm thuốc, bón phân, lượng thuốc bảo vệ thực vật từ 4,5 - 5 triệu đồng chi phí đầu tư. Năng suất cây trồng tăng từ 20 - 40%, cá biệt có hộ tăng 50 - 70%, thu nhập tăng từ 5 - 7 triệu đồng/ha/vụ so với phương thức canh tác truyền thống. 
Không chỉ ở xã An Hải, mô hình tưới nước tiết kiệm còn được các địa phương khác triển khai rất hiệu quả. Ông Lưu Văn An, ở thôn Hoài Ni, xã Phước Thái (Ninh Phước) trước đây vốn là một hộ cận nghèo, nguồn thu nhập chính chủ yếu dựa vào 6 sào ruộng lúa, nuôi 4 con ăn học, vô cùng bấp bênh. Gia đình ông còn có khoảng 1 sào đất, tuy nhiên do thiếu nước tưới, nên vài năm trước không canh tác được. Được hướng dẫn của Hội Nông dân xã, tháng 8-2011, ông đầu tư khoảng 600 ngàn đồng lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm vào hệ thống nước sinh hoạt ở địa phương để trồng rau muống. Do được đảm bảo về nguồn nước tưới, diện tích rau phát triển tốt. Từ đó, gia đình ông không chỉ có thêm rau xanh để ăn và chăn nuôi mà còn đem bán. Trừ hết chi phí, mỗi tháng 1 sào rau muống mang lại cho gia đình ông thêm khoảng 1 triệu đồng. 
Mở rộng trên quy mô toàn tỉnh

Ông Nguyễn Văn Ngọt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Qua 2 năm triển khai, mô hình đã thực sự mang lại nhiều lợi ích cho người dân ở tỉnh, đặc biệt là những hộ dân nghèo, cận nghèo sản xuất quy mô nhỏ tại các vùng ven biển, nơi khó tiếp cận với nguồn nước tưới, đất khô cằn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 664 hộ đã lắp đặt và sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm của iDE, trong đó có 21 hộ cận nghèo và 153 hộ nghèo, với tổng diện tích 145 ha đất sản xuất, có 45 ha đất được mở rộng sản xuất.

Qua quá trình thực hiện dự án, kết quả cho thấy việc lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp nông dân tiết kiệm trung bình 30% công lao động, 70 - 75% công tưới nước, tiết kiệm 40 - 50% lượng nước tưới; 30% chi phí tiền điện so với tưới nước chạy máy bơm. Tăng năng suất cây trồng trung bình khoảng 20%. Đặc biệt cây đậu phộng tăng 30 - 35%, rau muống tăng 80 - 100%, hành lá tăng 20 - 30%. Mô hình còn làm giảm đáng kể côn trùng gây hại, từ đó hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản phẩm cho ra lại đẹp hơn, chất lượng cao hơn.

Đặc biệt, do tiết kiệm được nhiều khoản chi phí sản xuất, phương pháp tưới tiết kiệm lại không đòi hỏi người dân phải làm đất bằng phẳng như phương pháp tưới tràn tuyền thống nên nhiều hộ dân đã mở rộng diện tích canh tác. Điều mà trước đây nông dân không thể thực hiện được do chi phí nhân công cao và không đủ nước tưới. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại, điểm nổi bật của mô hình tưới nước tiết kiệm của iDE đó là phù hợp với những hộ gia đình có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, ít vốn. Được biết, chi phí lắp đặt hệ thống tưới phun, nhỏ giọt chỉ có giá từ 1 - 3,5 triệu đồng/sào, tùy vào chất lượng vật tư. 
Với những ưu điểm vượt trội, vừa qua, Hội Nông dân tỉnh đã ký kết với Tổ chức iDE tiếp tục hỗ trợ triển khai thực hiện mô hình giai đoạn 2, với tổng kinh phí 640 triệu đồng, thời gian đến hết năm 2013. Mục tiêu của dự án là giới thiệu, lắp đặt mô hình cho khoảng 800 hộ nông dân ở các xã Nhơn Hải, Vĩnh Hải (Ninh Hải), Phước Dinh, Phước Ninh, Phước Nam, Nhị Hà (Thuận Nam), Nhơn Sơn, Mỹ Sơn, Hòa Sơn (Ninh Sơn), tăng thu nhập trung bình 4 triệu đồng/hộ/năm.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Giám đốc iDE Việt Nam chia sẻ: Để dự án mang lại hiệu quả cao hơn nữa, thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng nguyên vật liệu cung ứng, hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu và điều kiện kinh tế của các hộ nông dân nghèo. Hy vọng, với mô hình tưới nước tiết kiệm này, cùng với sự nỗ lực của địa phương sẽ góp phần biến những vùng đất khô cằn, cát bay của Ninh Thuận thành những vùng đất xanh tươi, màu mỡ, giúp nhiều hộ dân nghèo cải thiện đời sống, và trên hết đó là bảo vệ tài nguyên nước, môi trường sống cho vùng đất bán khô hạn của tỉnh.


Có thể bạn quan tâm

Sức Hút Cây Lúa Nhật Sức Hút Cây Lúa Nhật

“Sản xuất lúa Nhật thì đầu ra ổn định, không sợ bị rớt giá như các loại lúa khác, mình an tâm hơn. Bởi lẽ, được công ty ký hợp đồng đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm” – ông Đức phấn khởi.

22/11/2014
Giá Mía Liên Tục Giảm, Nông Dân Lo Lắng Giá Mía Liên Tục Giảm, Nông Dân Lo Lắng

Ông Lê Thành Phương, nông dân trồng mía cho biết: “Chuẩn bị thu hoạch nhưng nghe nói giá mía đang giảm xuống nữa. Nếu mà mía giảm như vậy, người trồng sẽ gặp khó khăn. Mức giá này, nếu mía trúng, còn lời chút đỉnh, nếu mía ở dạng trung bình thì không có lời”.

22/11/2014
Thoát Nghèo Nhờ Cây Tiêu Thoát Nghèo Nhờ Cây Tiêu

Điển hình trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây tiêu vào trồng trọt ở xã Thái Thủy có gia đình anh Ngô Xuân Quang, ở thôn Bắc Thái. Nhờ loại cây trồng này, gia đình anh không những đã thoát được nghèo, mà còn vươn lên làm giàu. Gia đình anh Quang hiện có 4 ha đất đồi, ban đầu anh tập trung vốn liếng trồng các cây ngắn ngày như nén, gừng, khoai lang..., tuy nhiên lợi nhuận thu về không được bao nhiêu.

22/11/2014
Chọn Giống Đúng, Thu Hoạch Cao Chọn Giống Đúng, Thu Hoạch Cao

Đồng Nai là tỉnh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới với huyện Xuân Lộc và TX.Long Khánh đều đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Điểm nổi bật của 2 địa phương này là đã thực hiện tốt việc chuyển đổi giống cây trồng mới, xây dựng các vùng chuyên canh đạt hiệu quả kinh tế cao.

22/11/2014
Xóa Bờ Bao Làm Cánh Đồng Sinh Thái Xóa Bờ Bao Làm Cánh Đồng Sinh Thái

Ông Võ Thành Nhơn làm 6,2 ha lúa ở ấp Vĩnh Thành cho biết: "Tham gia mô hình này, Trạm BVTV huyện xuống tập huấn áp dụng chương trình "3 giảm, 3 tăng" và "1 phải, 5 giảm". Sau đó, hướng dẫn trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch, nhờ đó giảm được lần phun thuốc ở giai đoạn đầu và trước khi thu hoạch".

22/11/2014