Hiệu Quả Kinh Tế Cao Của Mô Hình Khoai Lang Giống Mới Ở Bắc Giang

Khoai lang là loài cây dễ trồng, đầu tư thấp nhưng mang lại hiệu quả kinh tế ổn định. Sản phẩm khoai lang sản xuất ra không chỉ sử dụng cho tiêu dùng như một loại rau sạch, làm lương thực và làm quà mà còn thân thiện với môi trường và sức khoẻ của con người. Ngoài ra, khoai lang còn là nguyên liệu phục vụ cho công nghệ chế biến công nghiệp hiện nay như: chips, miến...
Năm 2011, Viện Cây lương thực và Thực phẩm phối hợp với Trung tâm KNKN tỉnh, UBND huyện Hiệp Hòa, Việt Yên và Lục Nam xây dựng mô hình sản xuất khoai lang giống mới KLC3 và giống 97-1-1 ở vụ xuân và vụ đông với quy mô 12 ha tại xã Mai Trung- Hiệp Hòa, xã Bích Sơn- Việt Yên và xã Tam Dị- Lục Nam, sử dụng giống khoai Hoàng Long làm giống đối chứng.
Dòng khoai lang KLC3 có màu sắc lá xanh, cuống lá màu tím, lá hình tim, hình dáng củ thuôn dài và vỏ củ màu đỏ nhạt. Dòng 97-1-1, dạng thân là nửa đứng, dạng lá xẻ thuỳ, dạng củ dài, vỏ củ màu đỏ và ruột củ trắng ngà. Thời gian sinh trưởng của 2 giống vụ xuân 145 ngày, vụ đông 110 ngày. Giống đối chứng Hoàng Long có dạng thân nửa đứng, màu lá xanh đậm, lá hình tim, dạng củ màu đỏ nhạt, ruột củ màu trắng ngà. Thời gian sinh trưởng vụ xuân 150 ngày, vụ đông 110 ngày. Các dòng giống khoai lang mới trong 2 vụ phát triển tốt hơn so với giống Hoàng Long tại các địa phương, tuy nhiên sự chênh lệch là không nhiều.
Sau một năm triển khai thực hiện, mô hình tiến hành thu hoạch theo nhóm hộ gia đình. Vụ xuân, ở 3 điểm triển khai có 70 hộ sản xuất giống khoai lang KLC3, 80 hộ trực tiếp trồng khoai lang 97-1-1. Kết quả cho thấy: Vụ xuân, do thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài đã ảnh hưởng nhiều tới sự sinh trưởng phát triển của cây, giống khoai lang KLC3 đạt năng suất trung bình từ 18-21 tấn/ha, dòng 97-1-1 đạt từ 18-23,9 tấn/ha và giống đối chứng Hoàng Long đạt 10-15 tấn/ha. Ước tính giống khoai lang mới đạt lãi thuần gần 16 triệu đồng/ha còn giống khoai lang Hoàng Long đạt 6 triệu đồng/ha, cao hơn gần 10 triệu đồng. Ở vụ đông, năng suất các giống khoai lang mới cao hơn hẳn so với vụ xuân và cao hơn hẳn so với giống đối chứng cùng thời điểm. Cao nhất là giống 97-1-1 đạt 22,8 tấn/ha, dòng KLC3 đạt 20,3 tấn/ha và giống đối chứng chỉ đạt 16,4 tấn/ha. Hạch toán kinh tế, giống khoai lang mới đạt gần 40 triệu đồng/ha, cao hơn giống đối chứng trên 17 triệu đồng/ha. Mặt khác, qua theo dõi 2 giống khoai lang mới đều mức độ nhiễm sâu bệnh thấp, chủ yếu là bệnh virut.
Để đánh giá khả năng thích nghi và hiệu quả kinh tế các dòng khoai lang mới trên đồng đất địa phương, Viện cây lương thực thực phẩm tiến hành tổ chức hội nghị đầu bờ giới thiệu giống khoai lang mới và biện pháp canh tác mới của mô hình trên địa bàn xã Mai Trung, huyện Hiệp Hòa. Các đại biểu đánh giá rất cao kết quả đạt được của mô hình và coi đây là mô hình sản xuất tiên tiến, tạo ra khối lượng hàng hóa lớn, sản phẩm thu hoạch có đầu ra ổn định. “Dự kiến trong những năm tiếp theo xã sẽ tạo điều kiện phối hợp với đơn vị triển khai dự án để các địa phương mở rộng diện tích. Tuy nhiên, để đạt được năng suất tối đa cho cây trồng, bà con nên áp dụng kỹ thuật theo đúng hướng dẫn của cán bộ chuyên môn thuộc dự án và khuyến nông cơ sở” – ông Nguyễn Văn Tụ - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Trung cho biết.
Thông qua các kết quả nghiên cứu và tuyển chọn cho thấy các giống khoai lang mới KLC3, 97-1-1 sinh trưởng phát triển tốt, sạch sâu bệnh và cho năng suất từ 17,6- 22 tấn/ha. Với sự phát triển này trong tương lai gần đây tỉnh Bắc Giang sẽ có một khối lượng lớn sản phẩm khoai lang hàng hóa trên địa bàn, cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Có thể bạn quan tâm

Hiện nay, nhiều gia đình không chỉ có nhu cầu tìm mua các loại rau an toàn (RAT) mà còn tự sản xuất để phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, nhằm đảm bảo sức khỏe. Song, trở ngại lớn là vấn đề thiếu đất sản xuất, nhất là các hộ gia đình ở đô thị. Mô hình "sản xuất rau ăn lá an toàn không cần đất qui mô hộ gia đình" đã và đang được Bình Thủy, TP Cần Thơ triển khai thực hiện, mở hướng cho các hộ gia đình phát triển sản xuất RAT mà không cần đất.

Theo thông tin từ Chi cục Lâm nghiệp tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 8.994 ha quế, trong đó, diện tích quế cho khai thác hằng năm (tỉa thưa) 4.600 ha, diên tích quế đang trong giai đoạn chăm sóc 4.300 ha. Các huyện có diện tích cây quế lớn là Bắc Hà, Bảo Thắng, Bảo Yên và Văn Bàn.

LMN có sức sống rất kỳ diệu, theo đó nước (trong mùa nước nổi) lên tới đâu thì lúa vượt theo tới đó, đủ cao hơn mặt nước một chút để có thể “thở” và sống được, cho đến khi nước rút đi thì bông lúa cũng chín vàng. Có năm lũ lớn, thân cây LMN vươn cao đến gần 4m.

Theo các tiểu thương tại chợ Đà Lạt, đây là thời điểm mặt hàng cùng loại của Trung Quốc được thương lái nhập về Đà Lạt với giá chỉ từ 5.000-6.000đ/kg. Sau khi phân loại và trộn đất đỏ, nhiều thương lái giới thiệu đây là khoai tây Đà Lạt rồi xuất đi các tỉnh, thành tiêu thụ, thị trường lớn nhất là TP. HCM, gây ảnh hưởng đến thương hiệu khoai tây Đà Lạt.

Ông Phạm Văn Quỳnh, giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết thành công của mô hình là nhờ yếu tố quản lý sản xuất thống nhất trên một diện rộng, cộng với đầu tư khoa học kỹ thuật đồng bộ, giảm chi phí sản xuất, tăng được năng suất và giá trị.