Hiệu Quả Kép Từ Hệ Thống Tưới Nhỏ Giọt Bằng Năng Lượng Mặt Trời

Tiết kiệm chi phí 70 triệu đồng/năm, tiết tiệm nguồn nước tưới, năng suất tăng 10%, đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng… Đó là hiệu quả mang lại sau 3 năm, kể từ khi vườn thanh long của ông Võ Ngọc Diệp (Sáu Diệp), Tổ trưởng Tổ hợp tác (THT) thanh long Lương Phú (Lương Phú C, Lương Hòa Lạc, Chợ Gạo, Tiền Giang) được Công ty Mono Energy (Úc) đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt bằng năng lượng mặt trời.
Ông Diệp cho biết, cách đây 3 năm, sau khi đến tham quan vườn thanh long của ông, đoàn du khách Úc (thuộc Công ty Mono Ennergy) ngỏ ý muốn lắp đặt hệ thống thử nghiệm tưới nhỏ giọt sử dụng năng lượng mặt trời cho vườn của ông. Khi đó, chưa biết hiệu quả ra sao nhưng nhận thấy không phải tốn tiền đầu tư nên ông đã nhận lời.
Sau khi lắp đặt, đưa vào vận hành, hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng năng lượng mặt trời mang lại hiệu quả ngoài sự mong đợi của ông. Do bộ rễ được cấp một lượng nước vừa đủ đã giúp hấp thu triệt để lượng phân bón nên cây thanh long phát triển xanh tốt. Sử dụng hệ thống này, vừa giúp ông tiết kiệm chi phí thuê nhân công và tiền điện (khoảng 6 triệu đồng/tháng), trong khi năng suất vườn thanh long tăng lên 10%.
Hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng năng lượng mặt trời có kết cấu khá đơn giản, bao gồm: một tấm panel (lắp hệ thống pin và bo mạch) để thu năng lượng mặt trời (biến quang năng thành điện năng); hộp điều khiển (được đấu với panel bằng 2 dây dẫn điện) gồm 1 đèn báo và nút lựa chọn các mức điện áp (gồm 5 mức điện áp một chiều: 180, 144, 108, 72 và 36 Vol) để cung cấp nguồn điện cho mô-tơ vận hành. Hệ thống bơm được vận hành bằng một mô-tơ điện 3 pha có công suất 750w (1 HP hay 1 mã lực) và hệ thống đường ống dẫn nước đến các gốc thanh long.
Mỗi gốc thanh long được lắp 2 van tưới thấm (mỗi giờ cung cấp khoảng 1 lít nước), thời gian tưới từ 6-7 giờ/ngày, cách 3 ngày tưới 1 lần. Quy trình tưới thấm vừa tiết kiệm nguồn nước, nước thấm sâu, qua đó giúp nâng cao năng suất, hiệu quả và tiết kiệm đáng kể chi phí. Theo ông Diệp, qua 3 năm sử dụng, hệ thống này vẫn hoạt động tốt, không bị trục trặc; đặc biệt, thời gian có nắng trong ngày càng nhiều càng tốt.
Vườn thanh long của ông Diệp có diện tích 1 ha với khoảng 1.200 trụ (chủ yếu là ruột trắng và vài chục gốc ruột đỏ). Năm 2013, ông thu hoạch 25 tấn, bán với giá trung bình 25 ngàn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, ông thu lãi 250 triệu đồng. So với trước đây, việc đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt đã giúp ông thu lợi 110 triệu đồng mỗi năm, bao gồm: tiết kiệm trên 70 triệu đồng chi phí nhân công, tiền điện và thu nhập tăng thêm trên 30 triệu đồng do năng suất thanh long tăng 10%.
Ông Diệp cho biết, THT thanh long Lương Phú hiện có 15 tổ viên, canh tác khoảng 10 ha thanh long (vừa được cấp Chứng nhật đạt tiêu chuẩn VietGAP) cung cấp cho thị trường xuất khẩu. Các tổ viên có ý định đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt sử dụng năng lượng mặt trời vì nhận thấy những hiệu quả thiết thực do hệ thống này mang lại.
Tuy nhiên, do chi phí đầu tư khá lớn (khoảng 100 triệu đồng) nên một số tổ viên còn đang cân nhắc về nguồn vốn. “Đề nghị Nhà nước, ngành ngân hàng có chính sách hỗ trợ hoặc cho vay với lãi suất ưu đãi để giúp người trồng thanh long có điều kiện áp dụng và từng bước nhân rộng mô hình cho một số địa phương khác” - ông Diệp đề nghị.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo của Cục Bảo vệ Thực vật, nhóm rau ăn lá như rau muống, rau ngót, cải xanh, cải thảo, cải ngọt, bắp cải… là các loại rau được dùng phổ biến trong bữa ăn hằng ngày ở nước ta vẫn có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm do nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.

Đến thời điểm này, các vùng nuôi tôm thương phẩm tỉnh ta đã vào vụ chính từ 1 đến 2 tháng, với diện tích đang nuôi khoảng 385 ha, chủ yếu tập trung ở các hộ có tiềm lực, cơ sở hạ tầng được đầu tư hoàn chỉnh.

Cũng như các địa bàn nông thôn khác, hầu hết người dân xã Phước Vinh (Ninh Phước) cũng “một nắng hai sương” trên mảnh đất kém phì nhiêu ở xứ nắng Ninh Thuận. Thế nên, ít ai nghĩ nghiệp nông ở vùng đất này lại có thể khởi sắc, đặc biệt là từ cây bắp lai, một loại cây lương thực không quá nổi trội tại địa phương.

Những năm gần đây, nghề nuôi chim cút phát triển khá mạnh ở Quảng Nam, trong đó Điện Bàn là địa phương có nhiều hộ tham gia nhất. Để nghề này phát triển bền vững, Hội ND đã vận động, hướng dẫn các hộ nuôi chim liên kết, hợp tác với nhau.

Thức ăn của cừu đơn giản, dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, rau muống, cám bột xay. Anh Khánh cho biết, chi phí nuôi cừu thấp, không tốn nhiều công chăm sóc, dễ bán, giá cao. Hiện xã Phước Thái có thêm 20 hộ nuôi cừu vỗ béo, góp phần cải thiện thu nhập cho gia đình.