Hiệu quả dự án phát triển sản xuất nấm tập trung
Tham gia dự án gồm 120 hộ sản xuất tại các huyện Thuận Thành, Tiên Du, Gia Bình, Yên Phong và Quế Võ. Nấm được chọn để xây dựng mô hình là giống cấp III do Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền Nông nghiệp), Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KHCN thuộc Sở Khoa học & Công nghệ Bắc Ninh và Công ty TNHH Mai Hoàng sản xuất và cung ứng.
Tham gia mô hình các hộ trồng nấm được hỗ trợ 100% giống, 30% tiền mua vật tư (nguyên liệu, túi PE, nút bông, chun và giàn giá dụng cụ) và được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bắc Ninh tổ chức.
Bà Nguyễn Thị Hằng, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật Trồng trọt Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bắc Ninh cho biết: “Khi mới triển khai chúng tôi gặp không ít khó khăn do người trồng nấm còn có tư duy theo hướng tự cung, tự cấp, tận dụng cơ sở vật chất đã có, chưa mạnh dạn đầu tư một cách bài bản. Nhận thức của người dân cũng như việc tiếp thu những tiến bộ kỹ thuật về nuôi trồng, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. Tuy nhiên sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn từ khâu xử lý nguyên liệu, chăm sóc, thu hái và khuyến khích các hộ liên kết với nhau để cùng tiêu thụ sản phẩm nên dự án đã có được những kết quả rất khả quan”.
Sau 3 năm triển khai thực hiện dự án, bước đầu tổ chức thành công các nhóm hộ sản xuất nấm (mỗi nhóm 10 hộ) hợp tác cùng nhau tiêu thụ sản phẩm, các loại nấm làm ra đến đâu đều tiêu thụ hết đến đấy. Điểm thực hiện mô hình sẽ là đầu mối thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm nấm của các thành viên và các hộ khác sản xuất ra.
Mô hình sản xuất nấm rơm được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng trái vụ ngoài đồng cho năng suất đạt khoảng 125kg/tấn nguyên liệu, với giá bán trung bình 60.000đ/kg sau khi trừ chi phí người trồng nấm có thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tấn nguyên liệu, cao hơn rất nhiều khi trồng nấm rơm chính vụ. Nấm sò và mộc nhĩ cũng có kết quả cao khi năng suất trung bình của từng loại nấm lần lượt là 500kg/tấn nguyên liệu và 70 - 75kg mộc nhĩ khô/tấn nguyên liệu. Giá bán trung bình 1kg nấm sò là 25.000đ/kg và mộc nhĩ khô là 120.000đ/kg, trừ chi phí thu được từ 7 - 9 triệu đồng/tấn nguyên liệu.
Là một trong những người tham gia mô hình trồng nấm rơm trái vụ do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư triển khai, anh Nguyễn Gia Kha, thôn Bùng, Bình Dương, Gia Bình cho biết: “Trước kia gia đình tôi trồng nấm rơm nhưng chỉ trồng chính vụ. Năm 2014 tôi có tham gia mô hình trồng nấm trái vụ do Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư Bắc Ninh triển khai với quy mô 6 tấn nguyên liệu. Được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nhiệt tình hướng dẫn nên mô hình nấm rơm của chúng tôi đạt năng suất khá cao, riêng gia đình tôi đạt năng suất khoảng 120kg/tấn nguyên liệu với giá bán có lúc đạt 90.000đ/kg, thu lãi được 4triệu đồng/tấn nguyên liệu”.
Cũng tham gia dự án sản xuất nấm tập trung, anh Nguyễn Thế Quý, thôn Lương, xã Tri Phương, huyện Tiên Du chia sẻ: “Từ khi sản xuất nấm chúng tôi không còn đốt rơm rạ sau khi thu hoạch nữa mà sử dụng rơm rạ đó làm nguyên liệu trồng nấm. Nhóm chúng tôi đã cùng nhau sản xuất một loại nấm nên sản lượng nấm hàng hoá cao. Ngoài bán cho người dân trong tỉnh còn bán cho các tỉnh lân cận, đôi khi cũng không đủ hàng”.
Đánh giá về hiệu quả của dự án, ông Trần Xuân Dẫn - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bắc Ninh cho biết: “Dự án phát triển sản xuất nấm tập trung ở một số tỉnh phía Bắc thực hiện ở Bắc Ninh đã tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, tận dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp góp phần giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ người dân. Dự án sản xuất nấm tập trung còn góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất, từ nhỏ lẻ, tự phát trong từng hộ gia đình sang liên kết trong nhóm hộ từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Thành công của dự án góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù đã được cảnh báo trước, nhưng người trồng tiêu ở xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vẫn không khỏi bị sốc khi hàng loạt vườn tiêu nhiễm bệnh và chết khi mùa thu hoạch đang đến gần.
Hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng tới vụ lúa đông xuân, nhưng nông dân phấn khởi, bởi giá lúa đang tăng mạnh.
Tin đồn cây chè bị nghi nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và Dioxin hơn năm trước dẫn đến nhiều hệ quả khôn lường. Qua đó, để lại bài học kinh nghiệm sâu sắc cho ngành chè nói riêng và nền canh nông Lâm Đồng nói chung, bởi muốn bơi ra “biển lớn” thì ngoài việc từ bỏ thói quen canh tác theo kiểu “ăn xổi”, người sản xuất nông nghiệp cần phải tuân thủ những quy định khắt khe, nhất là khi tham gia vào “sân chơi” toàn cầu.