Trang chủ / Gia súc-Gia cầm / Nuôi bò

Hiệu quả chăn nuôi bò sữa nhìn từ góc độ hệ thống giống

Hiệu quả chăn nuôi bò sữa nhìn từ góc độ hệ thống giống
Tác giả: TS. Kiều Minh Lực
Ngày đăng: 04/12/2018

Trong nhiều năm qua ngành chăn nuôi bò sữa ở nước ta có lúc thăng hoa nhưng cũng có lúc gặp không ít khó khăn. Ngoài yếu tố tác động mạnh của giá thu mua sữa thì cũng cần phải suy nghĩ tới các yếu tố kỹ thuật khác có tác động đến cơ cấu giá thành trong chăn nuôi bò sữa như năng suất sữa thấp, bò sữa bị bệnh nhiều, chậm lên giống lại sau khi đẻ, chi phí sản xuất sữa cao. Bài viết này muốn chia sẽ tác động của hệ thống giống bò sữa đến các yếu tố kỹ thuật liên quan đến hiệu quả chăn nuôi bò sữa.

1. Sự khác nhau của hệ thống giống bò sữa và hệ thống giống của vật nuôi lấy thịt, trứng

Giả sử trong chăn nuôi lợn thịt, công thức lai thường sử dụng là lợn lai 3 máu giữa các giống Landarce(L), Yorkshire(Y) và Duroc(D). Hệ thống giống cho chương trình lợn thịt lai 3 máu D(LY) được minh họa ở hình H1. Lợn thịt thương phẩm. Khái niệm “lợn thịt thương phẩm” tức là bản thân con lợn lai D(LY) chỉ dùng để giết thịt bán ra thị trường. Lợn thịt thương phẩm D(LY) được sản xuất từ lợn nái thương phẩm (LY hoặc YL), tức con của những lợn nái này cũng chỉ để giết thịt mà thôi, không sử dụng để làm giống trở lại và cho sinh sản. Để cải tiến di truyền nâng cao năng suất của cả hệ thống sản xuất lợn thịt, người ta tiến hành chọn lọc các cá thể giống thuần tham gia trong chương trình giống (ví dụ ở đây là các giống Landrace, Yorkshire và Duroc). Các giống thuần tham gia trong chương trình giống này được nuôi tập trung tại một số ít trại và có quy mô đàn đủ lớn (thông thường hàng ngàn con nái) cho mục đích cải thiện di truyền và nhân giống cho toàn bộ hệ thống sản xuất. Hệ thống giống này gọi là hệ thống giống kín và được áp dụng cho các chương trình giống vật nuôi lấy thịt, trứng. Khái niệm cơ bản của hệ thống giống kín ở đây là không sử dụng những cá thể lai thương phẩm trở lại làm giống ở cấp giống cao hơn. Sự kết hợp của nhiều giống trong một chương trình giống là nhằm khai thác tính ưu việt của các giống khác nhau, tạo ra sản phẩm cuối cùng có tính đồng đều cao và phù hợp thị trường hơn, đồng thời khai thác ưu thế lai để tăng năng suất cho hệ thống sản xuất.

Trong chương trình sản xuất sữa bò của thế giới, giống bò thuần Holstein (bò lang trắng đen Hà Lan) được đánh giá là tốt nhất về sản lượng sữa và cho đến nay chưa có giống bò sữa nào vượt qua giống bò này. Chính vì vậy hệ thống giống bò sữa được thế giới lâu nay ứng dụng là hệ thống giống thuần mô tả ở hình H2. Bò sữa. Các đàn bò sữa của các quốc gia trên thế giới cũng được nuôi trong dân, quy mô đàn ít hơn nhiều về đầu con so với heo, thường 20-200 con bò sữa/trại (Nhật Bản quy mô đàn trung bình của một trại bò sữa là 60 con, Mỹ 50 con, Hà Lan 46 con). Để cải thiện di truyền, Nhà nước tổ chức chương trình giống bò sữa bao gồm các chính sách và giải pháp kỹ thuật, người chăn nuôi bò sữa đăng ký tham gia chương trình cải thiện di truyền. Thông qua đánh giá di truyền các đàn bò sữa trong dân để tìm ra những cá thể đực và cái xuất sắc nhất bổ sung vào đàn giống hạt nhân, đồng thời có chính sách khai thác tiềm năng di truyền của các cá thể hạt nhân như ứng dụng các kỹ thuật sản xuất tinh cọng rạ đông lạnh, gây rụng trứng đồng loạt để sản xuất phôi và cấy truyền phôi (MOET). Như vậy đàn bò sữa hạt nhân thực chất là đàn ảo bao gồm nhiều cá thể khác nhau nằm trong nhiều đàn giống khác nhau của người dân. Đàn bò sữa hạt nhân không còn bị giới hạn phạm vi bởi biên giới quốc gia nữa mà còn nằm ở các nước khác nhau, ví dụ Interbull. Các nước này cùng sử dụng một nguồn cơ sở dữ liệu trong đánh giá di truyền đàn giống bò sữa. Hệ thống giống này gọi là hệ thống giống mở. Khái niệm cơ bản của hệ thống giống mở ở đây là mọi cá thể bò sữa đực và cái đang được khai thác sữa tại các đàn bò sữa trong dân có tham gia chương trình giống đều có cơ hội được đưa lên làm giống ở cấp cao hơn (giống hạt nhân). Do tính đặc thù của đàn giống bò sữa là một đàn giống mở được nuôi trong những điều kiện khác nhau, cho nên kỹ thuật đánh giá di truyền bằng BLUP (một phương pháp có độ chính xác cao) lần đầu tiên được phát triển cho mục đích ứng dụng trên đàn bò sữa. Cùng với BLUP, kỹ thuật MOET đã làm thúc đẩy sản xuất được nhiều đực giống cao sản ET (đực cấy truyền phôi). Đồng thời việc áp dụng kỹ thuật gieo tinh nhân tạo rộng rãi để khai thác tiềm năng di truyền của đực giống ET đã có tác dụng làm tăng nhanh sản lượng sữa trên thế giới trong vài thập niên qua.

Mặc dù bò thuần Holstein là giống bò sữa ưu việt nhất về sản lượng sữa, nhưng khả năng thích nghi kém với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Ảnh hưởng của tương tác giữa di truyền và môi trường đến sản lượng sữa rất lớn ở giống bò Holstein. Các chương trình bò sữa ở các nước nhiệt đới trong đó có Việt Nam chúng ta đã phát triển theo hướng dùng con bò lai giữa bò ngoại Holstein và bò địa phương (ở nước ta chủ trương dùng bò lai Sind theo sơ đồ H3. Bò sữa thương phẩm). Các kết quả nghiên cứu gần đây ở khu vực phía Nam cũng cho thấy bò sữa lai (HV) có khả năng chịu nhiệt tốt và cho năng suất sữa khá cao, người chăn nuôi có lời. Tuy nhiên hệ thống giống bò sữa này đã được thay đổi tương tự với hệ thống giống của vật nuôi lấy thịt, không thể áp dụng một số giải pháp kỹ thuật về giống theo mô hình hệ thống giống mở như hệ thống giống bò sữa nguyên thuỷ của các quốc gia nuôi bò sữa truyền thống. Do vậy các giải pháp kỹ thuật trên cơ sở hệ thống giống bò sữa cải biến này cũng cần phải tính toán.

Để duy trì hệ thống giống “Bò sữa thương phẩm” ta cần có một quần thể giống thuần bò Holstein trong nước chuyên sản xuất đực giống và tinh, hoặc phải phụ thuộc vào  nguồn tinh nhập khẩu để phối với bò cái lai Sind. Chúng ta cũng cần có một quần thể bò cái lai Sind để thường xuyên sãn sàng cho việc phối giống với tinh bò Holstein để sản xuất “bò sữa thương phẩm” lai HV. Tuy nhiên vì người chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam chỉ sử dụng bò lai HV cho sản xuất sữa, nên 2 hệ thống giống thuần (Holstein và lai Sind) trong sản xuất giống bò sữa lại không nằm trên cùng một đơn vị sản xuất (hộ nông dân). Tức người nuôi bò thịt lai Sind mua tinh bò sữa Holstein về phối giống để sản xuất bò lai HV và bán lại cho người nuôi bò sữa. Hoặc người nuôi bò sữa phải duy trì một số lượng bò thịt lai Sind nhất định để sản xuất bò lai HV, tuy nhiên phương án này khó thực hiện do đặc tính chăn nuôi đại gia súc khó có thể có quy mô đàn lớn. Đây là một bất cập trong hệ thống giống bò sữa. Các công đoạn sản xuất giống không gắn kết với nhau trong một hệ thống. Việc ứng dụng BLUP trong hệ thống giống này sẽ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa mục đích giống đối với đàn bò lai Sind là không rõ ràng vì không phải mục đích chọn lọc theo hướng sữa để sản xuất bò sữa HV, mà chủ yếu là theo hướng thịt. Trong hệ thống giống vật nuôi lấy thịt nêu trên, sản phẩm lợn thịt thương phẩm là sản phẩm cuối cùng của một hệ thống sản xuất, tức lợn thịt thương phẩm sẽ được giết thịt và quá trình sản xuất lại quay lại từ đầu. Tuy nhiên, trong hệ thống giống “Bò sữa thương phẩm” thì bò lai HV không phải là sản phẩm cuối cùng của quá trình sản xuất, bởi vì muốn vắt được sữa từ bò HV thì phải cho bò HV đẻ, tức phải đưa bò HV vào một chu trình sản xuất mới và sản phẩm tiếp theo (con của con bò HV) không biết sẽ định hướng vào việc gì. Đây lại là bất cập thứ hai có tính nghiêm trọng trong hệ thống giống bò sữa ở nước ta. Cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu nào nhằm giải quyết một cách căn cơ vấn đề này.

2. Một số giả thiết và giải pháp

Giả thiết thứ nhất: Nếu kiểu gen của bò lai HV là ½ Holstein và ½ lai Sind cho hiệu quả kinh tế cao nhất thì tất cả bò sữa lai HV cần phải phối giống với giống bò thịt, con đẻ ra từ bò mẹ HV phải dùng làm bò nuôi lấy thịt. Để tổ chức hệ thống sản xuất bò sữa cần phải duy trì hai giống bò thuần Holstein và lai Sind như đã nêu trên. Cần phải suy tính đến hệ thống nuôi bò thuần Holstein và bò lai Sind cho mục đích sản xuất bò HV và hiệu quả kinh tế của toàn bộ hệ thống sản xuất này. Ba Vì và Lâm Đồng là hai khu vực chăn nuôi bò thuần Holstein lý tưởng, tuy nhiên cần phải xác định quy mô đàn, phương thức tổ chức sản xuất và kỹ thuật cải thiện di truyền thích hợp nhằm phục vụ chương trình giống bò sữa cho cả nước.

Giả thiết thứ hai: Nếu bò lai HV có tỷ lệ máu bò Holstein cao hơn cho hiệu quả kinh tế cao hơn thì cần tiếp tục cho phối giống bò cái lai HV với tinh bò sữa Holstein và con lai sinh ra từ bò mẹ HV sẽ được tiếp tục dùng làm bò sữa. Đồng thời cần xác định ở tỷ lệ máu bò Holstein nào trong con lai HV cho hiệu quả cao nhất để trở lại phối với giống bò thịt như ở giả thiết thứ nhất. Việc tiếp tục tăng tỷ lệ máu Holstein sẽ dẫn đến hậu quả khả năng thích nghi kém, phát sinh nhiều bệnh tật, chi phí chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng và thuốc thú y cao, làm cho giá thành một kg sữa sẽ cao không phù hợp với nhu cầu thị trường. Hơn nữa bằng giải pháp này sẽ làm xuất hiện tính không đồng nhất về tiềm năng di truyền và khả năng thích nghi của các cá thể bò khác nhau trong cùng một đàn bò sữa, đòi hỏi quản lý và chăm sóc phải khác nhau và sẽ là khó khăn cho người nuôi. Trong thực tế người dân chăn nuôi bò sữa tại nhiều nơi chưa ý thức và định hướng được vấn đề này, do vậy sẽ có thể xẩy ra một cuộc khủng hoảng về bò sữa thứ 2 trong 10 năm tới ở các tỉnh mới khởi sự nuôi bò sữa được vài năm lại nay.

Giả thiết thứ ba: Nếu sản lượng sữa tiếp tục tăng theo chiều tuyến tính với tỷ lệ máu bò Holstein trong con lai HV, hoặc chí ít cũng có một tỷ lệ bò lai HV nào đó có tỷ lệ máu Holstein cao (từ 15/16 trở lên) có năng suất sữa cao trong điều kiện chăn nuôi bình thường thì một dấu hiệu về gen chịu nhiệt ở bò lai Sind có thể được giả địch cho một chương trình nghiên cứu mới về gen này, và sử dụng kỹ thuật gen đánh dấu trong chương trình giống bò sữa Việt Nam để tạo ra giống bò sữa chịu nhiệt HV là một giả thiết có thể có.


Có thể bạn quan tâm

Mức ăn ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêu hóa, năng suất sữa và phát thải mêtan Mức ăn ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêu hóa, năng suất sữa và phát thải mêtan

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, trung bình mỗi ngày một con bò phát thải ra khoảng 250 – 500 lít khí mêtan

02/11/2018
Ảnh hưởng của mức protein trong thức ăn đến phát thải khí mêtan ở bò vàng Việt Nam Ảnh hưởng của mức protein trong thức ăn đến phát thải khí mêtan ở bò vàng Việt Nam

Mêtan chủ yếu được sinh trong dạ cỏ bởi nhóm vi khuẩn sinh khí mêtan sử dụng các sản phẩm chuyển hóa của các loài vi khuẩn khác, protozoa

08/11/2018
Nâng cao khả năng sinh sản cho bò Brahman Nâng cao khả năng sinh sản cho bò Brahman

Brahman là giống bò được lai tạo từ 4 giống bò nổi bật của Ấn Độ (Gir, Guzerat, Krishna Valley, Nellore) cho khí hậu nhiệt đới.

30/11/2018
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.