Hiện Thực Hóa Điều Không Tưởng Từ Sức Mạnh Niềm Tin
Canh tác trên đất đồi mới khai hoang khô cằn sỏi đá đã là điều khó, có thành quả nữa thì thật là điều “không tưởng”. Sau nhiều nỗ lực, cố gắng, chính quyền và người dân tái định cư (TĐC) thị xã Mường Lay đã hiện thực hóa được điều “không tưởng” ấy bằng chính sức mạnh từ niềm tin.
Thực hiện TĐC đã được gần 4 năm, cho đến nay vấn đề đất sản xuất vẫn là dấu hỏi lớn mà chính quyền và người dân thị xã Mường Lay còn trăn trở. Thời gian qua, địa phương đã nỗ lực rất lớn, với nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trên, nhưng lại gặp phải không ít vướng mắc phát sinh.
Theo kế hoạch, Mường Lay sẽ giao đất cho trên 1.000 hộ nông nghiệp thuộc 16 tổ, bản. Cho đến thời điểm hiện tại, gần như đã hoàn thành về số lượng, với gần 50ha đất bán ngập giao cho 360 hộ thuộc 6 bản: Nậm Cản, Quan Chiên (phường Na Lay), bản Bắc 1, Bắc 2, Na Ka và bản Ổ (xã Lay Nưa) để sản xuất 1 vụ/năm; bàn giao thực địa xong khoảng 30ha đất khai hoang cho hơn 700 hộ nông nghiệp. Trên thực tế, đối với diện tích bán ngập, người dân đã sản xuất ổn định được một vụ/năm với năng suất khả quan.
Mặc dù vậy, vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu thực tế nên thị xã xác định, cải tạo và sản xuất trên đất mới khai hoang mới là kế sách lâu dài và ổn định. Tuy nhiên, “vạn sự khởi đầu nan”, không có sự khởi đầu nào mà không gặp gian nan, thử thách.
Phần lớn diện tích mới khai hoang nằm ở các vị trí có độ dốc lớn, chất đất xấu, chủ yếu là sỏi đá, đòi hỏi phải mất nhiều công sức cải tạo mới có thể đưa vào sản xuất. Bãi khai hoang thuộc công trình thủy lợi Na Tung (xã Lay Nưa) là một ví dụ. Bãi rộng gần 14ha, sau khi tiến hành chia đất cho 295 hộ dân đã bị bỏ hoang gần 1 năm.
Sau đó, tháng 3/2013, thị xã vận động người dân đưa cây ngô vào trồng nhưng đều không thể sinh trưởng. Tại khu vực bãi tưới bản Đớ, cây đậu tương cũng “phụ công người” sau thời gian không lâu đưa vào trồng.
Tất cả những “thất bại” kể trên, ngoài tác động của những yếu tố khách quan nhắc đến trước đó, thì quan trọng hơn cả là thiếu lòng tin từ phía người dân. Chính bởi vậy, họ đã không mặn mà, không nỗ lực hết sức để bắt tay cùng chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn.
Xác định được cốt lõi của vấn đề, ngoài việc chỉ đạo sát sao các phòng, ban chức năng, nhất là Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư hỗ trợ người dân, thì thị xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động. Kèm theo đó là những chính sách khuyến khích, ưu đãi với những hộ “dám làm”.
Bước chuyển biến mới được đánh dấu vào thời điểm tháng 5/2014, khi thị xã mạnh dạn sử dụng gần 360 triệu đồng từ nguồn ngân sách địa phương để đầu tư trồng thử nghiệm mô hình lúa chịu hạn PT13 và các cây họ đậu cải tạo đất, trên diện tích 6ha, thuộc các bãi tưới: Na Tung, bản Mo và bản Đớ, với hơn 200 hộ tham gia.
Đi đầu là gần 100 hộ dân thuộc 2 bản Nghé Toong và Chi Luông 1, nhận đất canh tác trên bãi khai hoang số 7, thuộc công trình thủy lợi bản Đớ, phường Na Lay. Theo chia sẻ của ông Mào Văn Đợi, Trưởng bản Chi Luông 1, đồng thời cũng là một trong những hộ tham gia mô hình thì những ngày đầu nhận đất, phần lớn người dân chưa thật sự đặt niềm tin.
“Nhìn đâu cũng chỉ thấy sỏi đá, khô cằn, để canh tác đã khó, có thành quả nữa thì quả thật là điều “không tưởng” – ông Đợi tâm sự. Nhưng do nhận được sự động viên và khuyến khích của chính quyền địa phương, ông cùng 42 hộ dân trong bản quyết định “liều”, bỏ công sức để bắt tay cải tạo đất trồng lúa.
Để tạo động lực cho các hộ dân, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư thị xã cử cán bộ xuống cùng khai hoang, hướng dẫn người dân làm đất, ủ phân xanh, ka ly, vôi... trước khi tiến hành gieo trồng; đồng thời hỗ trợ 100% giống, phân bón và tiền công cải tạo đất.
Trải qua hơn 5 tháng kiên trì với không ít khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng như thất bại, nhất là tại khu vực bãi thủy lợi Na Tung, khi cây lúa bắt đầu trổ bông đã có biểu hiện vàng lá, bộ rễ bị thối. Nhưng ngay sau đó đã được xử lý kịp thời.
Đến nay, qua tổng kết, đánh giá toàn bộ diện tích gieo trồng đều cho thu hoạch với năng suất bình quân ước đạt 35 – 42 tạ/ha. Tại khu vực bãi thủy lợi bản Đớ, do nhận được sự đồng thuận, hợp tác cao từ phía người dân và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình gieo trồng, chăm sóc nên năng suất ước đạt 42 – 45 tạ/ha.
Riêng đối với diện tích 3ha trồng các loại cây họ đậu đều sinh trưởng phát triển tốt và tạo ra nguồn sinh khối lớn, hỗ trợ đắc lực trong công tác cải tạo đất. Dự kiến, năm 2015, thị xã sẽ tiếp tục cho triển khai trồng ngô và lúa chịu hạn trên diện tích này.
Tuy nhiên, thách thức tiếp tục được đặt ra khi nước tưới – yếu tố hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp lại đang là vấn đề nan giải ở đây. Mặc dù các công trình thủy lợi đều đã được đầu tư, song do thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, sạt lở, dẫn đến hư hỏng hoặc không đảm bảo năng lực tưới tiêu. Ngay tại những khu vực được cho là thuận lợi cũng gặp phải khó khăn này, hoạt động sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên.
Ông Vũ Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND thị xã cho biết: Vấn đề này hiện đang là mối quan tâm ưu tiên hàng đầu của thị xã và cũng đã được đưa ra tại nhiều cuộc họp, do cần nguồn vốn lớn nên chưa được giải quyết triệt để. “Song không phải vì thế mà chúng tôi khoanh tay đứng nhìn. Chính quyền sẽ phải tiếp tục sát cánh cùng bà con và đang đưa ra nhiều giải pháp để nhanh chóng khắc phục, hạn chế sụt sạt đất đá ảnh hưởng đến hệ thống mương dẫn.
Tuy nhiên, về lâu dài, với nguồn lực của thị xã thì không thể đảm bảo nên rất cần sự vào cuộc của các ngành chuyên môn, trong việc tiếp tục phân tích mẫu đất để có biện pháp khắc phục, xử lý đất mới khai hoang; đồng thời bổ sung hạng mục kênh mương nội đồng, mương tiêu nước... vào các công trình TĐC. Được vậy, bài toán thiếu đất sản xuất hậu TĐC sẽ sớm được giải quyết và ổn định đời sống người dân” – Ông Linh khẳng định.
Có thể nói, những kết quả nhìn thấy của mô hình đã thực sự mang lại chuyển biến rõ nét, là tín hiệu đáng mừng, mở thêm một lời giải mới cho bài toán thiếu đất sản xuất TĐC thị xã lâu nay. Quan trọng hơn, điều này đang dần củng cố thêm niềm tin của những người dân đối với hướng đi mà chính quyền nơi đây đang nỗ lực tìm kiếm và xây dựng.
Đứng trên những thửa ruộng vàng óng sắp cho thu hoạch, niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt của hơn 200 hộ dân TĐC sau nhiều năm vất vả, xuôi ngược tìm hướng mưu sinh. Giờ đây họ hiểu, niềm tin đã giúp họ thu về những “trái ngọt”...
Có thể bạn quan tâm
Mô hình thực hiện với quy mô 100m3 lồng, 1.000 con cá giống với 2 hộ tham gia là ông Lê Văn Thư và Hà Văn Đức ở thôn Mạ, xã Vĩnh Kiên. Các hộ được hỗ trợ 100% con giống với kích cỡ tối thiểu 5cm/con, không còi cọc, dị hình, không mất nhớt, màu sắc tươi sáng và 50% thức ăn công nghiệp, 50% vôi bột tỏa, 50% thuốc phòng bệnh cho cá. Tổng số tiền hỗ trợ 47.150.000 đồng. Ngoài ra, các hộ nuôi còn được tập huấn về kỹ thuật chuẩn bị lồng nuôi, thả cá, chăm sóc quản lý, phòng bệnh cho cá...
Sáng 19/12, Hội đồng khoa học công nghệ cấp tỉnh Khánh Hòa tổ chức nghiệm thu loại khá đối với kết quả đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm sá sùng tại Khánh Hòa”. Chủ nhiệm đề tài là tiến sĩ Võ Thế Dũng - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất cấp (không thu tiền) 30 tấn hóa chất Chlorine 65% min thuộc hàng dự trữ quốc gia hỗ trợ tỉnh Cà Mau phòng, chống dịch bệnh thủy sản.
Tuy nhiên, việc sản xuất và quản lý chất lượng con giống còn nhiều hạn chế: toàn tỉnh hiện có trên 1.600 cơ sở sản xuất, kinh doanh ương cá tra giống, sản lượng giống cá tra sản xuất được 18,9 tỷ con cá bột (giảm 1,3 tỷ con so với cùng kỳ), 1,19 tỷ con cá giống (tăng 51 triệu con); giống cá tra bố mẹ thoái hóa do cận huyết nên tỷ lệ sống thấp, ảnh hưởng đến giá thành; công tác kiểm tra chất lượng con giống còn bỏ ngõ dẫn đến chất lượng con giống không đảm bảo.
Theo đó, sản lượng thủy sản nước ngọt là 71 tấn, nuôi nước mặn và nước lợ thu hoạch hơn 17.000 tấn. Sản lượng các đối tượng thủy sản nuôi trồng đạt khá là tôm thẻ chân trắng dẫn đầu với khoảng 7.500 tấn; tiếp đến là cá mú, cá chẽm và một số loại thủy sản khác. Nuôi tôm lót bạt cho thu nhập khá nên diện tích thả nuôi liên tục tăng.