Hết cảnh được mùa, dội chợ nhờ trồng rau an toàn
Từ năm 2007 đến nay, qua hơn 20 lần tập huấn dài kỳ, bà con nông dân Tiền Lệ đã thành thạo kỹ năng sản xuất rau an toàn (RAT) và 70% sản lượng rau tại đây đã được các doanh nghiệp, siêu thị đặt hàng thường xuyên.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình
Nghề trồng rau màu ở Tiền Lệ đã có truyền thống từ lâu đời khi phần lớn đất canh tác ở đây được bà con khai thác để sản xuất rau củ các loại, đây cũng là "cần câu cơm" chính của hầu hết các hộ trong thôn. Hàng ngày, những sọt rau xanh mướt vẫn nối đuôi nhau đến các chợ đầu mối để từ đó đến tay người tiêu dùng Thủ đô. Tuy nhiên, trước đây bà con thường sản xuất rau với quy mô manh mún, tự phát, cộng với những diễn biến thất thường của thị trường rau, củ quả đã khiến thu nhập của người trồng rau thất thường, tiêu thụ khó khăn.
Trước tình hình đó, năm 1997 HTX Nông nghiệp Tiền Lệ ra đời và chuyển đổi vào năm 2007, giúp người dân nơi đây giải quyết được những hạn chế trong khâu tiêu thụ. Đến nay, HTX đã có 2.000 xã viên với 46ha đất sản xuất, trong đó có 31ha được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng bình quân 300 tấn/năm. Đặc biệt, HTX còn được Công ty TNHH Syngenta Việt Nam hỗ trợ 2,5ha nhà lưới và cử kỹ sư hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật gieo trồng. Theo đó, nông dân được tập huấn, hướng dẫn về quy trình sản xuất RAT theo quy trình VietGAP; kỹ thuật bón phân, tưới tiêu, cách phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và quy trình thu hoạch sản phẩm đảm bảo an toàn.
HTX Rau an toàn Tiền Lệ đã được Chi cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận số 28/GCN/2015/NNPTNT-HAN là đơn vị đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh cho diện tích sản xuất 31ha tại xứ đồng bãi Tiền Lệ, xã Tiền Yên; được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cấp giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích sản xuất 2,5ha trong nhà lưới và giấy chứng nhận VietGAP trên diện tích 31ha khu xứ đồng bãi Tiền Lệ.
Bên cạnh đó, hàng năm Chi cục BVTV Hà Nội đều cử cán bộ xuống HTX kiểm tra, giám sát, hướng dẫn bà con cách dùng thuốc BVTV đúng quy trình; đồng thời liên tục có 1 cán bộ kỹ thuật của Syngenta hỗ trợ bà con nông dân thường xuyên trên đồng ruộng.
Thích trồng rau trong nhà lưới
Thế mạnh của HTX Nông nghiệp Tiền Lệ là các loại rau ăn lá, rau theo mùa vụ như cải canh, cải mơ, cải ngọt, cải bó xôi, cải chíp, cải ngồng, cải cúc… Trong đó, cải mơ là giống rau chỉ gieo trồng được trái vụ trong nhà lưới, nếu trồng bên ngoài, rau phát triển rất kém, mẫu mã xấu.
Hiệu quả từ mô hình gieo trồng rau cải mơ trong nhà lưới ở HTX Nông nghiệp Tiền Lệ đã được khẳng định, theo đó, nhờ có lưới che nên hạn chế ảnh hưởng của mưa (làm giập nát rau, bệnh xâm nhiễm gây hại, đất bị đóng váng...), giảm bay hơi nước, đất xốp, độ ẩm cao hơn nên cải sinh trưởng tốt, thời gian rút ngắn. Cùng một giống rau cải, trồng nhà lưới chỉ khoảng 20 - 25 ngày là được thu hoạch, còn nếu gieo trồng ở ngoài không có lưới, phải thêm từ 5 - 7 ngày mới thu hoạch được.
Điều mà người dân tâm đắc nhất khi áp dụng mô hình nhà lưới là có thể hạn chế phân bón và thuốc trừ sâu, bởi nhà lưới giúp giảm sự rửa trôi phân bón do mưa, giảm bay hơi nước, do đó không mất nhiều công tưới. Đặc biệt, nhà lưới có tác dụng giảm động của mưa, hạn chế điều kiện cho sâu bệnh phát triển nên bà con không phải sử dụng nhiều thuốc BVTV.
Hiện tại, 70% số lượng RAT của HTX đã được các đơn vị, doanh nghiệp, chủ cửa hàng đến thu mua tại ruộng, trung bình mỗi ngày xuất ra thị trường từ 3 - 5 tấn RAT các loại.
Có thể bạn quan tâm
Nhà ở phố nhưng ông Huỳnh Văn Lam (trú phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn, Bình Định) đã đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi bồ câu Pháp. Hiện nay, gia đình ông Lam sở hữu trên 300 cặp bồ câu Pháp, mỗi năm lãi hơn 100 triệu đồng.
Từ khi nhận được sự hỗ trợ của tổ chức JICA Nhật Bản đưa về kỹ thuật, sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn VietGAP, nông dân trồng rau xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) đã có mức thu nhập bình quân đạt hơn 290 triệu đồng/ha/năm. Đối với các vùng chuyên canh rau giống, nhiều nơi còn đạt hơn 340 triệu đồng/ha/năm.
Hội ND huyện Phú Tân (An Giang) vừa phối hợp Hội ND xã Phú Long tổ chức giải ngân nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho Tổ hợp tác nuôi cá bông sinh sản.