Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Ðể nông dân bước vào sân chơi lớn

Ðể nông dân bước vào sân chơi lớn
Tác giả: Quốc Hiệp
Ngày đăng: 02/08/2016

Nâng cao chất lượng sản phẩm

Trên thực tế, mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống hầu như ít có sự tác động của hoá chất trong sản xuất, phần lớn bà con sử dụng vôi hay các loại chế phẩm để cải tạo môi trường, kích thích tôm nuôi phát triển. Riêng đối với nuôi quảng canh cải tiến thì phổ biến là sử dụng vi sinh, chính vì vậy, sản phẩm tôm sú nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Ðối với nuôi tôm công nghiệp, hiện nay nhiều nông dân chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học để thay thế cho kháng sinh, hoá chất như trước đây. Bởi đã có nhiều hộ áp dụng thành công, chẳng những cho ra sản phẩm chất lượng tốt mà còn giảm được chi phí sản xuất.

Nhiều mô hình nuôi tôm sử dụng chế phẩm sinh học đang được người dân chú trọng thực hiện.

Huyện Phú Tân kết hợp với Phân viện Nghiên cứu Thuỷ sản Minh Hải triển khai thực hiện mô hình sản xuất sử dụng chế phẩm sinh học cho một số hộ dân ở xã Phú Mỹ theo dự án Nguồn lợi ven biển phát triển bền vững (CRSD). Mục đích của dự án này trước mắt là sản xuất theo phương thức tạo ra sản phẩm sạch do chỉ sử dụng vi sinh thay cho hoá chất để làm mô hình điểm nhân rộng trong nông dân. Ðồng thời, giúp nông dân làm quen với việc tiếp cận, cập nhật thông tin và chủ động xử lý những biến động của môi trường, ao nuôi.

Anh Nguyễn Ngọc Ðen, ấp Vàm Xáng, xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân vừa thực hiện thành công vụ nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp theo hình thức sử dụng chế phẩm sinh học, cho biết: "Kỹ thuật sản xuất cũng không khó hơn so với sản xuất sử dụng hoá chất, kháng sinh. Nhưng cái được nhất là năng suất thu hoạch tăng khoảng 30% so với thông thường. Tôm nuôi cũng phát triển nhanh, khoẻ mạnh và ít phát sinh dịch bệnh hơn. Với diện tích gần 3.000 m2, sau vụ nuôi này tôi thu hoạch gần 4 tấn tôm, lời hơn 250 triệu đồng".

Kỹ sư Nguyễn Minh Ðương, Phân viện Nghiên cứu Thuỷ sản Minh Hải, cho biết, tính bền vững và hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Bền vững chính là do sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng hoá chất, kháng sinh nên chất dinh dưỡng trong đất còn, thành phần của đất được giữ nguyên. Theo đó, sử dụng chế phẩm sinh học tạo ra sản phẩm sạch và chất lượng, không lo lắng tình trạng tồn dư hoá chất, kháng sinh cao, từ đó có thể cạnh tranh được trên thị trường xuất khẩu. Yếu tố hiệu quả thể hiện rõ ở chỗ năng suất sẽ được nâng cao hơn so với thông thường, từ đó tăng mức thu nhập và lợi nhuận. Người dân cũng nâng cao khả năng sản xuất do tiếp cận được những kỹ thuật mới trong sản xuất.

Từ những lợi thế đó, hiện nay, loại hình nuôi này đang được phổ biến, nhân rộng trên địa bàn huyện Phú Tân, nhằm góp phần phát huy yếu tố bền vững và hiệu quả cũng như tạo ra nguồn tôm nguyên liệu chất lượng cao cho thị trường xuất khẩu.

Quản lý chặt chẽ khâu lưu thông

Việc đảm bảo sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch hiện nay không chỉ hoàn toàn ở người dân, mà phải có sự quản lý chặt chẽ của các cấp, các ngành. Ðó là sự vào cuộc quyết liệt, xử lý nghiêm tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, tình trạng sử dụng hoá chất để bảo quản quá mức cho phép sản phẩm nông, thuỷ sản, sử dụng hàn the...

Khi sản phẩm của nông dân làm ra là sản phẩm sạch, nhưng qua khâu vận chuyển, bảo quản lại trở nên mất an toàn, nhiễm tạp chất. Vì thế, một khi tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn thì người nông dân có sản xuất tạo ra sản phẩm sạch cỡ nào thì cũng vẫn bị toi công. Một khi tình trạng lạm dụng hoá chất để bảo quản sản phẩm một cách vô tội vạ chưa được ngăn chặn thì sức khoẻ người tiêu dùng vẫn còn bị đe doạ. Chẳng những vậy, sản phẩm làm ra khó có chỗ đứng trên thị trường.

Trên thực tế, phát động người dân sản xuất sản phẩm sạch, an toàn là không khó. Ðiều quan trọng là người dân cần được thông tin, hiểu biết đầy đủ thế nào là sản phẩm sạch, sản phẩm an toàn và cách thức sản xuất. Sản phẩm phải có đầu ra tốt. Quản lý trên khâu lưu thông mới là điều khó, khó nhưng không phải không được, bởi nếu tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, xử lý nặng thì chắc chắn tình trạng vi phạm sẽ giảm. Nếu doanh nghiệp cương quyết không mua hàng nhiễm hoá chất, tạp chất thì chắc chắn không ai dám bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu. Chính vì vậy, đừng để nông dân gánh chịu hậu quả khi sản phẩm sạch do chính họ làm ra lại trở nên kém chất lượng trên khâu lưu thông và sơ chế.


Có thể bạn quan tâm

Thị trường tôm giống còn nhiều bất ổn Thị trường tôm giống còn nhiều bất ổn

Những năm gần đây, người nuôi tôm thẻ chân trắng (TTCT) ở Bình Thuận nói riêng và cả nước nói chung gặp rất nhiều khó khăn khi thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh bùng phát. Do đó, để kích thích người nuôi tiếp tục bám hồ, các doanh nghiệp sản xuất tôm giống gần đây đua nhau áp dụng nhiều chính sách khuyến mãi.

02/08/2016
Nuôi trồng thủy sản ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) thua lỗ do dịch bệnh Nuôi trồng thủy sản ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) thua lỗ do dịch bệnh

Chưa năm nào, tình hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) ở Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) bị thiệt hại nặng nề như năm nay, số hộ thua lỗ đến 90%.

02/08/2016
Yên Bái phát triển chăn nuôi thủy sản định hướng rõ ràng, cách làm cụ thể Yên Bái phát triển chăn nuôi thủy sản định hướng rõ ràng, cách làm cụ thể

Vài năm trở lại đây, cùng phát triển cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả và chăn nuôi đại gia súc thì chăn nuôi thủy sản cũng đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đã và đang dần trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn và góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo và làm giàu.

02/08/2016