Hạt Giống Dưa Hấu Hút Hàng

Dù còn gần 1 tháng nữa mùa vụ trồng dưa hấu tết mới bắt đầu. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhu cầu về hạt giống đã lên đỉnh điểm, nhất là các loại hạt giống dưa hấu trồng để chưng tết.
Ông Hai Thuận, một chủ cửa hàng chuyên bán hạt dưa ở quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) cho biết: Những ngày này, thậm chí là cách đây hơn một tháng, nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh đã liên hệ đặt mua giống dưa Tiểu Hắc Long (hạt lép) của Cty Trang Nông, nhưng cửa hàng không còn hàng để bán.
Vì số lượng sản xuất ra chỉ ở mức hạn chế, còn nhu cầu của nông dân rất lớn. Thông thường những loại hạt giống này phải đặt mua trước ít nhất 3 tháng, còn nếu muốn chắc ăn thì phải đặt mua trước đến 6 tháng. Đến thời điểm này nông dân phải chuyển sang trồng các loại giống dưa hấu khác.
Có nhiều nguyên nhân khiến hạt giống Tiểu Hắc Long đắt hàng. Theo ông Thuận, Tiểu Hắc Long là hạt giống có cách đây trên 7 năm, vỏ đen, hạt lép, chất lượng ngon, ngọt. Mỗi trái có trọng lượng từ 3 – 8 kg nên được người trồng và người tiêu dùng ưa chuộng.
Còn theo ông Nguyễn Thành Em, nông dân có kinh nghiệm trồng dưa hấu gần 20 năm ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: “Dưa hấu tết chủ yếu là dưa chưng, đã là dưa chưng thì trái phải tròn, vỏ đen hoặc vàng. Mỗi năm có một vụ dưa tết nên ai cũng tranh thủ trồng để tăng thu nhập. Tuy nhiên, nếu chỉ trồng một loại dưa đen (có hạt) thì bán cho thương lái hoặc vận chuyển đến chợ giá sẽ không cao. Còn nếu như có nhiều loại thì mặt hàng được đa dạng hơn”.
Từng nhiều năm buôn dưa tết, bà Bảy Bưởi, chủ vựa trái cây ở TP. Sóc Trăng, nói: “Mỗi năm, cứ vào dịp tết, ngoài buôn trái cây tôi còn buôn dưa hấu mà chủ yếu là Tiểu Hắc Long. Bởi giống dưa này khó bị hư, ngoài chưng tết, còn ăn được vì ngon, ngọt, chắc thịt và giá bán cũng chỉ ở mức 15.000 – 25.000đ/kg nên được người tiêu dùng ưa chuộng, không sợ ế”.
Bà Hà Thị Thu Hà ở ấp 4, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), cho biết: “Năm nào, gia đình tôi cũng trồng dưa hấu để bán tết. Hai loại dưa được trồng phổ biến là Hồng Cúc (vỏ vàng) và dưa Tiểu Hắc Long. Giống Hồng Cúc giá chỉ vài chục đồng/hạt, còn giống Tiểu Hắc Long giá lên đến trên 1.000đ/hạt mà phải đặt trước thời gian dài. Cách đây 2 tháng, tôi có đến cửa hàng chuyên phân phối giống này ở Cần Thơ nhưng được thông báo đã hết hàng”.
Cũng theo một chủ của hàng hạt giống dưa ở quận Ninh Kiều (TP. Cần Thơ): Thị trường hạt giống năm nay giá bán cao hơn từ 3 – 5% so so với thời điểm cùng kỳ năm trước. Số lượng hạt bán ra có giảm nhưng không đáng kể. Không chỉ có Tiểu Hắc Long, Mặt Trời Đỏ, Hồng Cúc, Hưng Nông mà dưa Lê (Kim Cô Nương), Hoàng Kim cũng được nông dân lựa chọn. Vì những loại dưa này đòi hỏi kỹ thuật đơn giản, không tốn nhiều chi phí đầu tư mà vẫn đem lại nguồn thu nhập khá.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Trước đây, một số giống dưa đặc sản chỉ cần mua trong tỉnh là có. Nhưng hiện tại phải đi mua ở các thành phố, cửa hàng lớn và phải đặt hàng trước mới có”.
Cửa hàng của ông Hai Thuận mỗi vụ tiêu thụ từ 40 – 50kg hạt giống dưa Hắc Tiểu Long. Mỗi gói 20 gram (khoảng 500 hạt) với giá bán 640.000đ. Tuy nhiên, đây là giống tam bội nên tỉ lệ nảy mầm chỉ đạt khoảng 70%. Ngoài ra, các loại hạt giống dưa khác bán ở cửa hàng cũng khá chạy.
Có thể bạn quan tâm

Trong tháng 1, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản, ngư dân mạnh dạn đầu tư ngư lưới cụ và máy có công suất lớn, các đội tàu đánh bắt xa bờ tích cực ra khơi và có những chuyến ra khơi đánh bắt được mùa bội thu. Sản lượng khai thác biển trong tháng 1 ước đạt 16.000 tấn, tăng 18,52% so với cùng kỳ.

Tổng sản lượng thủy sản 177.900 tấn (đạt 103,06% kế hoạch), tăng 23.368 tấn so với năm 2013, trong đó, sản lượng nuôi 99.550 tấn, tăng 18.284 tấn (đạt 102,79% kế hoạch), sản lượng khai thác 78.390 tấn, tăng 5.083 tấn (đạt 103,42% kế hoạch). Đây là điều kiện thuận lợi để năm 2015 tiếp tục phát huy kết quả đạt được và tận dụng, khai thác có hiệu quả tiềm năng kinh tế biển.

Qua trao đổi với anh Thường cùng một số hộ nuôi cá lồng và làm việc với ông Trương Mai Chưng, Chủ tịch UBND xã Lương Ngoại, tất cả đều khẳng định: Với nguồn lợi sinh thủy từ nguồn nước do Nhà máy Thủy điện Bá Thước 2 mang lại; trong vùng lại sẵn có luồng để làm lồng; thức ăn cho cá không phải mua; chỉ “lấy công làm lãi”, nhưng công cũng không nhiều.

Qua nhiều năm thất bại với con tôm thẻ chân trắng do ảnh hưởng của dịch bệnh, ông Phạm Văn Tánh, ấp Thanh Nhung I, xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đã thử nghiệm mô hình nuôi tôm sú kết hợp với tôm thẻ chân trắng và mô hình này đã phát triển tốt, thoát được dịch bệnh, lợi nhuận đạt được khá cao ngay trong vụ nuôi đầu tiên.

Theo ông Thanh, hiện nay bò là loài vật dễ nuôi, ít dịch bệnh, giá cả tương đối ổn định nên ít gây tổn thất về kinh tế cho người chăn nuôi. Các giống bò được nuôi phổ biến ở Tư Nghĩa trong những năm qua chủ yếu là bò vàng địa phương, bò lai sind và bò lai Zêbu. Trong đó, giống bò lai sind đã được người dân lựa chọn nuôi ngày một nhiều với quy mô hộ gia đình, trang trại, chăn nuôi tập trung theo kiểu bán công nghiệp.