Hạt Điều Lép Ép Chết Nông Dân!
Mới vào đầu vụ thu hoạch điều nhưng người trồng điều đã cảm thấy bất an khi giá cứ giảm mỗi ngày. Đầu vụ, mỗi kilôgam điều giá 27 ngàn đồng thì khoảng 10 ngày sau chỉ còn 24-25 ngàn đồng. Giá điều tiếp tục giảm khiến nông dân nhấp nhổm như ngồi trên lửa.
Nhiều năm nay, việc một số thương lái vì hám lợi trước mắt mà trộn điều lép vào điều mua của nông dân đã làm chất lượng điều giảm, kéo theo uy tín và giá thành hạt điều Bình Phước hạ xuống nghiêm trọng. Gánh chịu hậu quả từ những kẻ làm ăn bất lương đang là nỗi bức xúc của nhiều nông dân trồng điều, đại lý thu mua cũng như doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Chỉ trong vòng 3 ngày từ 17 đến 19-2, giá điều tại Bình Phước đã liên tục giảm từ 26 xuống 24-25 ngàn đồng/kg. Chị Luyến, chủ đại lý thu mua điều Được Luyến ở ấp 2, xã Đồng Tâm (Đồng Phú) than thở: “Cứ mở mắt ra là tôi lại lỗ 1 triệu đồng trên mỗi tấn điều.
Thời buổi làm ăn khó khăn mà giá cả bấp bênh thế này, đại lý càng “ôm” nhiều càng lo. Chúng tôi luôn phải cố gắng tìm mối xuất hàng ngay sau khi gom điều từ rẫy về để bảo toàn vốn”.
Giá rớt mỗi ngày
Với khoảng 140 ngàn ha điều, Bình Phước hiện vẫn là “thủ phủ” của loại cây công nghiệp này. Nhưng mùa điều 2013-2014 không còn điệp khúc “được mùa rớt giá” mà là vừa mất mùa vừa giảm giá khiến gánh nặng thất thu càng đè nặng lên vai người nông dân.
Anh Đỗ Văn Hùng, nông dân trồng điều ở thôn Phú Tâm, xã Phú Trung (Bù Gia Mập) bất bình: “Thời tiết nắng nóng kèm theo gió mạnh và sương muối kéo dài khiến một phần bông và trái non đã bị rụng, số còn lại cũng có nhiều quả teo, khô trên cành. Nỗi lo mất mùa điều vẫn canh cánh, nay lại thêm việc giá sụt giảm.
Buổi sáng còn 24 ngàn đồng/kg, tới trưa đã giảm 500 đồng/kg. Người nông dân đầu tư cả năm trông chờ vào vụ thu hoạch duy nhất, nhưng với giá như thế này thì không thể bù được vốn đầu tư”.
Có thể thấy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu điều nhân của tỉnh có sự tăng trưởng khá trong những năm gần đây nhưng nhìn tổng thể, nông dân Bình Phước vẫn không thể khá lên nhờ loại cây này. Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hạt điều ở Bình Phước vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu thay vì đẩy mạnh giá trị điều trong nước.
Hạt điều Bình Phước từng được Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đánh giá là chất lượng nhất nước nhưng với các kiểu gian lận thương mại như trộn tạp chất, điều lép, ngâm nước... như nhiều năm trở lại đây thì hạt điều Bình Phước khó trụ được ngôi vị quán quân về chất lượng.
Đường vòng của hạt điều lép
Khoảng 10 năm trở lại đây, hành vi gian lận thương mại phổ biến đối với hạt điều được phát hiện chủ yếu là xay trái điều trộn vào hạt điều, ngâm hạt điều trong nước, trộn cát và xi măng phun vào hạt điều trước khi đem bán cho các công ty chế biến. Vấn nạn này từng được Vinacas gửi công văn đến UBND tỉnh có vùng nguyên liệu kiến nghị việc đẩy mạnh công tác phối hợp để phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi pha trộn tạp chất vào hạt điều.
Việc này chưa cũ thì vài năm trở lại đây, một hình thức gian lận thương mại mới lại xuất hiện. Đó là việc mua hạt điều lép với giá chỉ bằng 1/3 đến 1/4 giá điều xô trộn vào hạt điều mua của nông dân tại rẫy để bán cho các đơn vị chế biến kiếm lời.
Ông Lê Danh Thái ở thôn 4, xã Long Bình (Bù Gia Mập) cho biết: “Tôi nghe thông tin này đã nhiều năm nhưng thường là vào lúc thu hoạch rộ. Năm nay mới vào đầu vụ đã thấy có nhiều “tay” đi chào mời đại lý. Bức xúc lắm nhưng chúng tôi chẳng biết kêu ai, cũng chẳng thể biết nơi nào thu mua uy tín mà đưa tới bán, đành phó thác cho thương lái”.
Cùng cảnh như ông Thái, nhiều nông dân trồng điều trong tỉnh không khỏi bất bình trước tình trạng gian lận của một số thương lái làm ăn bất chính. Anh Đỗ Văn Hùng nói: “Chúng tôi buồn lắm, nỗ lực suốt một năm ròng chỉ trông chờ vào tháng chính vụ này nhưng nhiều thương lái đã làm giảm uy tín của hạt điều ở đây. Chúng tôi chỉ biết trồng và thu hoạch hạt điều chứ đâu biết đến các ngành chức năng mà kêu”.
Đường đi của hạt điều lép gần như một vòng và xoay tròn đến hết vụ nếu có sự tiếp tay của đại lý, thương lái. Chị N.T.M ở xã Phú Trung (Bù Gia Mập) cho biết: “Tôi làm chủ đại lý mua điều. Mấy ngày vừa qua có hai người đàn ông lại chào mua điều lép. Tôi hỏi ở đâu thì họ nói của công ty thu mua điều thải ra, bao nhiêu cũng có. Họ còn nói tôi muốn lãi nhiều thì phải làm thế. Nhưng tôi không muốn “ăn xổi” nên đã từ chối”.
Nhưng số người “dũng cảm” từ chối nguồn lợi dễ dàng như thế liệu có đông và đủ mạnh để triệt đường đi của hạt điều lép?
Chưa có hồi kết
Đã chục năm qua, rất nhiều cách thức buôn gian bán lận của một số thương lái nhằm trục lợi từ hạt điều nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả. Và mỗi năm lại phát sinh những cách thức làm ăn gian dối mới.
Mặc dù đã có Nghị định số 80/2013/NĐ-CP, ngày 19-7-2013 của Chính phủ chấn chỉnh việc gian lận thương mại, làm giảm uy tín, chất lượng sản phẩm nhưng để bắt quả tang và xử lý được đúng người, đúng tội thì không hề đơn giản.
Năm 2013, Công an xã Phú Trung (Bù Gia Mập) đã bắt quả tang một đối tượng chở 3 bao điều lép nhưng lại phải thả ra vì không có chứng cứ khẳng định đối tượng này buôn bán điều lép...
Ông Lê Văn Uy, Giám đốc Sở Công thương cho rằng: “Việc làm này không những trực tiếp ảnh hưởng đến xây dựng thương hiệu điều Bình Phước mà còn kìm hãm, thậm chí có thể phá vỡ việc quy hoạch các vùng chuyên canh cây điều trên đất Bình Phước nếu các ngành chức năng không kịp thời kiểm tra, phát hiện, xử lý, ngăn chặn”.
Bí thư chi bộ thôn Phú Tâm, xã Phú Trung, ông Bùi Xuân Phóng chia sẻ: “Dù giá, chất lượng điều giảm đến đâu thì đại lý vẫn có lợi. Vì cái lợi trước mắt mà nhiều người không thể nhìn xa hơn trong vấn nạn trộn điều lép. Để nông dân “sống được” với cây điều, Nhà nước cần bảo vệ họ hơn nữa, phải có biện pháp xử lý nghiêm những gian thương làm mất uy tín của người trồng điều, để hạt điều Bình Phước giữ được thương hiệu. Những cơ sở thu mua chế biến, sau khi sàng lọc điều lép thì nên tiêu hủy ngay”.
“Sở Công thương đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành sở, quản lý thị trường tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, kiểm tra gian lận thương mại nói chung và hoạt động kinh doanh hạt điều có hành vi pha trộn nói riêng” - ông Uy cho biết thêm.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, sự nỗ lực của các cấp, các ngành vẫn chưa thực sự “đủ liều” với các hành vi gian lận của tư thương. Trong khi chỉ cần giá hạt điều rớt một năm là mọi hoạt động chăm sóc cây điều của năm sau sẽ càng khó khăn hơn. Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công chăm sóc liên tục leo thang khiến nông dân bỏ mặc cho cây điều tự phát triển. Vòng luẩn quẩn trồng - chặt -trồng của nông dân sẽ lại tái diễn nếu giá điều ngày một bết bát như hiện nay.
Khoản 1, Điều 24, Nghị định số 80/2013/NĐ-CP, ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định: Hành vi giả mạo liên quan đến tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, không trung thực về chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho người tiêu dùng hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trên địa bàn tỉnh đang có những đội quân tỏa về các đại lý đặt vấn đề bán điều lép. Nếu thỏa thuận được thì cả hai bên sẽ cùng có lợi. Vì dù có bị các công ty chế biến phân loại, tính % điều lép tăng lên rồi hạ giá xuống thì tổng giá trị thu về, các đại lý này vẫn có lãi lớn hơn.
Căn cứ theo giá mua từ các công ty, nhà máy chế biến, đại lý thu mua lại áp giá với nông dân, dẫn đến giá tiếp tục hạ từ việc làm gian dối này.
Có thể bạn quan tâm
Khí hậu huyện Ia Grai được chia ra làm 2 vùng khá rõ rệt. Các xã phía Đông có độ cao trên 600 mét so với mực nước biển, phù hợp với cây cà phê. Vùng phía Tây thấp hơn, nhiệt độ nóng hơn, phù hợp với cây cao su và điều. Đến nay, sự phát triển mạnh mẽ của các loại cây công nghiệp đã góp phần rất lớn trong sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện biên giới này.
Vì vậy, năng suất lao động không cao, chất lượng chè thấp, lượng tiêu thụ sản phẩm ra thị trường còn hạn chế. Chè của HTX sản xuất ra chủ yếu là chè khô, đóng bao bì không có nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, nên chỉ bán được ở địa bàn trong huyện hoặc các mối lái quen biết.
Mặc dù thời gian qua, một số hộ dân sinh sống trên đảo Hòn Chuối (Cà Mau) làm nghề nuôi cá bớp lồng bè gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, nhưng xét thấy nghề nuôi cá lồng bè vẫn mang lại hiệu quả nên cư dân trên đảo tiếp tục đóng bè nuôi cá.
Theo đại diện Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng đàn heo của tỉnh khoảng 261.000 con, trong đó, tập trung nhiều tại 2 huyện Châu Thành, Tân Trụ. Đặc biệt, có 4 huyện nông dân chăn nuôi theo tiêu chuẩn VIETGAP theo chương trình hỗ trợ của dự án Lifsap với 200 hộ tham gia thường xuyên nuôi từ 20.000-22.000 con heo.
Chỉ tay về tuyến kênh thủy lợi dài trên 800m được nạo vét trong năm 2014, ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng ấp Mỹ Hiệp, xã Hòa Mỹ, cho biết: “Nơi đây vốn là vùng đất trũng, nhiều phèn, mấy chục năm nay việc canh tác của nông dân gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự lên xuống của con nước. Tuy nhiên, từ khi có tuyến kênh thủy lợi này, nông dân trong ấp rất chủ động trong sản xuất”.