Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hào hứng bắp biến đổi gen

Hào hứng bắp biến đổi gen
Ngày đăng: 04/09/2015

Hàng trăm nông dân đến từ các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Thuận lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến ruộng bắp (ngô) biến đổi gen (4.000 m2) đang thu hoạch của gia đình ông Trần Hòa (ấp Thoại Hương, xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai).

Cây bắp cho trái to đều, hạt bóng mẩy vàng óng, không hề có biểu hiện của sâu bệnh. Đặc biệt giá bắp thương phẩm được thương lái đặt hàng thu mua khá cao nên cho lợi nhuận vượt trội so với bắp lai bình thường khiến mọi người càng hào hứng….

Lợi kép

Chúng tôi theo chân đoàn nông dân các tỉnh lội xuống thăm ruộng bắp biến đổi gen (BĐG) của gia đình ông Trần Hòa khi bắp vừa đủ 90 ngày cho thu hoạch. Thực tế quan sát, chúng tôi thấy cả ruộng bắp, cây khỏe, lá xanh, hứa hẹn một vụ mùa thắng lợi.

Chia sẻ về những điểm khác biệt của giống bắp BĐG và bắp lai thường, ông Hòa vui vẻ cho biết, đây là vụ đầu tiên gia đình ông đã mạnh dạn trồng thử nghiệm giống bắp NK66 Bt/GT của Cty Syngenta.

Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, ông chia ruộng thành hai phần, một bên là trồng bắp BĐG, còn ruộng đối chứng là giống bắp lai thường.

Nếu với giống bắp lai thường, mỗi vụ ông phải phun khoảng 4 cữ thuốc trừ sâu và vài cữ thuốc trừ cỏ, thời gian kéo dài khoảng hơn 3 tháng.

Tuy nhiên, đối với giống bắp BĐG này, ông hoàn toàn không phải phun thuốc trừ sâu và chỉ cần 1 lần phun thuốc cỏ nhưng vẫn kiểm soát được đến 95% cỏ dại trên ruộng.

Trong khi đó, đối với bắp lai, dù phải phun thuốc nhiều lần nhưng nếu xử lý không tốt tỷ lệ cây bị sâu phá hại vẫn chiếm 40 -50%.

“Hôm nay khi vừa thu hoạch xong, thương lái đã kéo đến tận ruộng thu mua hết bắp với giá 3.200 đồng/kg, tôi thấy rõ ràng trồng giống bắp BĐG vẫn có lợi hơn về nhiều mặt.

Những vụ trước, khi trồng bắp thường, việc phun thuốc diệt cỏ là một trong những khâu tốn nhiều thời gian, công sức nhất. Do cứ phải dùng chậu úp che kín từng cây bắp con để tránh bị dính thuốc diệt cỏ nên mỗi công bắp phải mất ít nhất một buổi mới xong.

Còn với bắp BĐG, do không cần phải che chắn cây nên chỉ phun một lát là xong. Nhờ vậy mình đã giảm được một phần chi phí và công lao động không nhỏ”, ông Hòa tâm sự.

Thêm một niềm vui nữa khi không bị sâu gây hại nên đối với trái bắp BĐG có độ đồng đều cao hơn, trên trái không có hạt bị sâu. Do đó, bắp BĐG đạt năng suất cao hơn.

Để kiểm chứng thực tế năng suất của giống bắp NK66Bt/GT cho nông dân các tỉnh cùng thấy, ông Hòa đã tiến hành thu hoạch thử 100 m2 bắp chuyển gen và bắp thường trồng đối chứng.

Kết quả cân đo tại ruộng cho thấy bắp BĐG đạt 121 kg/100 m2; còn bắp lai thường đối chứng chỉ đạt 107 kg/100 m2.

Tuy nhiên, điều mà các nông dân quan tâm nhất là năng suất, thị trường tiêu thụ và chi phí đầu tư. Các cán bộ kỹ thuật viên của Cty Syngenta cho rằng, thực tế năng suất của bắp BĐG cũng tương đồng với giống bắp lai thường.

Tuy nhiên lợi ích kép mà nông dân đạt được đó là giống bắp BĐG kháng được 3 loại sâu bệnh thường gặp trên cây bắp là sâu khoang, sâu đục thân, sâu đục trái và khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ.

Do vậy nông dân sẽ giảm chi phí mua thuốc và công phun thuốc trừ sâu.

Hứng khởi

Trước những khó khăn lớn nhất mà nông dân phải đối mặt là sâu bệnh tấn công nhiều khiến cho năng suất sụt giảm, lại thêm giá bắp xuống thấp trong vài năm gần đây, khiến nông dân than lỗ.

Tuy nhiên, khi đến tham quan mô hình, hầu hết bà con đều phấn khởi cho rằng, năm nay trồng giống NK66 Bt/GT sẽ có lãi cao vì cây phát triển tốt, chi phí đầu tư lại giảm rất nhiều.

Với thâm niên hơn 10 năm trồng bắp ở ấp 1, xã Lộ 25, huyện Thống Nhất (Đồng  Nai), ông Nguyễn Văn Hiển cũng vui mừng khi trực tiếp chứng kiến những ưu việt của giống bắp mới NK66 Bt/GT khi đã đến ngày thu hoạch mà tuyệt nhiên không thấy có biểu hiện của sâu bệnh tấn công.

“Nhờ biết được giống bắp BĐG này tôi rất mừng vì trước mắt có thể giảm được chi phí thuốc cỏ mà không lo về sâu đục thân nữa, an tâm ăn ngon, ngủ ngon vì thu nhập chắc chắn sẽ tăng lên.

Từ tập quán phun thuốc 4 - 5 lần cả cỏ cả sâu, nhưng nếu trồng giống bắp BĐG chỉ cần phun một lần thuốc cỏ là coi như xong. Vụ tới tôi sẽ chuyển toàn bộ diện tích còn lại sang trồng giống bắp mới này!”- ông Hiển chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thanh Liêm, cùng xã Lộ 25, lâu nay bà luôn băn khoăn vì trồng các giống bắp thường tốn nhiều chi phí do bị cỏ dại và sâu hại tấn công gây thiệt hại về năng suất.

Do vậy, vụ ĐX sắp tới bà sẽ quyết định trồng thêm giống bắp NK66 Bt/GT cùng với giống bắp thường để so sánh trước khi chuyển sang trồng hẳn giống bắp mới này cho các vụ sau.

Ông Nguyễn Văn Ngọ, một trong những nông dân đầu tiên trồng thử nghiệm nói: “Tôi trồng thử 4 sào bắp BĐG. Trước đây bà con chúng tôi trồng loại ngô thường phải xử lý sâu bệnh, cỏ dại rất vất vả và tốn kém tiền thuốc sâu và công phun xịt.

Vậy nhưng khi trồng bắp BĐG, các công đoạn trên đã giảm rất nhiều nhưng năng suất, chất lượng vẫn đảm bảo”.

Theo tính toán của ông Ngọ, mỗi ha nông dân giảm được tiền mua thuốc trừ sâu 600 ngàn đồng, và 300 ngàn đồng cho hai công lao động xịt thuốc cho bắp. 

Chia sẻ niềm vui với bà con nông dân, ông Lê Hữu Việt, đại lý thu mua bắp lớn ở khu vực miền Đông Nam bộ cũng cho hay: "Lâu nay tâm lý của bà con rất lo lắng khi trồng những giống bắp mới, đặc biệt đối với giống bắp BĐG, sợ trồng ra đến ngày thu hoạch lại không có ai thu mua.

Vậy nhưng chúng tôi đã phải giải thích cặn kẽ cho bà con hiểu và cam kết rằng sẽ thu mua hết sản phẩm bắp cho bà con yên tâm SX".

Ông Văn Đức Long, GĐ chiến lược, Cty Syngenta Việt Nam:

"Đầu tháng 4/2015, giống bắp BĐG NK66Bt/GT đã được Syngenta Việt Nam chính thức phân phối đến tay nông dân cả nước. Về cơ bản hình thức canh tác giống bắp BĐG không thay đổi gì nhiều so với các giống bắp lai thường.

Bước đầu chúng tôi xây dựng chiến lược chuyển giao kỹ thuật cho bà con SX bắp BĐG và tác hại của sâu đục thân, cỏ dại; đồng thời khuyến cáo bà con phun xịt thế nào cho hiệu quả và nâng cao nâng suất.

Từ đầu năm đến nay chúng tôi đã xây dựng được 30 mô hình trên khắp cả nước, triển khai tập huấn cho bà con hiểu được công nghệ Bt/GT và giúp họ canh tác thuận tiện, dễ dàng hơn".


Có thể bạn quan tâm

Huyện Phước Long (Bạc Liêu) Nuôi Ếch Lai Kết Hợp Cá Trê Vàng Mỗi Hộ Lãi 4 Triệu Đồng Huyện Phước Long (Bạc Liêu) Nuôi Ếch Lai Kết Hợp Cá Trê Vàng Mỗi Hộ Lãi 4 Triệu Đồng

Trung tâm Thực nghiệm và chuyển giao khoa học - kỹ thuật huyện Phước Long (Bạc Liêu) vừa tổ chức hội thảo tổng kết mô hình nuôi ếch lai kết hợp nuôi cá trê vàng trong mùng lưới. Mô hình thực hiện thí điểm tại 2 xã Vĩnh Phú Đông và Hưng Phú.

12/08/2014
Cá Sặt Bướm Nhỏ Mà Lợi Ích Không Nhỏ! Cá Sặt Bướm Nhỏ Mà Lợi Ích Không Nhỏ!

Trước đây, dù không phải là sản phẩm khai thác chính nhưng ở Cà Mau sản lượng cá sặt bướm (cá sặt) cũng đạt hàng trăm tấn mỗi năm dưới dạng mắm đồng, khô sặt. Đó là chưa kể bán cá tươi ở các chợ và dùng trong gia đình nông thôn hàng ngày.

12/08/2014
Hội Nông Dân Xã An Ngãi Khuyến Khích Nông Dân Tham Gia Mô Hình Nuôi Cá Mú Hội Nông Dân Xã An Ngãi Khuyến Khích Nông Dân Tham Gia Mô Hình Nuôi Cá Mú

Xã An Ngãi (Bà Rịa - Vũng Tàu) hiện có 230ha đất nuôi trồng thủy sản với sản lượng hàng năm đạt hơn 300 tấn hải sản. Tuy nhiên, mấy năm gần đây do nguồn nước bị ô nhiễm đã làm cho tôm bị thiệt hại nặng, khiến người nuôi trồng không mặn mà đầu tư nuôi tôm mà chuyển sang nuôi thử nghiệm giống cá mú.

12/08/2014
Nông Dân Xã Đầu Nguồn Vĩnh Xương Vươn Lên Nhờ Mô Hình Nuôi Trăn Thương Phẩm Nông Dân Xã Đầu Nguồn Vĩnh Xương Vươn Lên Nhờ Mô Hình Nuôi Trăn Thương Phẩm

Theo anh Phan Thành Thơ, ngụ ấp 3 – xã Vĩnh Xương, là một trong những hộ có trên 7 năm kinh nghiệm nuôi trăn cho biết: ban đầu anh nuôi thử nghiệm 2 con trăn giống, thấy trăn dễ nuôi, chi phí thấp, nhưng cho lợi nhuận cao. Sau đó, anh quyết định đầu tư vào nuôi trăn, đến nay đàn trăn của anh Thơ đã lên đến dài chục con.

12/08/2014
Văn Giang (Hưng Yên) Nuôi Lợn Trong Chuồng… Điều Hòa Văn Giang (Hưng Yên) Nuôi Lợn Trong Chuồng… Điều Hòa

Cũng phải vài lần hẹn tôi mới được mục sở thị trang trại chăn nuôi lợn trong chuồng… điều hòa nhiệt độ ở huyện Văn Giang (Hưng Yên). Xem cách nuôi lợn trong các chuồng lắp hệ thống điều hòa nhiệt độ, tôi gặp từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

12/08/2014