Trang chủ / Cây ăn trái / Thanh long

Hạn chế bệnh đốm trắng thanh long

Hạn chế bệnh đốm trắng thanh long
Tác giả: Đông Đức - Nguyễn Vũ
Ngày đăng: 05/10/2017

Đốm trắng (còn gọi là bệnh đốm nâu, bệnh tắc kè…) là một bệnh mới xuất hiện cách nay khoảng chục năm, nhưng đã lây lan rất nhanh ở vùng chuyên canh cây thanh long của các tỉnh phía Nam.

Hỏi: Đề nghị chuyên gia cho biết làm cách nào hạn chế bệnh đốm trắng thanh long?

Trả lời: Đốm trắng (còn gọi là bệnh đốm nâu, bệnh tắc kè…) là một bệnh mới xuất hiện cách nay khoảng chục năm, nhưng đã lây lan rất nhanh ở vùng chuyên canh cây thanh long của các tỉnh phía Nam. Bệnh do nấm Neoscytalidium dimiditatum gây ra. Nếu không phòng trị kịp thời bệnh có thể gây thất thu rất lớn cho nhà vườn.

Để hạn chế tác hại của bệnh, các bạn phải áp dụng kết hợp một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp. Sau đây là một số biện pháp chính:

- Những vùng đất trũng cần lên liếp cao, đắp mô trồng và có hệ thống thoát nước tốt trong mùa mưa để vườn luôn khô ráo.

- Không lấy hom ở những vườn đã bị bệnh để làm giống cho vườn khác.

- Bón phân đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, không bón quá nhiều đạm, không lạm dụng chất kích thích sinh trưởng. Tăng cường bón phân giàu K, Ca, Mg, Si… để tăng sức kháng bệnh cho cây. Nếu có điều kiện nên sử dụng phân chuồng hoai mục có trộn chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma hoặc phân hữu cơ vi sinh. Trong thời gian cây bị bệnh, hạn chế sử dụng phân hóa học có hàm lượng đạm cao, không sử dụng phân chuồng tươi (phân gà, heo, bò…) chưa được ủ hoai mục.

- Vệ sinh vườn sạch sẽ, thường xuyên thu gom những bộ phận bị bệnh nặng (cành, trái…) đem ra khỏi vườn tiêu hủy để tránh lây lan.

- Kiểm tra vườn cây thường xuyên, để phát hiện sớm và phun thuốc phòng trị bệnh kịp thời.

Về thuốc, có thể sử dụng những loại thuốc có chứa các hoạt chất như Propiconazole, Difenoconazole, Mancozeb... Khi phun, nhớ bảo đảm thời gian cách ly của thuốc.

Theo kinh nghiệm của một số bà con nhà vườn ở huyện Châu Thành (Long An) thì hỗn hợp hai loại thuốc Kacie 250EC và Linacin 40SL sẽ cho hiệu quả khá cao.

Hỏi: Xin chuyên gia cho biết cách làm bầu ngô hiệu quả?

Trả lời: Làm bầu ngô là cách giải quyết tốt nhất để tranh thủ thời vụ khi trồng ngô đông trên đất 2 lúa nhất là khi ruộng sản xuất phải làm đất tối thiểu vì quá ướt.

Với mỗi 1m2 nền giá thể, lấy bùn trộn cùng 1 - 2kg phân chuồng mục + 500g NPK 5-10-3 + 1-2kg xỉ than đập nhỏ hoặc 1kg trấu mục rải đều san phẳng (độ dày 3 - 4cm). Trộn một lượng nhỏ nấm cộng sinh hay nấm đối kháng vào giá thể bùn thì càng tốt. Các chế phẩm này xử lý tốt giá thể, cây ngô phát triển rễ nhanh và khỏe. 1 sào ngô cần làm 3 - 3,5m2 bầu.

Để đất hơi se bùn dùng dao cắt sâu hết lớp đất bùn thành từng ô vuông, mỗi ô 1 bầu.

Hạt giống ngô ngâm no nước rồi ủ cho nứt nanh. Trên mỗi bầu gieo 1 hạt. Dùng tay ấn nhẹ đầu nhọn hạt ngô ngập sâu vào bầu khoảng 1cm. Tiếp đó rải một lớp đất bột nhỏ che phủ kín hạt hoặc rắc một lớp trấu mỏng lên trên. Dùng ô doa tưới nước đủ ẩm cho ngô nhanh mọc mầm. Các ngày sau cần giữ ẩm thường xuyên cho ngô. Nếu có mái che mưa thì àng tốt.

Sau khi gieo hạt 7 - 10 ngày có thể đưa bầu ngô ra ruộng sản xuất để trồng.

Hỏi: Trồng ngô có thể trồng xen được với những cây gì, bố trí ra sao để tăng hiệu quả?

Trả lời: Thực tế cho thấy ngô trồng xen với cây họ đậu mang lại hiệu quả kinh tế cao từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha so với trồng thuần.

Tốt nhất nên lựa chọn giống ngô có TGST bằng cây trồng xen hoặc TGST cây trồng xen ngắn hơn ngô 15 - 20 ngày để bố trí trồng cùng một lúc thì sẽ thuận tiện chăm sóc và quản lý, giảm được chi phí sản xuất.

Tỷ lệ trồng xen ngô với cây lạc hoặc đậu tương thích hợp cho cả cây trồng chính và phụ cũng như hiệu quả kinh tế cao là trồng xen hàng theo các công thức sau:

1 ngô + 1 đậu tương hoặc 1 ngô + 2 đậu tương hay 1 ngô + 2 lạc thậm chí là 1 ngô + 3 lạc.

Các hàng lạc vuông góc với chiều dọc luống đươc trồng theo mật độ bình thường trừ đi 2 hốc cuối của 2 đầu để thay vào đó 2 hạt ngô với kích thước luống 1 - 1,2m.

Để tận dụng tốt ánh sáng, giảm độ che khuất đối với cây trồng xen, nên bố trí các hàng ngô theo hướng đông tây, thụ phấn bổ khuyết, cắt cờ khi bắp đã héo râu và tước bỏ lá già khi bắp đã chín sáp.


Có thể bạn quan tâm

Hướng Dẫn Sử Dụng Phân Văn Điển Cho Cây Thanh Long Hướng Dẫn Sử Dụng Phân Văn Điển Cho Cây Thanh Long

Cây thanh long có nguồn gốc nhiệt đới, chịu hạn giỏi, nhưng không chịu được giá lạnh. Chúng dễ sống, dễ trồng, mọc được trên nhiều loại đất khác nhau.

14/02/2014
Biến Phế Phẩm Của Cây Thanh Long Thành Phân Hữu Cơ Sinh Học Biến Phế Phẩm Của Cây Thanh Long Thành Phân Hữu Cơ Sinh Học

Lâu nay, nông dân trồng thanh long VietGAP đang gặp khó trong các khâu đảm bảo vệ sinh môi trường. Một trong những nguyên do là sau khi cắt tỉa cành, phế phẩm từ cây thanh long không có chỗ tiêu hủy. Tìm biện pháp để “biến” các loại phế phẩm đó trở thành phân hữu cơ sinh học, đang là sự quan tâm của không ít nông dân trong tỉnh Bình Thuận.

27/04/2014
Kinh nghiệm phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long Kinh nghiệm phòng chống bệnh đốm nâu trên thanh long

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, đến thời điểm này vẫn chưa có thuốc đặc trị loại bệnh đốm nâu trên thanh long. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã có những kinh nghiệm khá hay và hiệu quả trong quá trình phòng chống bệnh...

25/06/2015