Hải sản vào Mỹ sẽ bị giám sát nguồn gốc
Từ ngày 1/1/2018, Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng Chương trình giám sát hải sản NK (SIMP) vào Mỹ. SIMP sẽ chống lại các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp (IUU) và gian lận hải sản.
Thu hoạch cá biển (Ảnh: Vũ Đình Thung)
Đó là thông tin mà Cục Quản lý Đại dương và Khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA) vừa thông báo tại một buổi hội thảo với các DN hải sản Việt Nam mới đây.
Theo bà Heather Brandon (NOAA), sẽ có 13 loài hải sản NK được NOAA giám sát kể từ ngày 1/1/2018, gồm: cá hồng, hải sâm, cá mập, cá kiếm, cá ngừ (cá ngừ đại dương, cá ngừ mắt to, cá ngừ vằn, cá ngừ vây xanh, cá ngừ vây vàng), cá mú, cá nục heo (Mahi Mahi), cua hoàng đế, cua xanh Đại Tây Dương, tôm, bào ngư và cá tuyết Đại Tây Dương. Trong đó, 11 loài sẽ được giám sát ngay từ 1/1/2018, riêng 2 loài là bào ngư và tôm sẽ giám sát sau một chút bởi cần thu thập thêm thông tin. Sau này, SIMP sẽ áp dụng với tất cả các hải sản NK vào Mỹ.
Việc Chính phủ Mỹ sẽ áp dụng SIMP ngay từ đầu năm 2018 đã thu hút sự quan tâm lớn của các DN XK hải sản Việt Nam, bởi đây là thị trường lớn của hải sản nước ta. Bình quân mỗi năm, XK hải sản sang Mỹ đạt khoảng 350-400 triệu USD.
Các điểm cơ bản của SIMP: Chỉ áp dụng đối với hàng hải sản từ nước ngoài NK vào Mỹ (gồm cả hàng hải sản tái nhập vào Mỹ có nguồn gốc là hải sản thu hoạch ở Mỹ); nhà NK phải cư trú ở Mỹ và đang có giấy phép thương mại hải sản quốc tế; thông tin thu hoạch và đánh cá phải được báo cáo qua hệ thống điện tử vào thời điểm NK thông qua hệ thống số liệu thương mại quốc tế (ITDS); các tài liệu theo dõi sản phẩm từ khi thu hoạch đến thời điểm vào Mỹ phải được nhà NK lưu giữ trong thời hạn 2 năm và cơ quan kiểm toán có thể yêu cầu rà soát sổ sách; thông tin thu thập trong chương trình này được giữ kín đáo.
Như vậy, SIMP chỉ áp dụng với các nhà NK hải sản vào Mỹ. Tuy nhiên, các nhà XK hải sản sang Mỹ cũng phải chú ý tuân thủ chặt chẽ các quy định của SIMP, bởi nếu không sẽ bị nhà NK Mỹ từ chối mua hàng để tránh bị NOAA xử phạt trong trường hợp phát hiện sản phẩm NK không đáp ứng các yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, đánh bắt, nuôi trồng hợp pháp…
Do đó, bà Heather Brandon khuyến cáo các DN Việt Nam đang XK hải sản sang Mỹ cần thu thập những dữ liệu cần thiết ngay từ bây giờ và chuyển cho nhà NK Mỹ. Những dữ liệu bao gồm: Tên và cờ của tàu đánh cá; bằng chứng giấy tờ cho phép đánh cá (giấy phép); mã nhận dạng tàu duy nhất (nếu có); các loại ngư cụ được sử dụng; tên cơ sở nuôi hải sản. Nếu hải sản NK vào Mỹ không có đầy đủ những thông tin trên, sẽ bị từ chối thông quan. Thậm chí kể cả hàng đã được thông quan nhưng NOAA nghi ngờ có gian lận, cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Với những quy định và yêu cầu thu thập dữ liệu như trên, SIMP không chỉ áp cho hải sản khai thác mà còn với cả hải sản nuôi. Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho rằng, các DN có sử dụng nguyên liệu là hải sản nuôi và người nuôi hải sản cũng cần quan tâm, tuân thủ các quy định của SIMP nếu sản xuất hàng bán sang Mỹ. Và xa hơn, SIMP có thể “đụng” tới cả sản phẩm tôm nước lợ đang được nuôi ở Việt Nam, vì tôm sú và tôm thẻ chân trắng đều có nguồn gốc là hải sản.
Có thể bạn quan tâm
Nuôi lồng bè bằng ống nhựa HDPE (công nghệ Na Uy) là công nghệ mới ở Việt Nam, hệ thống lồng rất bền, chịu được sóng gió, di chuyển dễ dàng
Cá tra là đối tượng nuôi nước ngọt phổ biến ở vùng ĐBSCL, đồng thời là sản phẩm chủ lực của ngành thủy sản Việt Nam sau con tôm.
Anh Nguyễn Văn Thắng tiếp tục khẳng định tài chăn nuôi của mình với mô hình nuôi con cá chạch với quy mô lớn, thu về hàng trăm triệu mỗi năm