Hải Phòng đang thiếu lao động khai thác thủy sản
Lao động trẻ không thiết tha đi biển
Ông Lưu Đình Dũng ở phường Ngọc Hải, quận Đồ Sơn năm nay hơn 60 tuổi, gần như cả đời gắn bó với nghề khai thác thủy sản. Là người đi đầu của phường Ngọc Hải và quận Đồ Sơn trong nỗ lực làm giàu từ nghề khai thác thủy sản, ông đang sở hữu tàu đánh cá có công suất hơn 700CV, một trong những tàu cá lớn nhất Đồ Sơn. Mỗi lần ra khơi, tàu của ông tạo việc làm cho từ 13 đến 15 lao động, với thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, có thực tế là lao động người Đồ Sơn trên tàu của ông rất ít, chủ yếu là lao động tỉnh ngoài. Mỗi dịp nghỉ tết, lễ là nỗi lo thiếu lao động tăng trước viễn cảnh họ về quê không trở lại Đồ Sơn để tiếp tục ra khơi. Theo ông Dũng, người đi biển tiêu chuẩn đầu tiên thường là trẻ, khỏe mạnh, chịu được sóng gió. Những tiêu chuẩn khác như được đào tạo nghề, có kinh nghiệm khai thác xa bờ… cũng rất cần thiết, nhưng thường rất khó để tìm được lao động như ý. Có chuyến ra khơi, tàu ông Dũng cũng như nhiều tàu khác phải chấp nhận tình trạng thiếu lao động, ảnh hưởng xấu đến hiệu quả khai thác. Một thực tế khác là, ở nhiều gia đình ngư dân có hai, ba đời làm nghề khai thác hải sản, nhưng đến thế hệ trẻ hiện nay, các em không chọn theo nghề.
Lý giải cho hiện tượng thiếu lao động nghề cá, nhất là người địa phương, lao động trẻ, theo Trưởng khối nghề cá phường Ngọc Hải Đỗ Văn Thọ, nghề cá lênh đênh trên biển dài ngày, nhiều hiểm nguy, vất vả trăm bề, trong khi thu nhập và chế độ, chính sách khác như bảo hiểm… lại không cao, chưa đầy đủ. Do vậy, thay vì chọn nghề đi biển, lớp trẻ hiện nay thường có xu thế làm ở đất liền tại khu du lịch, cơ quan, xí nghiệp, doanh nghiệp. Mặt khác, do thiếu lao động nên xảy ra cạnh tranh không lành mạnh, lao động không gắn bó với chủ tàu vì họ thường “nhòm ngó” tàu nào trả cao sẽ theo, khiến nguồn lao động của các tàu không ổn định, gây xáo trộn kế hoạch sản xuất của chủ tàu.
Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Nguyễn Thanh Xuân cho biết, Hải Phòng đang có sự chuyển dịch về cơ cấu sản xuất thủy sản trên biển, khi lượng tàu khai thác gần bờ giảm dần do nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm, kéo theo nguồn lao động cũng giảm. Thay vào đó là việc tăng lượng tàu khai thác thủy sản xa bờ. Nếu như 5 năm trước, Hải Phòng có hơn 17 nghìn tàu, đến nay chỉ còn hơn 3,6 nghìn tàu, kéo theo hàng chục nghìn lao động buộc phải chuyển sang nghề khác như dịch vụ du lịch, nuôi thủy sản, chèo đò... Mặt khác, sức hút từ các khu công nghiệp, các hoạt động dịch vụ thương mại và nghề nghiệp khác có thu nhập cao, ổn định, ít rủi ro khiến người trẻ theo đuổi học đại học, học nghề để có thể tìm kiếm cơ hội.
Có chính sách, cơ chế phù hợp
Phó chủ tịch UBND phường kiêm Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Ngọc Hải Hoàng Trung Kiên cho biết, để có một lao động “lành nghề”, có kinh nghiệm đi biển phải mất rất nhiều thời gian đào tạo và rèn luyện thực tế trên biển. Do vậy, nếu không có chính sách, cơ chế thu hút, giữ chân lao động vững nghề thì không chỉ tác động xấu đến sản xuất mà còn ảnh hưởng đến việc ngư dân tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo.
Huyện Cát Hải là địa phương có số lao động bỏ nghề khai thác chuyển sang các nghề khác rất cao, khi phần lớn tàu thuyền ở Cát Hải khai thác gần bờ, số tàu vươn khơi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, khi nguồn lợi ven bờ cạn kiệt, ngư dân bỏ nghề chuyển sang chèo đò cho khách du lịch hoặc nuôi hải sản trên các vịnh… Số lượng tàu ở các địa phương có truyền thống khai thác thủy sản như Đại Hợp (Kiến Thụy), Lập Lễ (Thủy Nguyên), Ngọc Hải, Vạn Hương (Đồ Sơn), Cát Bà, Hoàng Châu (Cát Hải) cũng giảm dần theo từng năm. Mặt khác, do chuyển đổi nghề sang khai thác xa bờ thay vì khai thác ven bờ, đòi hỏi lao động có kinh nghiệm vươn khơi cũng là một thách thức đối với các chủ tàu và các địa phương trong việc đào tạo, bồi dưỡng tay nghề, nghiệp vụ. Theo ông Vũ Văn Cự, Trưởng tập đoàn đánh cá Nam Triệu (Thủy Nguyên), thực tế, nhiều người đi biển có kinh nghiệm và có điều kiện đầu tư tàu lớn đánh bắt xa bờ thì sau mỗi chuyến đi trừ chi phí đều có lãi. Những tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ có nhiều lợi thế là chịu được sóng to gió lớn, chở được nhiều hàng hóa và sản phẩm, mỗi chuyến đi biển cũng dài ngày hơn. Tuy nhiên, kéo theo là nguồn lao động đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về sức khỏe, kinh nghiệm, tay nghề và khả năng sử dụng công nghệ…
Do vậy, để ngư dân gắn bó, đam mê với nghề đi biển, nhất là nghề khai thác xa bờ, ngoài những chính sách hỗ trợ về vốn đóng mới tàu cá cho các chủ tàu thì một trong những yếu tố quan trọng là cần quan tâm đến chính sách, cơ chế dành cho lao động nghề cá, những người trực tiếp điều khiển con tàu, khai thác trên biển và tạo ra sản phẩm trong mỗi chuyến ra khơi. Ngoài việc hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể, thiết thực của nhà nước, ngư dân mong muốn thành phố quan tâm hơn đến công tác đào tạo nghề chính quy, bồi dưỡng thường xuyên giúp lao động nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu khai thác hải sản xa bờ. Có kế hoạch đầu tư bài bản, hiệu quả hơn cho nghề khai thác hải sản xa bờ của thành phố. Đồng thời, hình thành mới, phát huy tính ưu việt của các tập đoàn, nghiệp đoàn, cụm, chương trình, mô hình liên kết khai thác thủy sản để ngư dân yên tâm bám biển, gắn bó với nghề.
Có thể bạn quan tâm
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ còn gặp khó khăn, vướng mắc. Đó là số hợp đồng vay vốn được ký kết còn ít so với số lượng tàu được khởi công. Một số trường hợp dù chưa được ngân hàng ký kết hợp đồng vay vốn...
Giá cá ngừ đại dương được các đầu nậu thu mua tại cảng Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa chỉ còn khoảng 90.000 đồng/kg.
Sáng 17-5, sau cơn mưa chiều qua, nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè bị đục và cá chết nổi dày đặc.