Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hài Hòa Lợi Ích Trong Liên Kết Chăn Nuôi

Hài Hòa Lợi Ích Trong Liên Kết Chăn Nuôi
Ngày đăng: 15/08/2014

Cho đến thời điểm này, Hà Nội mới xây dựng được 17 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi với sản lượng còn khiêm tốn so với nhu cầu của Thủ đô.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mấu chốt để xây dựng được chuỗi liên kết bền chặt này là việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.

Hạn chế chuỗi liên kết

Sau sự cố sữa tươi nhiễm Melamine năm 2008 làm ảnh hưởng nặng nề đến việc tiêu thụ sản phẩm của người chăn nuôi bò sữa, chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm sữa bắt đầu được triển khai trên địa bàn Hà Nội với sự vào cuộc của Sở NN&PTNT.

Từ sản phẩm sữa, các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ thịt lợn, thịt gia cầm, trứng sạch cũng dần hình thành. Đến nay, trên địa bàn Hà Nội có 4 chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm quy mô lớn, trong đó, đáng chú ý là sữa tươi (2.800 hộ chăn nuôi ký hợp đồng với 2 công ty sữa); trứng gà Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) với 12 trang trại, sản lượng tiêu thụ 70.000 quả/ngày…

Việc hình thành các chuỗi liên kết giúp cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất vì đầu ra được đảm bảo, sản phẩm làm ra cũng đạt tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và ATTP.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Danh Lanh - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi huyện Thường Tín, sản xuất theo chuỗi còn mới, chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời nên người dân chưa mấy mặn mà. Mặt khác, sản phẩm theo chuỗi có giá bán cao hơn sản phẩm thông thường cùng loại, trong khi người tiêu dùng nhận thức chưa đầy đủ về chất lượng, giá trị của sản phẩm nên khả năng nhân rộng chuỗi còn hạn chế.

Theo đại diện Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, một trong những tồn tại lớn của ngành chăn nuôi Thủ đô là chưa xây dựng được nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Nguyên nhân là do tư duy làm ăn manh mún, vì lợi ích cá nhân của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh. Vì thế, giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, chưa đảm bảo ATTP vẫn chiếm ưu thế hơn so với giết mổ công nghiệp, khiến vấn đề chất lượng sản phẩm trở nên đáng lo ngại hơn.

Cân đối lợi ích giữa các bên

Hiện nay, chương trình phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm đang được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đẩy mạnh tại nhiều địa phương với 69 xã chăn nuôi trọng điểm bò sữa, bò thịt, lợn, gia cầm…

Đây là điều kiện thuận lợi để hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, song đòi hỏi phải có cơ chế hỗ trợ. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng về sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.

Bên cạnh đó, cần tính toán cân đối hài hòa lợi ích trong chuỗi sản xuất. Bởi thực tế hiện nay, trong chuỗi sản xuất, đơn vị cung cấp thức ăn và thương lái vẫn có lợi nhuận lớn nhất. Do đó, theo nhiều chuyên gia, phải nghiên cứu chính sách, tìm ra khâu then chốt nhất của chuỗi là hài hòa lợi ích, nếu không đảm bảo yếu tố này dễ dẫn tới nguy cơ chuỗi bị "tuột xích".

Trong đó, Trung tâm Phát triển chăn nuôi cũng phải là một mắt xích quan trọng có vai trò hướng dẫn, điều phối hoạt động của chuỗi. Đồng thời, nghiên cứu, đặt hàng khoa học công nghệ tác động vào các khâu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành và chi phí sản xuất.

Ông Tạ Văn Tường - Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, mặc dù nhu cầu tiêu dùng sản phẩm sạch trên địa bàn TP là rất lớn nhưng không phải ai cũng tin tưởng và sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Do đó, bên cạnh giải pháp tuyên truyền, cần quy trách nhiệm rõ ràng của các bên tham gia chuỗi nếu có sai phạm.

Trung tâm cũng đề nghị UBND TP xây dựng đề án phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn Hà Nội và hợp tác, liên kết với các tỉnh trong giai đoạn 2015 - 2025, chính sách phát triển sản xuất, chế biến thức ăn tổng hợp gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, có chính sách cơ chế hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp đứng đầu của các chuỗi liên kết.

Hiện nay, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đang triển khai xây dựng một số chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ như gà mía Sơn Tây (60.000 con, cung cấp 1 - 1,2 tấn thịt/ngày), gà đồi Ba Vì (120.000 con, cung cấp 2 tấn thịt/ngày), vịt Vân Đình (60.000 con, cung cấp 1,5 tấn thịt/ngày), trứng vịt Liên Châu (150.000 con vịt đẻ, cung cấp 120.000 trứng/ngày)...


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Đại Trà, Ngành Chức Năng Khó Kiểm Soát Ở Cà Mau Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Đại Trà, Ngành Chức Năng Khó Kiểm Soát Ở Cà Mau

Từ khi mới bắt đầu nuôi tôm, các chuyên gia ngành thuỷ sản khuyến cáo, quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng phải nuôi riêng biệt với tôm sú, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, nguồn nước khép kín, tuyệt đối không để lẫn lộn giữa nguồn nước nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.

27/05/2013
Ba Vấn Đề Cấp Thiết Của Thuỷ Sản Miền Trung Ba Vấn Đề Cấp Thiết Của Thuỷ Sản Miền Trung

Vấn đề đau đầu nhất hiện nay với các tỉnh ven biển miền Trung từ TT- Huế đến Ninh Thuận là sản lượng khai thác thủy sản giảm sút, tàu nằm bờ chiếm tới 40 – 60% do giá nhiên liệu tăng cao, tình hình nuôi trồng thủy sản không thuận, đặc biệt tình trạng tôm bị bệnh chết khá nhiều, ảnh hưởng đến đời sống ngư dân. Theo số liệu của Sở NN-PTNT các tỉnh trong khu vực

16/07/2012
Trồng Nấm Rơm - Nghề Làm Giàu Ở Nông Thôn Ở Lào Cai Trồng Nấm Rơm - Nghề Làm Giàu Ở Nông Thôn Ở Lào Cai

Năm 2011, hai cán bộ được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của nhóm nghề nông nghiệp tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh đã có cơ hội được “mục sở thị” nghề trồng nấm ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng).

27/05/2013
"Ngập Trời" Men Vi Sinh Trị Bệnh Tôm!

Ít ai biết, trên thị trường có cả trăm loại men vi sinh được quảng cáo nổ "một tấc lên đến giời", thậm chí trị cả bệnh tôm và được bán với giá trên trời. Vì sao?

17/07/2012
Dùng Vỏ Lạc Cải Tạo Ruộng Và Nguồn Nước Nhiễm Kim Loại Độc Dùng Vỏ Lạc Cải Tạo Ruộng Và Nguồn Nước Nhiễm Kim Loại Độc

Nghiên cứu trên được đăng trên Tạp chí Môi trường và Quốc tế cho thấy, đồng là một khoáng chất cần thiết cho sự sống, tuy nhiên, nếu hàm lượng cao trong cơ thể sống, nó sẽ gây hại. Khi các nhà máy, khu công nghiệp thải các chất trên ra đất, nguồn nước với hàm lượng cao chất này sẽ tạo ra sự nguy hại nghiêm trọng tới cây trồng và hệ sinh thái dưới nước

17/07/2012