Bệnh rỉ sắt hại cà phê
Bệnh rỉ sắt thường xuất hiện, gây hại phổ biến trên vườn cà phê trong mùa mưa, làm rụng lá hàng loạt. Nếu không chú ý phòng trừ, sẽ ảnh hưởng tới năng suất.
Rỉ sắt thường xuất hiện gây hại phổ biến trên các vườn cà phê trong mùa mưa, và thường thấy rõ vào các tháng từ đầu mùa mưa. Bệnh gây rụng lá hàng loạt, làm ảnh hưởng nặng tới năng suất, nếu không chú ý phòng trừ.
Triệu chứng:
Bệnh gây hại chủ yếu trên lá cây cà phê. Ban đầu, vết bệnh là một chấm nhỏ ở mặt dưới lá, có hình bầu dục với màu vàng nhạt, sau đó vết bệnh phát triển lớn dần. Các vết bệnh lớn đường kính có thể đạt đến 1cm.
Trên bề mặt vết bệnh được phủ một lớp bột mỏng màu xanh vàng hay vàng cam. Khi bệnh nặng, một số vết bệnh có thể liên kết nhau tạo thành những mảng lá bị biến vàng, cháy khô và có thể rụng hàng loạt. Những vườn có lá rụng nhiều thì cây sinh trưởng kém và năng suất giảm đáng kể.
Tác nhân gây hại và điều kiện phát sinh phát triển:
Bệnh do nấm Hemileia sp. gây ra. Bệnh thường phát sinh trong mùa mưa, đặc biệt ở các tháng mưa nhiều, ẩm thấp. Trong điều kiện mát mẻ và ẩm độ cao thì rất thích hợp để nấm bệnh phát triển mạnh.
Vì vậy, vùng Tây Nguyên, bệnh thường phát sinh phát triển mạnh trong mùa mưa, các tỉnh phía Bắc thì bệnh phát triển vào các tháng mát mẻ của mùa thu và các tháng từ giữa đến cuối xuân. Bệnh cũng phát triển mạnh trong điều kiện các vườn cà phê bón thừa phân đạm, rậm rạp, cỏ dại nhiều…
Một số biện pháp phòng trị:
- Trồng cà phê ở mật độ thích hợp, tránh trồng dày để đảm bảo độ thông thoáng.
- Cần có hệ thống tiêu nước để thoát nước thật tốt sau khi mưa, tránh ẩm thấp.
- Trong mùa mưa, thường xuyên vệ sinh vườn cây, trừ cỏ dại và cắt tỉa cành chết, cành vô hiệu nằm khuất trong tán để tạo sự thông thoáng trong vườn.
- Bón phân tránh dư đạm, vì sẽ làm vườn cây rậm rạp, dễ nhiễm bệnh. Nên sử dụng thêm các loại phân bón lá như SPC-K, hoặc phân vi lượng TANO-601, rải phân SPC-CAL để cải tạo đất. Các phân này sẽ giúp tăng cường sức đề kháng bệnh cho cây, vừa làm tăng năng suất và chất lượng cà phê.
- Trong các tháng mưa, cần phun phòng bằng LUNASA 25EC, hoặc DIPOMAT 80WP. Chú ý phun ướt toàn tán cây và cành để phòng bệnh. Chủ yếu phun phòng trong mùa mưa, cách 1 - 2 tuần/lần tùy tình hình thời tiết và dịch bệnh.
- Thường xuyên kiểm tra vườn trong mùa mưa, để phát hiện bệnh và xử lý kịp thời, nhằm làm giảm thiệt hại, giảm chi phí phòng trừ. Đặc biệt cần chú ý ở những vườn cây đã có lịch sử nhiễm bệnh.
- Khi cây chớm bị bệnh, cần phun thuốc LUNASA 25EC hoặc DIPOMATE 80WP kịp thời. Có thể phối hợp thuốc với dầu khoáng SK ENSPRAY 99EC để làm tăng và kéo dài hiệu lực trong mùa mưa.
Có thể bạn quan tâm
Biến đổi khí hậu đã làm cho quy luật thời tiết thay đổi theo chiều hướng bất thuận đối với sản xuất cà phê làm cho cây cà phê dễ ra hoa sớm.
Cà phê hút dinh dưỡng bất cứ thời kỳ nào trong năm nên cần được cung cấp dinh dưỡng đều đặn để có thể sinh trưởng phát triển tốt và cho năng suất cao.
Bệnh vàng lá thối rễ là một trong những bệnh nguy hiểm gây hại nặng nề cho cây cà phê, thường xuất hiện ở những vườn tái canh và vườn kinh doanh ổn định.