Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Hà Tĩnh: Bền vững như nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP

Hà Tĩnh: Bền vững như nuôi tôm thẻ chân trắng VietGAP
Tác giả: Trần Hương (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh)
Ngày đăng: 07/11/2017

Năm 2017, Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với Hội Làm vườn tỉnh và Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh triển khai “Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP” tại vùng nuôi Bình Hà, xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà.

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP 

Mô hình triển khai tại hộ ông Nguyễn Văn Mại và ông Nguyễn Văn Doãn, là 2 hộ nuôi có nhiều kinh nghiệm và nhiệt huyết với nghề nuôi tôm trong vùng. Với diện tích 1,5 ha, dự án hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, thuốc, hóa chất và chế phẩm sinh học. Sau thời gian nuôi 03 tháng, mật độ thả 80 con/m2, tỷ lệ sống 75%, kích cỡ tôm đạt 60 - 70 con/kg, năng suất 10 tấn/ha. Giá bán trung bình 140.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được hơn 700 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Doãn cho biết, để vụ nuôi tôm đạt được thành công, là nhờ sự hỗ trợ của dự án với quy trình nuôi tôm theo hướng VietGAP, thân thiện với môi trường, sử dụng hợp lý thức ăn, thuốc, hóa chất, đảm bảo an toàn môi trường và dịch bệnh. Tăng cường sử dụng các biện pháp quản lý ao nuôi thân thiện với môi trường như định kỳ sử dụng vôi nông nghiệp, dolomit, chế phẩm vi sinh ổn định môi trường,  hạn chế sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi. Đặc biệt, tuyệt đối không sử dụng kháng sinh để phòng bệnh tôm, chỉ sử dụng khi thật cần thiết, trong qua trình nuôi sử dụng chế phẩm vi sinh BiOWiSH do dự án hỗ trợ. Vì vậy, tôm nuôi đạt tỷ lệ sống cao, kích cỡ đồng đều, màu sắc đẹp, sáng bóng và bán được giá cao.

Song song với xây dựng mô hình trình diễn, Dự án còn tổ chức các lớp tập huấn phổ biến về  Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt tại Việt Nam (VietGAP); đào tạo, nâng cao kiến thức nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP, đảm bảo nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm phẩm cho bà con nuôi tôm tại xã Hộ Độ; tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện, bàn giải pháp nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Thành công của mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP tại Hộ Độ mở ra hướng phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả cho nghề nuôi tôm tại Lộc Hà nói riêng, Hà Tĩnh nói chung. Đây là cơ sở để nhân rộng mô hình, góp phần ứng phó và giảm nhẹ tình trạng suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng gay gắt.


Có thể bạn quan tâm

Công nghệ SCP: Gỡ nút thắt ngành thủy sản Công nghệ SCP: Gỡ nút thắt ngành thủy sản

Công nghệ sản xuất protein nguồn gốc thực vật đơn bào (SCP) được cải tiến nhằm mục đích tìm ra giải pháp bền vững cho ngành dinh dưỡng vật nuôi

07/11/2017
Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

Sử dụng chế phẩm sinh học (hay còn gọi men vi sinh) trong nuôi trồng thủy sản được xem là một giải pháp góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường

07/11/2017
Cá tra vào Mỹ: Luật Farm Bill đáng lo hơn thuế chống bán phá giá Cá tra vào Mỹ: Luật Farm Bill đáng lo hơn thuế chống bán phá giá

Luật Nông trại (Farm Bill) đáng lo hơn thuế chống bán phá giá. Theo Luật Farm Bill, khi Mỹ không công nhận cá tra Việt Nam tương đương với cá catfish của họ

07/11/2017