Hà Nội kiểm soát tốt dịch bệnh
Đó là nhờ công tác phòng chống dịch bệnh được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ TP tới các quận, huyện, thị xã.
Đảm bảo chăn nuôi ổn định
Do có chợ đầu mối gia cầm Hà Vỹ đóng trên địa bàn, Thường Tín là một trong những huyện trọng điểm của TP về tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm, đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh từ nơi khác cao. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện chưa phát hiện ổ dịch nào. Ông Dương Xuân Tĩnh – Trạm trưởng Trạm Thú y Thường Tín cho biết, công tác kiểm dịch gia cầm tại chợ Hà Vỹ luôn được siết chặt nên giờ đây, toàn bộ gia cầm đưa vào chợ kinh doanh đều rõ nguồn gốc xuất xứ và có kiểm dịch. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã, thị trấn giám sát tốt dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là tiêm phòng, vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi.
Hà Nội hiện có tổng đàn gia súc, gia cầm vào tốp đầu cả nước, với trên 160.000 con trâu bò, 1,4 triệu con lợn và hơn 23 triệu con gia cầm. Tuy nhiên, chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư vẫn chiếm tới 60%. Hơn nữa, do sản xuất tại chỗ chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nên Hà Nội vẫn phải nhập một lượng lớn thịt gia súc, gia cầm từ các địa phương khác. Những yếu tố này khiến cho công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn TP gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, ngay từ đầu năm, Chi cục Thú y Hà Nội đã chỉ đạo các trạm thú y hướng dẫn các xã, phường, thị trấn tổ chức phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và kiểm soát vệ sinh ATTP trên địa bàn.
Nhờ chủ động vào cuộc, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn TP không để xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đối với các bệnh truyền nhiễm thông thường, một số bệnh mang tính lẻ tẻ, tỷ lệ ốm thấp và được chữa khỏi bệnh cao. Đáng chú ý, đối với chương trình giám sát dịch cúm gia cầm, qua lấy 80 mẫu tại huyện Thường Tín, Đông Anh, Ứng Hòa, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây xét nghiệm cho thấy, toàn bộ đều âm tính với virus cúm A/H5N1, H5N6 và H7N9.
Không để dịch bệnh bùng phát
Năm 2015 được Bộ NN&PTNT lấy là Năm ATTP của ngành nông nghiệp. Do đó, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh trong kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn TP cũng được quan tâm sát sao. Chi cục Thú y Hà Nội đã phối hợp cùng Phòng Cảnh sát môi trường (CATP) kiểm tra nhiều cơ sở giết mổ động vật tại huyện Chương Mỹ, quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… Qua kiểm tra, đã xử lý 32 trường hợp không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP với tổng số tiền thu nộp ngân sách trên 160 triệu đồng. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Phú Sơn – Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Hà Nội, hạn chế trong công tác phòng chống dịch hiện nay là tiến độ xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh và tiêm vaccine phòng bệnh ở một số địa phương còn chậm. Qua kiểm tra công tác phòng chống dịch tại cơ sở cho thấy, công tác kiểm soát, quản lý, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển nội, ngoại tỉnh của một số huyện, thị xã chưa chặt chẽ. Động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh về Hà Nội thường né các trạm, chốt kiểm dịch gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Chính vì vậy, theo ông Đỗ Phú Sơn, từ nay đến cuối năm, Chi cục Thú y sẽ tiếp tục tổ chức tốt các đợt tiêm phòng vaccine phòng bệnh cho vật nuôi, thực hiện vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi theo hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. Đồng thời đẩy mạnh công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y, không để dịch bệnh bùng phát và lây lan. Đặc biệt, kiện toàn hệ thống thú y từ TP đến cơ sở và thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của đội ngũ này nhằm nâng cao năng lực quản lý, phòng trừ dịch bệnh trên địa bàn TP.
Trong 6 tháng đầu năm, TP đã triển khai 3 đợt tổng vệ sinh tiêu độc môi trường chăn nuôi với trên 116.000 kg/lít hóa chất được cấp cho các đơn vị. Tổng diện tích được phun tiêu độc hơn 126.000.000m2.
Có thể bạn quan tâm
Ông Hồ Thành Phi, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cho biết: Do hiệu quả kinh tế cây mía thấp, Công ty cổ phần đường Bình Định (BISUCO) thiếu quyết tâm đầu tư nên nông dân trong vùng nguyên liệu mía của huyện đã phá bỏ mía chuyển sang trồng các loại cây trồng khác, khiến cho diện tích mía nguyên liệu bị giảm mạnh.
Năm 2014, vụ lúa trên đất nuôi tôm của người dân trên địa bàn huyện U Minh, tỉnh Cà Mau tuy không được như mong đợi, nhưng tính hiệu quả bền vững của mô hình sản xuất kết hợp này nhiều năm qua đã khẳng định được vị thế trong lòng người dân ở những vùng chuyển dịch. Chính vì thế, năm 2015, người dân trên địa bàn huyện tiếp tục duy trì và phát triển vụ lúa - tôm.
Nhằm giải quyết tốt đầu ra ổn định cho các nông sản hàng hóa chủ lực của địa phương, Tiền Giang đang triển khai dự án "Xây dựng mô hình liên kết sản xuất, sơ chế gắn với tiêu thụ sản phẩm" tại HTX sầu riêng Ngũ Hiệp. Tổng kinh phí dự án trên 170 triệu đồng, trong đó vốn đối ứng của HTX hơn 92 triệu đồng. Thời gian triển khai dự án từ tháng 8 - 12/2015.
Sau một thời gian thông tin trái cây bị nhúng hóa chất cho mau chín và bảo quản được lâu tạm lắng xuống thì những ngày qua trên mạng xã hội, một loạt hình ảnh chụp cận cảnh trái sầu riêng ngâm trong thùng hóa chất màu vàng được share (chia sẻ) với tốc độ chóng mặt. Những hình ảnh này cùng với lời cảnh báo các công ty xuất khẩu trái cây của Trung Quốc đang sử dụng một loại hóa chất độc hại để làm chín các loại trái như sầu riêng, mít, chuối, xoài, táo… khiến người tiêu dùng vô cùng lo lắng.
Ngày 13-8, tại xã Nhơn Sơn, Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ NN&PTNT) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học SRE&RL phòng, chống nấm mốc trên Nho giai đoạn trước và sau thu hoạch. Tham dự Hội thảo có đại diện Bộ Khoa học& Công nghệ, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các nhóm liên kết trồng nho trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.