Hà Nội dẫn đầu cả nước về số xã cán đích sớm
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dự và chỉ đạo hội nghị.
Vượt chỉ tiêu
Nhìn lại 5 năm thực hiện xây dựng NTM, nông nghiệp - nông thôn Hà Nội đã có những đổi thay vượt bậc. Giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2015 đạt 233 triệu đồng/ha, tăng 44,6 triệu đồng/ha so với năm 2011, tăng 2 triệu đồng/ha so với mục tiêu đề ra. Cơ cấu sản xuất chuyển dịch rõ rệt theo hướng giảm trồng trọt, tăng chăn nuôi, dịch vụ.
Tại hội nghị, có 20 tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 25 tập thể được nhận Cờ “Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM” giai đoạn 2011 - 2015 của UBND thành phố; 338 tập thể, cá nhân, hộ gia đình được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội.
Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa 76.891ha, trên địa bàn đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14 triệu đồng năm 2011 lên 33 triệu đồng năm 2015, vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu.
Cũng theo ông Mỹ, năm 2010, TP.Hà Nội chưa có xã đạt chuẩn NTM thì đến hết 2015 đã có 201/386 xã (hơn 52%) đạt chuẩn NTM, vượt hơn 12% so với mục tiêu đề ra (không tính 15 xã của huyện Từ Liêm đã chuyển thành phường). Trong đó, Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM năm 2015; 3 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức đang trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện NTM.
“Trong giai đoạn 2016 – 2020, định hướng của thành phố là sẽ tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 3,5-4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên, trong đó tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt từ 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố” - ông Mỹ nói.
Đặc biệt, trong xây dựng NTM, Hà Nội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn NTM, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập. Phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 80% số xã trở lên đạt chuẩn NTM và 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn NTM.
“Nhiệm vụ đáng chú ý trong giai đoạn tới là hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn sẽ được đầu tư đồng bộ đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70-75%, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên...” - ông Mỹ khẳng định.
Là nông dân đóng góp hơn 700m2 đất ủng hộ cho địa phương xây dựng trường cấp 1, bà Đinh Thị Tình ở thôn Miễu, xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất cho biết, việc xây dựng NTM là một cuộc cách mạng, cần phải có sự đoàn kết của người dân và chính quyền thì mới thành công được. “Để có NTM cho bà con chúng tôi hưởng thụ, Nhà nước cần bao đóng góp nhiêu đất, tiền của gia đình tôi cũng ủng hộ hết, không tiếc gì đâu” – bà Tình chia sẻ.
Lấy người dân làm trung tâm
Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải biểu dương và đánh giá cao kết quả, nỗ lực của các cấp, ngành cùng sự tích cực hưởng ứng của nhân dân, doanh nghiệp trong việc triển khai Chương trình xây dựng NTM giai đoạn vừa qua. Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, xây dựng NTM tiếp tục là chương trình công tác lớn của nhiệm kỳ 2015 - 2020 và lãnh đạo thành phố sẽ luôn nỗ lực, quyết tâm cao, tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước. Vì vậy, mỗi cấp, ngành cần tập trung phát huy những kết quả đạt được, nghiêm túc nhìn nhận các hạn chế, khuyết điểm và phải có những giải pháp khắc phục sớm.
“Trong đó, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động. Phải lấy người nông dân làm trung tâm trong triển khai mọi công việc từ quy hoạch, đầu tư hạ tầng, phát triển sản xuất, chăm lo sức khỏe, giáo dục, văn hóa...” - Bí thư Hoàng Trung Hải nêu rõ.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng lưu ý, việc xây dựng các kế hoạch, đề án, dự án thực hiện trên địa bàn nông thôn phải gắn chặt với Chương trình xây dựng NTM. Theo đó, cần tập trung các nguồn lực ngân sách của thành phố, huyện và đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng NTM. Trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, sự đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để đẩy nhanh việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho nông thôn, nhất là các lĩnh vực môi trường, xử lý rác, nước thải, cung cấp nước sạch... Đồng thời tích cực thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao và đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, thành phố cần tiếp tục duy trì, nâng cao các chỉ tiêu NTM, làm sao để NTM phải bền vững, đi vào lòng dân chứ không chỉ là phong trào thi đua. Đồng thời, chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội ở nông thôn; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục, truyền thống tốt đẹp; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn...
Thành tích nổi bật của Hà Nội sau 5 năm xây dựng NTM
33 triệu đồng/năm là thu nhập bình quân đầu người, vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu.
201 xã đã đạt chuẩn NTM trong tổng số 386 xã, vượt 12% so với mục tiêu đề ra.
10 huyện, thị xã và 80% số xã đạt chuẩn NTM là mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Có thể bạn quan tâm
Theo Sở NN-PTNT Đồng Tháp, toàn tỉnh có 282.000ha lúa tham gia cánh đồng liên kết, trong số đó có 71.000ha diện tích thực tế được DN tiêu thụ với sản lượng 475.000 tấn.
PVFCCo dự kiến sẽ đưa ra thị trường 220.000 tấn đạm Phú Mỹ, cộng với lượng hàng tồn trữ tại hệ thống kho và đại lý khoảng 40.000 tấn.
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những thông tin sai sự thật trên báo chí và các trang mạng xã hội liên quan đến nông sản đã gây thiệt hại nặng nề cho nông dân (ND).