Hà Nội Đã Có 3.000 Bê F1 BBB

Đến hết năm 2013, đàn bê F1 BBB của Hà Nội đạt khoảng 3.000 con. Đây là nguồn cung cấp thực phẩm thịt bò chất lượng cao phục vụ nhân dân Thủ đô và là cơ sở để thay đổi tư duy trong chăn nuôi bò thịt, giải quyết việc làm, tăng thu nhập của nông dân.
Thay đổi nhận thức
Theo báo cáo của Cty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội, thực hiện dự án “Ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền đàn bò thịt lai Sind thành đàn bò lai F1 hướng thịt trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, đến hết tháng 10/2013, dự án đã tổ chức 1 lớp đào tạo nâng cao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho 40 dẫn tinh viên của dự án; 2 lớp tập huấn cho 58 cán bộ, kỹ thuật viên về công tác bình tuyển, bấm thẻ tai, quản lý đàn bò cái nền tham gia dự án.
Bên cạnh đó, để người nuôi bò nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức được tầm quan trọng của dự án, đơn vị thực hiện dự án đã tổ chức 28 lớp tập huấn cho 2.800 lượt hộ chăn nuôi bò thịt theo các nội dung, bài giảng gắn liền với thực tế, điều kiện đặc thù chăn nuôi như hướng dẫn các chủ hộ có bò cái chửa/đẻ các kỹ thuật, phương pháp chăm sóc, nuôi dưỡng của bò cái chửa, bê F1 BBB theo từng thời kỳ giai đoạn tại thực tế đầu chuồng…
Công tác bình tuyển đàn bò cái nền được triển khai trên địa bàn 8 huyện ngoại thành gồm Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Phú Xuyên, Đan Phượng, Phúc Thọ, Chương Mỹ và Thạch Thất. Dự án đã tổ chức giám định bình tuyển đàn bò cái nền đủ tiêu chuẩn, phẩm cấp tham gia dự án.
Kết quả đã bình tuyển, bấm thẻ tai, vào máy quản lý được 14.000 bò cái nền với trọng lượng bình quân đạt 285 kg/bò. Đa số bò cái tham gia bình tuyển đẻ từ lứa 2 đến lứa 5 và bình quân bò đã đẻ 3,5 lứa.
Xác định công tác phối giống, nhân giống đàn bò là nội dung trọng tâm của dự án, Cty đã tiến hành bình tuyển đàn bò cái nền đủ tiêu chuẩn và triển khai phối giống cho đàn bò cái nền theo hình thức cuốn chiếu.
Cũng theo Cty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội, số liều tinh phối giống bình quân/1 bò cái có chửa là 1,6 liều. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với định mức kỹ thuật của Bộ NN-PTNT quy định (2 liều tinh/1 bò cái có chửa). Điều này minh chứng trình độ, tay nghề của các dẫn tinh viên, kỹ thuật viên ngày được nâng cao và việc sử dụng liều tinh nhập ngoại ngày càng tiết kiệm và hiệu quả.
Ưu thế vượt trội của bê F1 BBB
Qua theo dõi, 100% số bê F1 BBB sinh ra có trọng lượng bình quân từ 28 - 31 kg/1 bê (trong khi đó trọng lượng sơ sinh bê F1của các giống bò thịt khác bình quân từ 18 - 21 kg/bê), bê đẻ dễ, đẻ thường, hầu như không phải can thiệp về kỹ thuật và đặc biệt không phải mổ đẻ. Trong số 1.297 bê sinh ra bò mẹ đều đẻ thường, chỉ có 2 bò mẹ đẻ bê thai nghịch phải can thiệp xử lý kỹ thuật đỡ cho bò mẹ.
Bê F1 BBB sinh ra khỏe mạnh, thích nghi với điều kiện, môi trường sống. Kết hợp được cả tốc độ phát triển, tăng trọng nhanh, chất lượng thịt tốt của con bố - bò siêu thịt BBB và sự thích nghi với môi trường sống của con bò mẹ - bò lai Sind tại VN. Bê tăng trọng bình quân là 25 kg/tháng, cá biệt có con tăng trọng 30 kg/tháng. Dễ nuôi, phàm ăn, lớn nhanh.
Hiện nay, bê F1 BBB sinh ra sau cai sữa (bê từ 3 - 4 tháng) đã được các thương lái, trang trại thu mua về nuôi gột vỗ béo trả giá rất cao (khoảng 17 - 19 triệu đồng/1 bê), đắt hơn so với bê lai thịt khác cùng tháng tuổi khoảng 7 - 8 triệu đồng/1 con (bê lai thịt giống khác từ 3 - 4 tháng tuổi giá bình quân hiện tại khoảng 10 - 11 triệu đồng/con).
Nuôi bò BBB, cơ hội làm giàu của nông dân Thủ đô
Nếu tính đến thời điểm hết năm 2013, dự kiến có hơn 3.000 bê lai F1 BBB sinh ra, thì hiệu quả thu về từ dự án cho hộ chăn nuôi là rất lớn, giá trị sản lượng do bê F1 BBB SX ra khoảng 51 - 57 tỷ đồng và giá trị gia tăng đem lại cho bà con nông dân từ chăn nuôi bê F1 BBB so với chăn nuôi bê lai thịt khác khoảng 21 - 24 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra của dự án, quy mô chăn nuôi bò thịt của thành phố (các huyện tham gia dự án) là 1,4 bò/1 hộ, tính đến cuối năm 2013, với hơn 3.000 bê lai F1 BBB sinh ra, dự án sẽ giải quyết và tạo ra 2.142 việc làm cho các nông hộ, đồng thời đưa chăn nuôi bò thịt trở thành một ngành SX hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống của bà con nông dân ngoại thành Hà Nội một cách bền vững.
Do chất lượng thịt F1 BBB tốt, thịt mềm, thơm ngon, dinh dưỡng cao nên thương lái đã tăng cường thu mua để giết mổ. Người người chăn nuôi bò thịt F1 BBB có lãi hơn và hiệu quả hơn rất nhiều so với chăn nuôi bò thịt khác. Bê F1 BBB từ 18 tháng tuổi (trọng lượng bình quân từ 480 - 520 kg/con) cũng được các thương lái trên thị trường trả giá 39 - 42 triệu đồng/con, đắt hơn 1 con bò thịt giống khác cùng tháng tuổi khoảng 15 - 16 triệu đồng/con.
Bên cạnh đó, Cty Giống gia súc Hà Nội cũng đã liên kết hợp tác với các tỉnh, địa phương có nhu cầu về phát triển đàn bò thịt BBB như Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Lào Cai, Lạng Sơn… nhằm tạo vành đai và nguồn cung cấp thực phẩm cho nhân dân Thủ đô.
Tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị
Những kết quả đạt được như đã nêu trên là rất đáng khích lệ, nhưng theo đơn vị thực hiện dự án, công tác phối giống vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Nguyên nhân do dự án ứng dụng công nghệ lai tạo con giống mới, các hộ dân bước đầu còn e ngại. Mặc dù công tác đấu thầu nhập tinh bò BBB theo đúng quy định nhưng mất rất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, nông dân thường bán bê F1 BBB sớm (từ 4 - 6 tháng tuổi), không nuôi vỗ béo đến giai đoạn 18 tháng tuổi, làm giảm hiệu quả chăn nuôi. Do đó dự án cần phải xây dựng những mô hình trang trại chăn nuôi vỗ béo bê thịt tập trung đến giai đoạn 18 tháng tuổi, vừa để thu mua cho bà con nông dân bán bê F1 BBB sau cai sữa nuôi khi không có điều kiên chăn nuôi tiếp, vừa tạo dựng tiền đề trong việc chăn nuôi bò thịt tập trung.
Cty TNHH MTV Giống gia súc Hà Nội đã đề nghị Thành phố cho phép được nghiên cứu, xây dựng chương trình tiêu thụ sản phẩm bê lai F1 BBB theo chuỗi giá trị có sự quản lý, hỗ trợ của Nhà nước như chế biến thức ăn thô xanh - chăn nuôi - thu mua - giết mổ bán công nghiệp - kênh tiêu thụ sản phẩm (nhà hàng, siêu thị, cửa hàng điểm...) - người tiêu dùng, nhằm đưa sản phẩm thịt bò chất lượng cao quảng bá đến tay người tiêu dùng Thủ đô.
Do dự án được phía Vương quốc Bỉ chọn là đơn vị sử dụng, tiêu thụ độc quyền giống bò thịt BBB tại phía Bắc VN nên Cty đề nghị Thành phố cho phép được hợp tác liên kết với các tỉnh để chuyển giao công nghệ chăn nuôi và lai tạo giống bò siêu thịt chất lượng cao BBB.
Có thể bạn quan tâm

Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi trồng thủy sản khá lớn với hơn 500 ha diện tích ao hồ. Trong đó diện tích nuôi tôm trên cát ven biển ở hai xã Hải An và Hải Khê chiếm gần 100 ha. Nhiều năm qua nhờ phát triển nuôi tôm nên nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, tuy nhiên do nằm sát với bờ biển nên rất dễ bị thiên tai tàn phá. Trước thực trạng đó, để đảm bảo an toàn ao hồ nuôi trồng thủy sản trong mùa mưa bão năm 2013, huyện Hải Lăng đang tiến hành triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu nhằm giúp người nuôi tôm bảo vệ tốt tài sản của mình.

Những năm gần đây, nuôi ngao thực sự là nghề “nóng” của người dân ven biển huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), bởi nó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên hiện nay, giá bán ngao thương phẩm đang giảm mạnh, thị trường tiêu thụ gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phát triển nuôi ngao ồ ạt, tự phát, không theo quy hoạch sẽ khó tránh khỏi những hệ lụy xấu...

Đã qua rồi thời hỗn loạn, người thì nuôi, kẻ khai thác tranh giành nguồn lợi từ con nghêu của bãi bồi Đất Mũi (Cà Mau). Sau khi sắp xếp lại một cách toàn diện, vùng nuôi nghêu bãi bồi đang dần đi vào ổn định.

Thời gian gần đây do nuôi tôm thẻ chân trắng được mùa, lợi nhuận cao nên một số hộ dân ở Bình Đại (Bến Tre) tự phát đào ao, khoan giếng nước mặn nuôi tôm biển trong vùng qui hoạch, có lúc lên đến trên 1.000 giếng khoan. Để khắc phục tình trạng trên, Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Đại đã ban hành Chỉ thị số 05, UBND huyện Bình Đại có Kế hoạch số 2184 nhằm khắc phục những bất hợp lý vừa qua.

Giải pháp “Ứng dụng phương pháp cho ăn gián đoạn để giảm chi phí sản xuất trong chăn nuôi cá tra thương phẩm” của ThS. Phạm Thị Thu Hồng và cộng sự thuộc Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã đạt giải nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa lần thứ IV, năm 2012- 2013.