Hà Nội Cung Lớn, Giá Rau Xanh Ổn Định

Sau Tết, do thời tiết nắng ấm nên rau xanh phát triển tốt, nguồn cung theo đó cũng khá dồi dào. Đáng chú ý, mặc dù giá rau xanh tại các chợ trong nội thành bị đẩy lên cao, song tại các vùng sản xuất rau ở ngoại thành, giá bán vẫn khá ổn định.
Giá không tăng
Có mặt tại vùng sản xuất rau an toàn của HTX Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức (Hà Nội) những ngày này, hình ảnh dễ thấy là những ruộng rau cải chíp, cải ngọt, cải mơ đang độ cho thu hoạch tươi xanh mơn mởn.
Chị Nguyễn Thị Mậu, xã viên HTX Tiền Lệ cho biết, từ Mùng 5 Tết, người dân bắt đầu thu hoạch rau đem bán nhưng phải từ Mùng 10 trở đi, lượng hàng bán ra mới nhiều. Hiện tại, mỗi ngày, gia đình chị Mậu thu hoạch được khoảng gần 100kg rau các loại. "Giá các loại rau ăn lá trung bình khoảng 10.000 - 13.000 đồng/kg, tương đương thời điểm áp Tết chứ không tăng đột biến" - chị Mậu cho biết.
Điều đáng mừng là ngoài tiêu thụ ở chợ đầu mối, hiện nay, tại HTX Tiền Lệ đã có Công ty CP Đầu tư Giao Long (thương hiệu rau sạch Liên Thảo) về thu mua một phần sản lượng rau tại ruộng cho bà con nông dân. Theo thống kê, hiện toàn HTX Tiền Lệ còn khoảng 20ha rau đang cho thu hoạch, sản lượng cung cấp ra thị trường khoảng 2 - 3 tấn/ngày. Trong số đó, loại rau đang có giá cao nhất là cải mâm xôi từ 15.000 - 17.000 đồng/kg, còn lại vẫn ở mức tương đương hoặc nhỉnh hơn một chút so với thời điểm trong Tết.
Trong khi các loại rau ăn lá giữ được mức giá ổn định, nhiều loại rau dài ngày, rau lấy củ, quả như su hào, cải bắp, súp lơ... vẫn bán với giá khá thấp. Đến vùng rau Phương Viên, xã Song Phương, huyện Hoài Đức thời điểm này mới thấy rõ nỗi buồn của bà con nông dân. Bà Nguyễn Thị Bé, thôn Phương Viên chia sẻ, giá cải bắp chỉ 1.000 đồng/kg, su hào 1.000 - 1.500 đồng/củ bán buôn và 2.000 đồng/củ bán lẻ. Mức giá này có nhỉnh hơn so với thời điểm trong Tết, song vẫn chưa đảm bảo nông dân có lãi. "Cũng may là thời điểm này còn bán được rau chứ trong Tết thì không có người mua" - bà Bé ngậm ngùi.
Tích cực vào vụ mới
Cùng với thu hoạch diện tích rau màu đúng độ tuổi xuất bán, bà con nông dân các vùng rau đang tích cực làm đất, gieo trồng lứa mới. Theo các hộ nông dân, thời tiết như hiện nay dễ làm cho bọ nhảy phát sinh gây hại. Do đó, phòng trừ bọ nhảy là biện pháp quan trọng để đảm bảo năng suất, chất lượng rau, nhất là các loại rau ăn lá.
Với gần 40ha rau vào vụ mới, ông Hoàng Văn Tùng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ cho biết, HTX đang hướng dẫn bà con dùng vôi bột để xử lý đất và mua giống rau tại các địa chỉ có uy tín. Đặc biệt, Thanh Đa là một trong những vùng rau trọng điểm của TP và đã được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cấp chứng nhận vùng sản xuất rau an toàn. Do đó bà con nông dân đã được hướng dẫn quy trình sản xuất chặt chẽ, đảm bảo chất lượng rau.
Tại vùng rau Tiền Lệ, do tập quán chuyên canh rau ăn lá nên bà con nông dân đang chuyển sang các chủng loại rau phù hợp với điều kiện thời tiết ấm như rau dền, rau muống, cải ngọt... Ông Nguyễn Văn Hào - Chủ nhiệm HTX rau an toàn Tiền Lệ cho biết, để tránh bọ nhảy hại rau, HTX khuyến cáo bà con nông dân sử dụng ni lông để quây quanh ruộng. Đồng thời sử dụng các biện pháp sinh học khác để phòng trừ sâu bệnh. Được biết, bước vào vụ mới này, toàn HTX Tiền Lệ trồng khoảng trên 10ha rau.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, tính đến nay, toàn TP đã gieo trồng được khoảng 4.000ha rau vụ Xuân. Trong thời gian qua, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã tích cực triển khai hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp xử lý sâu bệnh bằng phương pháp sinh học như trồng rau che phủ ni lông, bẫy bả protein trừ ruồi, sâu khoang, ngâm nước vào ruộng để xử lý mầm bệnh...
Tại các chợ trong nội thành, giá rau xanh vẫn đang ở mức khá cao so với giá bán từ vùng sản xuất. Cụ thể, giá cải bắp 4.000 - 5.000 đồng/kg; cải chíp, cải ngồng, cải ngọt 25.000 đồng/kg; cải cúc 4.000 đồng/mớ; su hào 3.000 - 4.000 đồng/củ...
Related news

Ngày 4/8, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức hội nghị bàn giải pháp quản lý và nâng cao chất lượng tôm giống.

Hiện nay, Tiền Giang chỉ mới có một cơ sở nuôi tôm sú tại xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông đạt VietGAP. Tuy nhiên, dự kiến đến cuối năm 2015, toàn tỉnh sẽ có thêm 19 hộ nuôi tôm nước lợ và cá tra được chứng nhận VietGAP.

Theo Đề án, An Giang quy hoạch sản xuất cá tra đến năm 2020 đạt 1.430 ha chủ yếu ở các địa phương như sau: Long Xuyên, Thoại Sơn, Tân Châu, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới và Phú Tân.

Từ tháng 3-2015 đến nay, hiện tượng nghêu chết hàng loạt trên diện rộng và kéo dài ở các hợp tác xã (HTX) thủy sản ven biển Bến Tre đã làm giảm thu nhập của người dân. Có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như nắng nóng kéo dài, độ mặn trong nước biển tăng cao và bị nhiễm bẩn. Cơ quan Thú y Vùng VI đã phát hiện vi khuẩn trên các mẫu thử gửi của khu vực biển Bình Đại. Đến nay, mọi công tác khắc phục chỉ có thể ở mức tương đối…

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà gia đình ông Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1965, ngụ tổ 2, ấp Tân Định, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã thu về lợi nhuận khoảng 60 triệu đồng/năm từ cây trôm.