Góp thêm thành công cho xã nông thôn mới Hiệp Lợi
Vườn mãng cầu xiêm của ông Lê Văn Phát cho thu nhập 300-400 triệu đồng/ha/năm.
Còn nhớ ông Nguyễn Phong Vũ, Bí thư xã Hiệp Lợi, từng trăn trở: “Xuất phát điểm của Hiệp Lợi từ một xã nghèo vừa dồn sức hoàn thành xã văn hóa (năm 2008), nay lại tiếp tục thực hiện các tiêu chí xã NTM, do vậy nguồn lực tại chỗ còn hạn chế.
Tiêu chí thu nhập là một trong những tiêu chí khó đối với xã. Mục tiêu xây dựng NTM chính là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Tuy vậy, thuận lợi hơn hết là địa phương chịu khó học hỏi, đặc biệt là các mô hình hay từ xã Đại Thành, Tân Thành để làm kinh nghiệm cho mình”.
Ngay sau khi bắt tay vào xây dựng NTM, qua 5 năm xây dựng NTM, Hiệp Lợi tập trung vào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Để thực hiện xóa đói, giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân, xã đã chỉ đạo phát triển sản xuất, vận động nhân dân cải tạo vườn tạp. Từ đó, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 29,27 triệu đồng/người/năm. Nhiều mô hình cho thu nhập gần 500 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 7-10 lần so với trồng lúa.
Thực tế, Hiệp Lợi cũng đã tự tìm được thế mạnh riêng để khai thác hiệu quả, tăng thu nhập cho người dân. Ngoài mô hình nuôi trăn “có tiếng” thì lợi nhuận từ các mô hình nông nghiệp khác cũng đạt cao gấp nhiều lần so với trước đây, có thể kể đến các mô hình như trồng mãng cầu xiêm, cam sành...
Lão nông Lê Văn Phát, ở ấp Xẻo Vông A, được nhiều người biết đến với mô hình trồng mãng cầu xiêm. Điều đặc biệt là ông biết cách cho cây mãng cầu ra trái theo ý muốn. Nhờ đó, thu nhập của gia đình ông luôn đạt 300-400 triệu đồng/ha/năm mãng cầu xiêm.
Với tính tình vui vẻ, ông Phát luôn chia sẻ những hiểu biết về loại cây trồng này cho mọi người. Từ một, hai hộ trồng mãng cầu xiêm, hiện nay nhiều hộ ở ấp Xẻo Vông A đã chuyển đổi sang mô hình có hiệu quả này. “Mãng cầu xiêm là loại cây rất dễ trồng, nhẹ công chăm sóc và ổn định về năng suất lẫn đầu ra. Mất thời gian nhiều nhất chỉ ở công đoạn thụ phấn cho hoa. Cứ gần vô vụ, thương lái khắp nơi đổ về mua.
Nhờ cây này, nhà tôi mới được khang trang như bây giờ. Xã mới lên NTM thì người dân càng phải lo làm ăn, xóm này dần dà có nhiều nhà tường mọc lên, rồi vài năm nữa có người sắm xe ô tô cũng không chừng”, ông Phát chia sẻ.
Hiện nay, không riêng gì ông Phát, mà mô hình cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được đông đảo người dân trên địa bàn xã thực hiện. Từ những mảnh vườn tạp bỏ trống, nay đã được thay bằng vườn cây ăn trái xum xuê như: cam sành, bưởi Năm Roi,...
Đặc biệt, các thành viên Tổ hợp tác làm vườn ở ấp Láng Sen, có thu nhập lên hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiệu quả của các mô hình kinh tế không chỉ dừng lại ở mặt năng suất, mà điều quan trọng hơn là giúp người dân các xã nhận thấy rằng mình hoàn toàn có khả năng nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích.
Từ đó, đưa người nông dân từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần quan trọng vào việc xây dựng tiêu chí giảm nghèo, tăng thu nhập và giải quyết việc làm cho người dân. Góp phần cùng địa phương thực hiện chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội đạt hiệu quả.
Nhờ chương trình xây dựng NTM, đời sống của người dân xã Hiệp Lợi đã có biến chuyển tích cực. Chất lượng cuộc sống được nâng lên đáng kể. Điều đó đã góp phần vào sự phát triển chung của xã NTM Hiệp Lợi ngày nay.
Có thể bạn quan tâm
Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) không những nổi tiếng về khai thác hải sâm ở vùng biển Hoàng Sa, mà hiện nay, nhiều người còn kiếm bạc tỷ nhờ nuôi tôm hùm lồng xuất khẩu.
Đến ngày 31/12/2015, các cơ sở nuôi cá Tra thương phẩm phải áp dụng và được chứng nhận thực hành nuôi trồng thuỷ sản tốt theo VietGAP hoặc chứng chỉ quốc tế phù hợp quy định của pháp luật Việt Nam.
Đến cuối tháng 4-2014, nông dân các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Nông Cống (Thanh Hóa)... đã thả 230 triệu con giống tôm sú xuống 3.923 ha ao nuôi, đạt 100% kế hoạch.
Giá tôm thẻ nguyên liệu (dùng chế biến tôm xuất khẩu) giảm liên tục trong thời gian gần đây khiến nhiều người nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long vội vàng thu hoạch tôm đang nuôi để tránh mất giá.
Mỗi khi lúa vào giai đoạn thu hoạch cũng là “mùa” của người nuôi vịt chạy đồng. Những năm qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, người nuôi vịt chạy đồng bao phen “chìm nổi” với nghề.