Góp Sức Xây Dựng Nông Thôn Mới
Thực hiện phong trào thi đua của Trung ương Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam, Ban đại diện Hội NCT tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh triển khai chương trình hành động NCT tham gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011 - 2015 và đã phát động phong trào thi đua trong các cấp hội.
Các cấp hội trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên tham gia xây dựng NTM gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Hội cơ sở lựa chọn những công việc phù hợp để vận động hội viên phát huy khả năng, thế mạnh, kinh nghiệm tham gia phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương đồng thời quán triệt trong các tổ chức hội phát huy vai trò, vị trí của NCT ở khu dân cư bằng những hành động thiết thực, hiệu quả. Mỗi hội viên NCT là một nhân tố tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nói chung và con cháu trong gia đình nói riêng đóng góp sức người, sức của cùng chính quyền xây dựng NTM ở địa phương.
Thời gian đầu gặp những cản trở nhất định do kinh tế của nhiều hộ gia đình còn khó khăn, một số người dân chưa “thông” về tư tưởng, nặng về lợi ích cá nhân, không nhận thấy được lợi ích lâu dài của việc xây dựng NTM, hội NCT các cơ sở đã phát huy vai trò, phân tích cho mọi người hiểu được ý nghĩa to lớn của việc xây dựng NTM.
Với phương châm “Lời nói đi đôi với việc làm”, tổ chức hội NCT không chỉ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động mà còn thể hiện bằng những việc làm cụ thể. Hội viên Hội NCT các xã ở huyện Yên Bình đã tích cực, gương mẫu vận động con cháu hưởng ứng và đóng góp công sức xây dựng các công trình phúc lợi; đã có 78 hội viên vận động gia đình, con cháu hiến 58.500m2 đất để làm đường giao thông và các công trình tại địa phương. Điển hình như ông Lương Năng Đạt - xã Văn Lãng hiến 1.800m2, ông Hà Đình Giai - xã Bảo Ái hiến 360m2, ông Lương Văn Tiền - xã Đại Đồng hiến 200m2…
Nhiều hội viên ở các phường của thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ tích cực tham gia xây dựng những cung đường an toàn giao thông xanh, sạch, đẹp, không đổ rác ra đường. NCT huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn cũng đi đầu tham gia hiến đất để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trường học, nhà văn hóa.
Cụ thể hóa chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban đại diện Hội NCT huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải chỉ đạo các cơ sở hội vận động các hộ gia đình người Mông gương mẫu vận động con cháu xây dựng các công trình nhà tắm, nhà vệ sinh; chuồng trại gia súc phải làm cách xa nhà từ 5m đến 10m và không được thả rông gia súc; làm vệ sinh để đường lên bản sạch sẽ, không lầy lội; tích cực làm kinh tế hộ gia đình, không bị thiếu đói giáp hạt.
Bên cạnh đó, các cơ sở hội thường xuyên vận động con cháu và người thân học hỏi, nâng cao kiến thức khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong sản xuất; chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, xóa nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của gia đình và cộng đồng, thiết thực góp phần xây dựng địa phương sớm đạt các tiêu chí về NTM.
Hội NCT tỉnh hiện có trên 68.500 hội viên, sinh hoạt tại 1.860 chi hội và có trên 70% số NCT trực tiếp, gián tiếp tham gia lao động sản xuất, kinh doanh dịch vụ, đầu tư vốn và quản lý, hướng dẫn con cháu trong gia đình, dòng họ tham gia phát triển kinh tế.
Hội NCT còn thường xuyên đóng góp ý kiến, hiến kế, hiến công giúp chính quyền tháo gỡ những khó khăn trong xây dựng NTM như nắm bắt tình hình, kịp thời làm tốt công tác tư tưởng cho người dân, giữ vững tình đoàn kết trong thôn xóm, giữ vững danh hiệu làng văn hóa, góp phần giúp địa phương sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian sớm nhất.
Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, mặc dù là tỉnh nghèo nhưng đến nay, Yên Bái đã có 60 xã đạt 5 tiêu chí, trong đó 10 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Kết quả đó có sự đóng góp không nhỏ của lực lượng hội viên NCT.
Trong thời gian tới, Hội NCT tỉnh tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách và động viên cán bộ, hội viên tích cực tham gia phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM”. Các cấp hội tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, hội viên tham mưu, hiến kế và tự nguyện đóng góp nguồn lực xây dựng NTM, tham gia các chương trình phát triển kinh tế gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh.
Có thể bạn quan tâm
Đã hết 7 tháng của năm 2013 nhưng ngành cá tra vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại khi xuất khẩu giảm, người chăn nuôi lỗ. Thực trạng này đòi hỏi nhà nước phải có chính sách và quy hoạch phù hợp.
Với ưu điểm “4 không”: không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không phải tắm cho đàn lợn trong quá trình nuôi; phương pháp chăn nuôi lợn trên nền đệm lót sinh học trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã mở ra hướng chăn nuôi mới theo hướng phát triển bền vững.
Sáng 26-7, Sở Khoa học – Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức hội đồng nghiệm thu đề tài “Ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu”, do kỹ sư Trần Thị Hiến, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện.
Anh Lê Đình Bắc quê ở Bình Dương, từng là công nhân cao su có thâm niên gần 20 năm. Với mong muốn phát triển kinh tế độc lập, nhưng do thiếu vốn, đất đai ở quê nhà lại đắt đỏ, nên cách đây 7 năm, anh quyết định lên Dak Lak và chọn vùng đất triền đồi thôn 1, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) để định cư và thực hiện ý tưởng của mình.
Năm 2011, anh Huỳnh Văn Thành, 59 tuổi đầu tư hơn 1 tỉ đồng xây dựng trang trại tại xã Phước Thắng (huyện Bác Ái) nuôi heo siêu nạc. Anh Thành chăn nuôi theo phương thức: Công ty CP đầu tư con giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh và bao tiêu sản phẩm, anh đầu tư nhân công chăm sóc và xây dựng chuồng trại nuôi 1.100 con heo siêu nạc. Trang trại xây dựng tiên tiến bao gồm kho dự trữ thức ăn, khu vực để thuốc thú y, dụng cụ khám, chữa bệnh và hệ thống nước uống tự động. Nhờ chăm sóc và phòng bệnh chu đáo nên đàn heo của anh Thành phát triển tốt, mỗi năm nuôi 2 lứa, mỗi lứa xuất bán trên 110 tấn heo thịt, sau khi trừ chi phí anh còn lãi khoảng 200 triệu đồng/lứa.