Gỡ khó cho tái canh cà phê
Nhiều tỉnh không phát sinh dư nợ
Theo Đề án tái canh cà phê giai đoạn 2014-2020, mục tiêu đề ra là tái canh khoảng 120.000ha cà phê. Trong đó, Ngân hàng NNPTNT cam kết cung ứng gói tín dụng dành cho chương trình này với tổng vốn 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, dư nợ cho vay tái canh cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên đến nay mới chỉ đạt 758 tỷ đồng với tổng diện tích trên 9.000ha. Trong đó, riêng tỉnh Lâm Đồng đã chiếm tới gần 700 tỷ đồng, các tỉnh còn lại dư nợ đạt rất ít và tỉnh Kon Tum thì không phát sinh dư nợ.
Dư nợ cho vay phát triển cà phê toàn quốc đến hết quý I:
48.192 tỷ đồng là tổng dư nợ, với 340.000 khách hàng, trong đó dư nợ khu vực Tây Nguyên chiếm 39.179 tỷ đồng.
Tại hội nghị, hàng loạt khó khăn, vướng mắc khiến doanh nghiệp, nông dân không thể tiếp cận gói tín dụng 12.000 tỷ đồng đã được chỉ ra, như không được giải ngân trọn gói một lần tổng tiền được vay; lãi suất không ưu đãi; giá trị tài sản được thẩm định cho vay thấp; cách thức tái canh theo hình thức “cuốn chiếu” của nông dân không phù hợp với quy trình tái canh cà phê của Bộ NNPTNT...
Ông Đồng Văn Quảng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đề nghị: “Quá trình tái canh cây cà phê cần đầu tư chi phí lớn cùng thời gian tái canh lâu. Mặc dù đã được các tổ chức tín dụng cho vay vốn với mức lãi suất 6,5%, nhưng thực tế các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn này do những thủ tục hoặc những yêu cầu của ngân hàng”.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết quý I.2016, dư nợ cho vay phát triển cà phê toàn quốc đạt khoảng 48.192 tỷ đồng, trong đó dư nợ tại 4 tỉnh trọng điểm sản xuất cà phê tại Tây Nguyên (Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng) đạt 39.179 tỷ đồng (chiếm 81,29%) và các tỉnh Đông Nam Bộ đạt 6.608 tỷ đồng (chiếm 13,71%).
Xem xét đơn giản hóa thủ tục cho vay
Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhìn chung việc đầu tư vốn tín dụng đối với ngành cà phê đã đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho sản xuất, thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê của các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng thừa nhận, đề án tái canh cà phê mới chỉ hỗ trợ tín dụng đối với những diện tích nằm trong quy hoạch, trong khi các tỉnh Tây Nguyên mới chỉ có quy hoạch chung, chưa có quy hoạch chi tiết nên không có căn cứ để phê duyệt phương án cho vay.
Ghi nhận những ý kiến và đề xuất trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương phối hợp chặt chẽ với ngân hàng và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân biết chương trình tín dụng tái canh cà phê; đối với ngân hàng cần xem xét, đơn giản thủ tục, điều kiện cho vay, hạ mức lãi suất xuống thấp hơn. Đồng thời chỉ đạo Cục Trồng trọt có kế hoạch cụ thể hỗ trợ giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch đối với chương trình tái canh cà phê; tăng cường quản lý chất lượng giống, phân bón, hướng dẫn chuyển giao công nghệ, kỹ thuật nhằm tăng năng suất và chất lượng cà phê…
Có thể bạn quan tâm
Xâm nhập mặn không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng đến cây lúa, cây ăn trái, rau màu... mà còn làm cho cây lục bình (bèo tây) ở tỉnh Hậu Giang chết rụi, đẩy hàng trăm hộ dân lâm vào cảnh khốn đốn.
Từ sự xuất hiện của một nhà yến ở ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh vào năm 2003 đã đặt dấu son cho nghề nuôi chim yến trên cả nước.
Theo nguồn tin riêng của NTNN, ngoài Ninh Bình có diện tích lúa bị thiệt hại, mới đây tại hai huyện của TP.Hải Phòng là Thủy Nguyên và Tiên Lãng cũng đã xuất hiện hiện tượng lúa bị trắng bông bất thường.