Giống Cỏ VA06
Cỏ VA06 cho năng suất, chất lượng cao, khẩu vị ngon, có khả năng chịu rét, chịu hạn tốt nên có thể trồng trên đất có độ dốc cao. Cỏ VA06 có thể cho năng suất 500 tấn /ha/năm
Giống cỏ này đã được đưa vào trồng ở một số địa phương trong tỉnh như: Văn Chấn, Trấn Yên, Trạm Tấu, thành phố Yên Bái… đều cho năng suất từ 350 đến 400 tấn/ha và gia súc rất thích ăn.
1. Thời vụ trồng:
- Tốt nhất là trồng vào vụ xuân (bắt đầu từ tháng 2 đến tháng 4) hàng năm, Ngoài ra, có thể trồng VA06 vào bất cứ mùa nào, khi có mưa.
- Riêng 2 huyện vùng cao là Trạm Tấu, Mù Cang Chải thời vụ tốt nhất vào mùa mưa từ tháng 5 - 7 (không trồng được vụ xuân vì thời tiết khô hanh).
2. Chuẩn bị đất để trồng:
- Cày vỡ đất ở độ sâu 20 cm, sau đó bừa và cày đảo (cày 2 lần) làm sạch cỏ dại và san phẳng đất.
- Trên đất bằng, nên lên luống để tiện cho việc chăm sóc và tưới tiêu nước.
- Trồng trên đất dốc, phải trồng theo đường đồng mức hoặc trồng theo hốc.
3. Chuẩn bị hom giống:
- Chọn cây thành thục đạt 6 tháng tuổi, khoẻ mạnh không sâu bệnh, bóc hết lá bẹ ở mầm nách (cây bánh tẻ).
- Dùng dao sắc cắt thành từng đoạn, cắt nghiêng mỗi đoạn một mắt, trên mỗi mắt có một mầm nách.
- Đoạn thân trên của mắt ngắn hơn, đoạn thân dưới của mắt dài hơn, để tăng tỷ lệ sống. Sau đó, xoa tro bếp vào vết cắt, hom xử lý đến đâu thì trồng ngay đến đó để tránh mất nước.
4. Mật độ trồng:
- Nếu trồng làm thức ăn gia súc: trồng với khoảng cách hàng cách hàng 60 - 70cm, cây cách cây 40 - 50 cm; mật độ 40.000 - 45.000 hom/ha.
- Nếu trồng để làm giống: trồng với khoảng cách là hàng cách hàng 1m, cây cách cây 70 - 80cm; mật độ 12.000 - 15.000 hom/ha
- Nếu trồng làm hàng rào, trồng để chống xói mòn trên đất dốc thì nên trồng dày với khoảng cách cây cách cây 33 - 35 cm; hàng cách hàng 40 cm, mật độ 100.000 hom/ha.
5. Phân bón:
+ Bón lót: lượng phân bón lót/1ha như sau: Phân chuồng hoai mục: 30 tấn; Supe lân: 3 tấn (bón lót toàn bộ theo hàng rạch)
Bà con lưu ý: Nếu không có phân chuồng thì mỗi hốc bón 100 gam phân hỗn hợp cùng với 100 gam supe lân; phân bón phải được trộn đều dưới đáy hốc để tăng khả năng đẻ nhánh.
+ Bón thúc: Dùng phân Urê lượng 500 - 600 kg/ha (Chia đều để bón thúc sau mỗi lần thu hoạch).
6. Cách trồng:
Cách 1: Trồng dưới rãnh.
- Rạch rãnh sâu 14 cm, rộng 20 cm, hàng nọ cách hàng kia 60 - 65 cm. Sau đó, đưa các loại phân bón lót xuống rãnh và phủ một lớp đất mịn dày 7cm, rồi nén nhẹ.
- Đem hom đã chuẩn bị sẵn đặt vào lòng rãnh, đặt hom nọ cách hom kia từ 40 - 50cm, đặt theo độ nghiêng 45 độ hoặc đặt hom nằm ngang dưới rãnh.
- Cuối cùng, phủ lớp đất mịn dày 7cm lên phía trên mầm.
Cách 2: Trồng theo hốc:
- Trên ruộng, trồng cuốc hố theo khoảng cách hốc nọ cách hốc kia 40 - 50 cm.
- Nếu trồng trên đồi thì các hốc phải trồng so le theo hình nanh sấu và cách đặt hom như phương pháp trên.
7. Chăm sóc:
- Sau khi trồng, tưới nước giữ ẩm và nếu khuyết cây thì phải trồng bổ sung để đảm bảo tỷ lệ sống đạt trên 98% đạt mật độ 30.000 - 45.000 cây/ha.
- Sau khi trồng 1 tháng, làm cỏ xới xáo và bón mỗi gốc 10 gam đạm Urê.
- Làm cỏ lần 2 sau khi trồng 2,5 tháng và bón mỗi gốc 25 gam đạm Urê, đồng thời vun gốc để cây khỏi đổ, vì đây là thời kỳ cỏ phát triển nhanh nhất.
- Nếu gặp khô hạn thì 1 tuần phải tưới nước 1 lần, nhưng không để đọng nước.
- Vào mùa mưa phải tiêu, thoát nước kịp thời.
- Sau mỗi lần cắt 2 ngày thì phải xới xáo và bón thúc 1 lần và mức bón là 300 - 350 kg đạm urê/ha để nâng cao năng suất.
- Trước khi vào vụ đông, nên bón 1 lần phân chuồng nhằm đảm bảo mầm qua đông và tái sinh được tốt.
- Phòng trừ sâu bệnh: giữ vườn cỏ thông thoáng, nếu phát sinh sâu bệnh thì dùng các biện pháp phòng trừ sinh học, hết sức tránh dùng thuốc hoá học.
8. Cách thu hoạch và sử dụng cỏ:
- Thời vụ cắt vào các tháng 4 đến tháng11 hàng năm, cứ sau 20 - 40 ngày cắt một lần.
- Nếu cho gia súc ăn thì cắt lúc cỏ cao 130 -170 cm, mỗi năm cắt 5-6 lứa.
- Nếu nuôi cá, lợn thì có thể cắt lúc cỏ cao 80 - 100 cm, mỗi năm cắt 7-10 lứa.
- Cách cắt như sau: dùng dao sắc cắt nhẹ tay, cắt cách mặt đất 15 cm; không cắt quá thấp để tránh ảnh hưởng xấu đến tái sinh, tránh cắt vào ngày mưa vì dễ gây sâu bệnh.
*Cỏ VA06 có khả năng lưu gốc rất tốt, trồng 1 năm có thể thu liên tục 6 - 7 năm.
Có thể bạn quan tâm
Trạm Khuyến nông huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) vừa thành công trong việc nhân giống chuối già lùn bằng phương pháp nuôi cấy mô, khắc phục được tình trạng bị thoái hóa giống, góp phần nâng cao năng suất trên cùng một diện tích đất canh tác.
Dalat FBIO đã nhân giống cây tre thành công bằng kỹ thuật invitro (nuôi cấy mô trong ống nghiệm) và xuất khẩu sang các nước.
Bưởi Quế Dương được mọi người biết đến với hương vị ngọt, không the đắng. Quả bưởi có dạng hình cầu, vỏ màu vàng, nhẵn, khối lượng quả trung bình đạt 1.200 - 1.400g. Múi bưởi đều, dài 9 - 10 cm, dày từ 3 - 4 cm. Tôm bưởi lúc mới thu hoạch tương đối ráo và mọng nước, nhưng khi để lâu hơi bị ướt.
TL-6 được Trung tâm Lúa lai tạo và chọn lọc, đã đưa khảo nghiệm so sánh từ vụ mùa 2006 ở Thái Bình trong mạng lưới khảo nghiệm hẹp. Đánh giá qua 3 vụ khảo nghiệm đây là giống chất lượng, năng suất cao và chống chịu tốt nhất cả ở 2 vụ xuân và mùa. Thời gian sinh trưởng, TL-6 là giống lúa cảm ôn, ngắn ngày, từ gieo đến trỗ tương đương Q5. Vụ xuân 130-135 ngày, vụ mùa 105-110 ngày. Dạng cây đứng, khả năng đẻ nhánh trung bình, đẻ nhánh gọn, cứng và sóng cây, chiều cao trung bình trên dưới 100cm, cao hơn BT-7. Dễ phân biệt được với BT-7 và giống hạt nâu khác trong cùng điều kiện canh tác.
Nhà cung ứng, đơn vị chuyển giao khoa học kỹ thuật và bà con nông dân đều tỏ rõ sự phấn chấn, hồ hởi bởi kết quả sản xuất thử giống lúa lai mới Nam ưu 603 tại Thái Nguyên.