Giải pháp thâm canh điều bền vững
Do biến đổi khí hậu, thời tiết, sâu bệnh, năm 2017, năng suất điều Việt Nam chỉ đạt bình quân 7,55 tạ/ha. Trong khi đó, diện tích chung cả nước cũng giảm từ 440.000ha xuống còn 290.000ha.
Một mô hình thâm canh điều hiệu quả tại xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, Bình Phước
Nhằm giúp ngành điều Việt Nam phát triển bền vững, duy trì vị thế số 1 thế giới, vừa qua, tại "thủ phủ” điều Bình Phước đã diễn ra diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp, bàn biện pháp thâm canh cây điều bền vững.
Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh tổ chức với sự tham dự của các các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu Việt Nam về điều, Hiệp hội Điều Việt Nam, doanh nghiệp SXKD ngành hàng điều cùng hơn 200 hộ nông dân đại diện cho 7 tỉnh có diện tích trồng điều lớn vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Báo cáo tại diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi, Q. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Dự kiến sản lượng điều nhân năm 2018 đạt 354,8 ngàn tấn, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu chế biến, xuất khẩu. Giống điều địa phương trồng bằng hạt chiếm 61,4%; diện tích điều già cỗi, sâu bệnh, sinh trưởng kém, năng suất thấp chiếm khoảng 80.000ha ở khu vực Đông Nam Bộ. Diện tích điều giống mới trên toàn quốc mới đạt 32,3%. Tại Bình Phước, việc chăm sóc, thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào vườn điều chỉ đạt 45% và 1/3 diện tích là điều già trên 20 năm tuổi nên nguy cơ nhiễm bệnh cao, năng suất thấp cần phải tái canh.
Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Hiệp hội Điều Việt Nam đã chỉ ra một trong những nhiệm vụ cấp bách và thiết thực để nâng cao năng suất, chất lượng điều ở quy mô lớn là áp dụng kỹ thuật thâm canh tổng hợp, bao gồm tỉa cành, tạo tán, bón phân và bảo vệ thực vật cho cây điều.
Song song đó là chủ động ứng phó với biến đối khí hậu, áp dụng khoa học công nghệ trong tưới nước tiết kiệm thâm canh vườn điều.
Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn nữa vào nghiên cứu khoa học công nghệ, đồng thời quan tâm đúng mức về chính sách, nhất là mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân.
Để đạt mục tiêu đến năm 2020 cả nước duy trì ổn định 300 ngànha điều, sản lượng 450 ngàn tấn, các đại biểu nhấn mạnh cần tái canh và ghép cải tạo 60 ngàn ha. Giải pháp đưa ra là đẩy mạnh thâm bằng cách dọn vườn, bón phân, kiểm tra vườn thường xuyên để phòng trừ sâu bệnh kịp thời; tái canh trồng mới bằng kỹ thuật mới và giống tốt; ứng dụng giống điều ra bông sớm, ra nhiều đợt trong một vụ; áp dụng tưới nước tiết kiệm, xen canh, bón phân, sử dụng các chế phẩm sinh học...
Bên cạnh đó cần phát triển ngành điều theo hướng tập trung, chuyển đổi từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ sang hướng liên kết với quy mô lớn. Cùng với việc xây dựng và hỗ trợ các hợp tác xã sản xuất, chuyên canh cây điều, các đơn vị cũng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, liên kết với người trồng điều để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm và tạo vùng nguyên liệu bền vững.
Ông Phạm Văn Đẩu (bìa trái), chuyên gia cây điều Việt Nam giới thiệu về thâm canh điều bền vững tại xã Tân Lập, Đồng Phú, Bình Phước
Tại diễn đàn, nhiều nông dân trồng điều lâu năm đã có những chia sẻ tâm huyết, những trăn trở thiết thực về cây điều như làm sao để hạn chế thiệt hại do ảnh hưởng biến đổi khí hậu, thời tiết, sâu bệnh, phương áp chăm sóc cụ thể tại từng vùng trồng, từng loại giống, đối phó sâu ệnh hiệu quả thế nào, chính sách hỗ trợ, vay vốn, chế biến, đầu ra sản phẩm…
Theo TS. Trần Văn Khởi, để thâm canh, phát bền vững cây điều, khuyến cáo bà con trồng giống điều mới, nguồn cung cấp giống đảm bảo, tin cậy, áp dụng các kỹ thuật thâm canh, tái canh, thực hiện tái canh hoặc thâm canh phục hồi theo quy trình kỹ thuật cụ thể của các cơ quan chuyên ngành; tổ chức sản xuất theo hình thức chuỗi liên kết ngành hàng điều; Thành lập các THT, HTX kiểu mới để tăng khả năng tiếp cận với tiến bộ kỹ thuật, vay vốn, xây dựng thương hiệu, vùng nguyên liệu, tiến tới sản xuất điều có chứng nhận nhằm nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm điều. Đẩy mạnh công tác tư vấn kỹ thuật cho nông dân về giống, canh tác, phòng chống dịch hại... tư vấn thị trường; Hỗ trợ thành lập hợp tác xã kiểu mới, câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất điều; đặc biệt là các tỉnh tham gia dự án thâm canh điều giai đoạn 2019-2021.
“Hiện Bộ NN-PTNT đã chấp thuận chủ trương dự án thâm canh phát triển cây điều giai đoạn 2019 – 2021. Do đó, bên cạnh những chính sách của nhà nước đối với cây điều thì những giải pháp được bàn thảo tại diễn đàn này phải từng bước đi vào thực tế. Để làm được điều này, cần sự chung tay của ngành nông nghiệp các tỉnh; sự tiếp sức kịp thời, đầu tư rõ ràng của các địa phương và trên hết là những nhà vườn – người trực tiếp sản xuất, chú trọng việc chăm sóc, thâm canh cây điều hợp lý”, TS. Trần Văn Khởi.
Có thể bạn quan tâm
Cây điều khá dễ trồng, vừa không kén đất, phù hợp với điều kiện địa hình đất dốc và khô hạn. Chi phí trồng điều cũng như công chăm sóc lại không đòi hỏi cao
Sâu đục thân gốc và cành là một loại xén tóc, có vòng đời dài cả năm, sâu đục vào thân cành, gây hại nghiêm trọng trên các vườn điều già cỗi, trồng dầy, rậm rạp
Hiện nay, cây điều đang trong thời kỳ rụng lá, ra hoa và chuẩn bị đậu trái, đây là giai đoạn cây rất mẫn cảm với điều kiện thời tiết cũng như các đối tượng dịch