Giải Pháp Phát Triển Cá Tra Bền Vững?
Khi cá tra ở ĐBSCL đang tăng giá trở lại, một số DN có vùng nuôi cá tra riêng dư thừa nguyên liệu, thì nhiều DN khác thiếu, phải đi mua lại.
Nghị định 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ (về nuôi, chế biến XK sản phẩm cá tra) đã ban hành được kỳ vọng sẽ chấn chỉnh ngành hàng cá tra tìm lại đúng giá trị đã từng có. Nhưng hiện thời người nuôi cá và các DN chế biến XK cho rằng, dù cá tra có tăng giá chỉ là nhất thời...
Thiếu cá, giá tăng
Trong những ngày qua cá tra ở ĐBSCL tăng giá trở lại, do một số nhà máy cần nguyên liệu đưa giá thu mua lên 24.000-24.500đ/kg. Tuy nhiên, vào thời điểm này chỉ có lợi cho người nuôi cá liên kết gia công hoặc nuôi theo hợp đồng bán cho các nhà máy chế biến. Trong khi đó không ít người từng có ao nuôi cá tra trước đây khoanh tay ngồi nhìn vì nợ nần, cạn vốn.
Bên cạnh một số DN có vùng nuôi cá tra riêng dư thừa nguyên liệu, thì nhiều DN khác thiếu, phải đi mua lại. Một người phụ trách bán cá của một DN có vùng nuôi cá hàng chục ha trên các cù lao sông Hậu giải thích: Nhờ có vùng nuôi lớn nên DN hạ thấp được chi phí “đầu vào” như thức ăn, thuốc thú y thủy sản.
Cá tới lứa đúng size (cỡ) thu hoạch chuyển về nhà máy chế biến như một vòng khép kín cho tới XK. Tuy vậy, hiện nay việc bán lại cá nguyên liệu cho các nhà máy khác là do lượng cá đang dư thừa. Dù bán 23.000 đ/kg vẫn còn lãi 2.000 đ/kg. Hơn nữa, vào thời điểm này giá cá tra XK chưa cao để có lãi hấp dẫn. Do đó bán cá nguyên liệu tính ra có lợi, bởi vì nếu thu hoạch đưa vào nhà máy SX chế biến và XK phải mất tới 5-6 tháng sau mới thu được tiền về, chưa chắc có lãi cao hơn...
Những năm đỉnh cao, ĐBSCL có vùng nuôi cá tra mở rộng có lúc vượt trên 6.000 ha. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, từ đầu năm đến nay vùng nuôi cá tra tại 8 tỉnh ĐBSCL tự co hẹp còn trên 3.051 ha. Trong đó, các DN có nhà máy chế biến tự đầu tư vùng nuôi riêng chủ động nguyên liệu chiếm khoảng 50% và nguồn cung của phần còn lại từ các chủ trang trại nuôi gia công hoặc theo hợp đồng với các DN.
Số hộ dân nuôi cá riêng lẻ bán theo kiểu “chạy chợ” trước đây còn tồn tại rất ít. Mặc dù trong bối cảnh như thế, vùng nuôi thu hẹp, sản lượng cá tra nguyên liệu giảm và đôi khi thiếu hụt, song trong suốt cả năm giá cá tra nguyên liệu vẫn chưa vượt qua mức 25.000 đ/kg.
Tự điều chỉnh, sắp xếp
Thị trường cá tra đang tự sắp xếp, điều tiết. Có thể nhận thấy về phía người nuôi, mô hình HTX nuôi liên kết với DN là một hướng khởi đầu. Ông Nguyễn Ngọc Hải - Chủ nhiệm HTX Thới An (quận Ô Môn, Cần Thơ) cho rằng: Hiện nay HTX Thới An cũng như một số trại nuôi cá tư nhân khác còn duy trì hoạt động SX là nhờ vào mối quan hệ gắn kết với DN chế biến thủy sản nào đó để đảm bảo khâu tiêu thụ.
Tuy lợi nhuận không nhiều như trước, nhưng người nuôi cá an tâm SX. HTX Thới An có 20 xã viên, với 10,5 ha mặt nước, nuôi theo phương thức gia công, DN khoán cho HTX: Con giống, thức ăn, thuốc thủy sản phòng trị bệnh và công nuôi. Từ đầu năm đến nay nuôi đạt sản lượng 3.200 tấn. Tuy có giảm so 1.800 tấn so cùng kỳ năm 2013, nhưng có lãi ổn định mức 1.000-1.500đ/kg.
Nhu cầu thị trường XK cá tra tại các nước EU và nhiều nước khác thời gian qua vẫn ổn định và không sụt giảm. Vùng nuôi có giảm sản lượng chút ít, bù lại các DN có dịp bán hàng trữ đông. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng cách làm của các DN vẫn như cũ, chưa có gì mới nên chưa thể đẩy giá XK tăng lên được.
Theo một vị giám đốc, vừa qua DN của ông và một số DN XK cá tra chào hàng với sản phẩm cá tra phi lê không mạ băng, không tăng trọng, nhưng chưa có nhiều khách hàng mua. Điều này cho thấy muốn sản phẩm cá tra phục hồi trở lại đúng giá trị thật không dễ “một sớm một chiều” làm được, nên rất cần vai trò quản lý của Nhà nước.
Trước mắt cần khuyến cáo chấm dứt tình trạng DN xây nhà máy chế biến tràn lan, kiểm soát dòng vốn ngân hàng cho vay vào ngành hàng cá tra tương ứng đúng với nhu cầu SX và sản lượng cá tra XK; đồng thời có sự phối hợp các địa phương quy hoạch và kiểm tra vùng nuôi cá tra đáp ứng theo nhu cầu DN.
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/giai-phap-phat-trien-ca-tra-ben-vung-post135194.html
Có thể bạn quan tâm
Ông Trần Văn Kế, ngư dân xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên - An Giang), cho biết, khoảng một tuần nay, giá cá chim trắng chỉ còn 16.000 đồng/kg - mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Thấy cá rớt giá, nhiều hộ đổ xô bán để cắt lỗ, thương lái lợi dụng tình trạng này “ép giá” ngư dân.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, tình hình nuôi trồng thủy sản trong tháng 9 tương đối ổn định, khai thác biển thuận lợi. Giá bán các loài thủy sản nuôi ổn định: giá cá điêu hồng thương phẩm tăng nhẹ, người nuôi có lãi nhưng giá cá tra tiếp tục ở mức thấp làm cho người nuôi gặp rất nhiều khó khăn.
Được thành lập từ năm 2010, đến nay, HTX nuôi trồng thủy sản Phú Thọ (xã Quảng Phú) đã nổi lên là một điểm sáng về phát triển kinh tế của huyện Lương Tài (Bắc Ninh) với nhiều mô hình cho doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Việc thành lập các HTX thủy sản như vậy được kỳ vọng sẽ tạo ra chuyển biến tích cực để phát huy tiềm năng thủy sản của vùng đất này.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh) căn cứ kết quả 2 lần phân tích ban đầu, có thể xác định sơ bộ một trong những nguyên nhân làm cá, tôm chết và nổi đầu trên kênh xáng Xà No (Hậu Giang) vừa qua là do nguồn nước bị thiếu oxy, nước có pH thấp, nhất là nguồn nước đang bị ô nhiễm nặng của chất hữu cơ từ rơm, rạ.
Mặc dù diện tích nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ năm nay có giảm so với năm trước, nhưng các hộ nông dân thuộc các xã: Mỹ Thọ, Phương Trà, Bình Hàng Trung, Gáo Giồng và Ba Sao của huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) vẫn duy trì mô hình này. Đa phần nông dân nuôi cá trên ruộng lúa khi hết vụ lúa hè thu hoặc sau 3 vụ lúa, tận dụng gốc rạ, lúa chét và mùa nước để thả cá vào ruộng.