Giải Pháp Hạ Giá Thành Sản Xuất Lúa

Trước tình hình giá lúa thấp và bấp bênh, nhiều nông dân trồng lúa trong tỉnh Hậu Giang đã dần thay đổi tập quán sản xuất, áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật nhằm giảm giá thành sản xuất, tăng lợi nhuận.
Trong những năm gần đây, ngành nông nghiệp tỉnh không ngừng tuyên truyền, vận động người dân thay đổi dần tập quán sản xuất cũ, áp dụng một số chương trình canh tác mới nhằm mang lại lợi nhuận cao hơn. Điển hình như: mô hình “1 phải, 5 giảm”, “3 giảm, 3 tăng” hay “mô hình IPM”,… Trong đó, mô hình “1 phải, 5 giảm” được bà con cho là phương pháp tối ưu nhất hiện nay trong quá trình làm giảm giá thành sản xuất lúa.
Theo đó, “1 phải” là phải sử dụng giống xác nhận; còn “5 giảm” gồm: giảm lượng hạt giống, giảm lượng phân đạm bón thừa, giảm thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), giảm lượng nước tưới và giảm tổn thất sau thu hoạch. Một trong 5 biện pháp “giảm” làm nông dân cảm thấy tâm đắc đó là việc giảm lượng lúa giống gieo sạ. Bởi, giảm được giống sẽ kéo theo giảm các khâu còn lại.
Đang phun thuốc trừ bệnh trên 1ha lúa của gia đình, anh Nguyễn Văn Sơn, nông dân ở ấp 3, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho biết: “Khi gieo sạ, tôi thường chọn giống xác nhận. Trước đây, mỗi lần sạ tốn khoảng 20kg lúa giống cho 1 công đất thì nay áp dụng sạ hàng giảm xuống chỉ còn từ 10-12kg.
Giảm được lúa giống đáng kể mà năng suất từ bằng đến cao hơn so với cách gieo sạ truyền thống”. Anh Sơn nhẩm tính, lúa giống xác nhận mỗi ký khoảng 12.000 đồng, giảm được 10kg cho mỗi công thì tôi dư ra khoảng 120.000 đồng, với 1ha thì tiết kiệm được khoảng 1,2 triệu đồng. Ngoài ra, khi sạ hàng, mật độ cây thưa, chân lúa trống nên rất ít sâu bệnh, không phải tốn nhiều lần phun thuốc phòng ngừa hay điều trị, từ đó giảm sử dụng thuốc BVTV.
Sau khi được tập huấn về chương trình “1 phải, 5 giảm” do Chi cục BVTV tỉnh tổ chức, anh Sơn thấy đây là mô hình có nhiều cách làm hay, dễ thực hiện và mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Chính vì vậy, đây là vụ thứ 5 anh áp dụng theo mô hình này thay cho cách làm cũ. Trước đây, khoảng 10 ngày là anh Sơn lại đến đại lý thuốc BVTV mua thuốc phun xịt cho lúa 1 lần, nhưng từ khi áp dụng mô hình, anh thường xuyên thăm ruộng, khi thấy cây lúa có dấu hiệu nhiễm bệnh mới mang thuốc ra phun xịt. Về cách bón phân cũng tiến bộ hơn.
Hồi trước thấy lúa có dấu hiệu màu ngà ngà là đem phân ra rải kích thích cho cây xanh mướt, làm như vậy, cây lúa rất dễ thừa phân, dư đạm và tốn chi phí. Rút kinh nghiệm, anh Sơn đã giảm lượng phân để cân bằng cho cây lúa khỏe là được. Điều này rất có ý nghĩa trong việc giảm chi phí sản xuất, vì hiện nay phân bón, thuốc BVTV không ngừng tăng giá.
Giống như anh Sơn, nông dân Lê Văn Liệp, ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A cũng là người đã ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong nhiều vụ lúa qua tỏ ra khá hài lòng khi nói đến tiến bộ kỹ thuật này: “Nông dân ai cũng muốn có hiệu quả kinh tế trên đồng ruộng của mình và tôi cho rằng, “1 phải, 5 giảm” cho lợi ích rất cao.
Đặc biệt mỗi vụ tôi giảm được 2-3 lần phun thuốc BVTV, tương đương với giảm hơn 10 lít dầu, do mỗi lần xịt thuốc phải bơm nước, từ đó tiết kiệm vài trăm ngàn đồng, chưa tính tiền công mướn phun xịt. Nếu làm đúng như các chú kỹ sư hướng dẫn thì lúa sẽ ít bị thất thoát, đổ ngã. Chỉ tính riêng khoản này cũng bỏ túi thêm cả triệu đồng”.
Theo Chi cục BVTV tỉnh, khi áp dụng các mô hình sản xuất theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, nông dân sẽ được hưởng nhiều mặt lợi: giảm lượng lớn lúa giống gieo sạ so với tập quán cũ; còn lượng phân bón, trên cơ sở bảng so màu lá lúa và chủ yếu dùng các loại phân đơn, bón đầy đủ, cân đối, hợp lý đúng theo từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa nên giảm được 28-35kg phân đạm/ha. Áp dụng theo phương pháp IPM, tuyệt đối không phun thuốc định kỳ, phun ngừa theo tập quán... thì nông dân đã giảm ít nhất 2 lần phun/vụ.
Đối với nước tưới thì sử dụng điều tiết theo nhu cầu sinh trưởng từng giai đoạn của cây lúa nên mỗi héc-ta giảm được 2.372-3.000m3 nước/vụ. Khuyến cáo nông dân thu hoạch khi lúa đúng độ chín khoảng 85-90% bằng máy gặt đập liên hợp, do vậy đã giảm được thất thoát gần 4% so với thu hoạch thủ công. Chi phí thấp, năng suất cao nên chênh lệch lãi cao hơn so với những ruộng làm theo tập quán cũ từ 7-10 triệu đồng/ha.
Qua thống kê, trung bình mỗi vụ sản xuất, toàn tỉnh có khoảng 70.000ha đất canh tác lúa, trong đó có khoảng 20% áp dụng theo các mô hình tiết giảm chi phí theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp. Mỗi năm, Chi cục BVTV tỉnh phối hợp với các địa phương mở từ 200 - 250 lớp tập huấn cho nông dân là thành viên các câu lạc bộ, tổ nhân giống, khuyến nông và bà con trong cánh đồng mẫu lớn, mỗi lớp có khoảng 30 học viên.
Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh Trần Ngọc Thể cho rằng: Các mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật như: “3 giảm, 3 tăng” hay “1 phải, 5 giảm” được ngành nông nghiệp triển khai, khuyến cáo đến nông dân trên địa bàn tỉnh khoảng 10 năm nay. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, khi giá cả vật tư tăng vọt, trong khi giá lúa ở mức thấp thì việc phát huy vai trò của các chương trình này là rất quan trọng. Nó giúp tiết kiệm được khoản tiền khá lý tưởng và quan trọng hơn còn giúp cây trồng phát huy tối ưu về năng suất, đặc biệt là hạn chế sâu bệnh trước tình hình thời tiết bất lợi như hiện nay...
Có thể bạn quan tâm

Cá vừa mới thả nuôi bỗng chết không rõ nguyên nhân, khiến hơn 40 hộ dân nuôi cá trắm cỏ trong lồng tại xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh - Quảng Ngãi) điêu đứng. Cá chết, bao nhiêu vốn liếng của người dân phút chốc tan tành…

Hơn 60 mùa xuân của cuộc đời, về hưu đã gần 4 năm nay, ông Nhâm Sỹ Tiến, nguyên Trưởng phòng Văn nghệ, Ðài Phát thanh - Truyền hình Thái Bình đã không chịu yên phận, trở về quê hương xã Ðông Á (Ðông Hưng) làm giàu bằng mô hình chăn nuôi lợn gia công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Thái Lan, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Chỉ trong tháng đầu tiên của năm 2014, cả nước đã có 2 ca tử vong do nhiễm cúm gia cầm H5N1. Cùng với đó, virus cúm A/H7N9 cũng đang rình rập xâm nhập nước ta khi số người mắc cúm A/H7N9 tại một địa phương của Trung Quốc giáp với biên giới Việt Nam đang gia tăng mạnh mẽ.

Chợ heo Bà Rén nằm nép mình bên đầu cầu Bà Rén, gần Quốc lộ 1A thuộc xã Quế Xuân (Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Hình thành từ những năm 1970, đây là một trong những chợ heo lớn nhất nước.

Dáng dấp chẳng khác gì những con ngựa lọc cọc kéo xe, thồ hàng ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, hay ngựa giải trí - thể thao dành cho du khách đến cao nguyên Đà Lạt, thế nhưng, những con ngựa ở Trại chăn nuôi Suối Dầu của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) - Bộ Y tế có một nét khác biệt vì chúng sinh trưởng chỉ để thực hiện sứ mệnh… hiến máu cứu người.