Trang chủ / Cây lương thực / Trồng lúa

Giải Pháp Diệt Lúa Bị Bệnh Vàng Lùn - Lùn Xoắn Lá Đơn Giản, Hiệu Quả

Giải Pháp Diệt Lúa Bị Bệnh Vàng Lùn - Lùn Xoắn Lá Đơn Giản, Hiệu Quả
Ngày đăng: 01/08/2013

Theo khuyến cáo của ngành chức năng, ở những ruộng bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, nếu tỷ lệ cây nhiễm bệnh cao thì phải tiêu hủy toàn bộ, còn ở mức trên dưới 10% thì được phép duy trì ruộng lúa nhưng phải nhổ tận gốc và chôn sâu xuống bùn. Từ trước đến nay, bà con phải loại bỏ cây lúa bệnh bằng biện pháp thủ công nên rất tốn thời gian, công sức.

Mới đây, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã đưa ra phương pháp mới, có thể diệt lúa bị bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hiệu quả, đơn giản.

Cái chụp và bình phun thuốc

Phó viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long Dương Văn Chín cho biết: “Chúng tôi vừa thử nghiệm một phương pháp đơn giản, rẻ tiền để góp phần diệt lúa nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hiệu quả. Chỉ với một bình phun thuốc cỏ triệt sinh, có thể diệt từng cây lúa bệnh mà không ảnh hưởng đến các cây xung quanh”.

Để áp dụng theo phương pháp này cần thiết kế cái chụp hình nón rỗng, đầu bằng kim loại nhẹ (tôn) có bề dày 0,8mm, đường kính đáy trên 15cm, đáy dưới 20cm, cao 70cm. Cần xách tay của chụp kết nối với một bình xịt thuốc thông thường được tắt mở bằng rơ - le điều khiển.

Các nghiên cứu cho thấy, thuốc diệt cỏ triệt sinh paraquat (Gramoxon, Agamaxon, Cỏ cháy, Paraxon) gây chết nhanh nhưng không diệt được tận gốc khi cây lúa càng già. Ngược lại, glyphosate (Glyphosan, Carphosate, Manba...) lưu dẫn mạnh, diệt từ từ và triệt để tận gốc.

Cách nào phun diệt hiệu quả nhất

Kết quả nghiên cứu tại Viện Lúa ĐBSCL trong vụ hè thu 2008 cho thấy, với dung dịch glyphosate đơn thuần (nồng độ 6%o), thì 12 ngày sau khi phun (tức 42 ngày sau sạ), tỷ lệ tép lúa bị chết là 34,4%; trong khi dung dịch paraquat đơn thuần ở nồng độ 1%0 cho tỷ lệ 18,9%. Nghiệm thức phun dung dịch hỗn hợp glyphosate + paraquat cho tỷ lệ tép lúa chết là 60,7%.

Hỗn hợp glyphosate + paraquat và nitrogen dưới dạng urê đạt tỷ lệ chết cao nhất, 76,8%. Thật ra, 12 ngày sau sạ, tất cả lá và bẹ lá nhiễm thuốc đều chết khô và khả năng rầy nâu hút được nhựa các tép lúa có lõi còn xanh là rất thấp. Số tép lúa bị chết ở các nghiệm thức tương ứng quan sát lúc 26 ngày sau sạ lần lượt là 60,4%, 76,4% và 100%.

Theo ông Chín, trong khoảng thời gian 30 - 40 ngày sau sạ, việc rút nước cạn toàn bộ (cho đến khi mặt đất nứt chân chim) để giải độc đất và kích thích rễ mọc sâu (chống đổ ngã) kết hợp với phun diệt cây bị bệnh sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Thuốc diệt cỏ phát huy tác dụng trong điều kiện đất ẩm, tốt hơn so với đất ngập nước.

Cây lúa bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá vừa nhiễm thuốc diệt cỏ, vừa bị cây lúa khỏe xung quanh chụp lấn át sẽ chết nhanh và không còn cơ hội cho rầy nâu hút nhựa truyền bệnh đi nơi khác. Cây lúa von hoặc cây lúa cỏ gây hại trên ruộng cũng có thể diệt bằng phương pháp này.

Rầy nâu có hai cách gây hại chủ yếu. Thứ nhất là vào giai đoạn trổ đòng, khi sự cân bằng giữa thiên địch và côn trùng trong ruộng lúa bị phá vỡ: thiên địch yếu thế hơn, sự can thiệp của con người bằng thuốc hóa học không hiệu quả do không phun xịt được tận gốc vì lúa quá dày, tạo cơ hội cho rầy nâu phát triển với mật số cao, có khi lên đến vài ba chục ngàn con /m2, gây ra hiện tượng cháy rầy.

Cách gây hại thứ hai nguy hiểm hơn, xảy ra trong vòng 20 ngày đầu sau sạ: với quần thể rầy di trú từ các ruộng sắp thu hoạch, trong đó có một tỷ lệ cao (30 - 70%) số con mang mầm bệnh siêu vi trùng vàng lùn - lùn xoắn lá, nếu không gieo sạ tập trung đồng loạt để né rầy thì rầy này sẽ chích hút lúa non và truyền bệnh. Ruộng nhiễm nặng có thể dẫn đến thất thu hoàn toàn.

Vì vậy, bà con nên thăm đồng thường xuyên, phát hiện sâu bệnh và áp dụng phương pháp trên để diệt trừ lúa bị bệnh không phải tiêu hủy toàn bộ.


Có thể bạn quan tâm

Công nghệ mới ngăn chặn sự lây lan của virus hại lúa Công nghệ mới ngăn chặn sự lây lan của virus hại lúa

Sau 20 năm nghiên cứu, hai nhà khoa học Mỹ mới đây đã công bố, họ đã thành công trong việc tạo ra công nghệ mới ngăn chặn virus hại lúa lây lan...

12/07/2018
Bảo vệ vụ lúa hè thu theo hướng GAP Bảo vệ vụ lúa hè thu theo hướng GAP

Riêng một số bệnh do rầy nâu, rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh như bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, lùn sọc đen… chúng ta cần có biện pháp quản lý

19/07/2018
Xử lý giống trước khi gieo sạ Xử lý giống trước khi gieo sạ

Xử lý hạt lúa giống trước khi gieo sạ nhằm loại bỏ hết các tác nhân gây nên một số bệnh hại như bệnh lúa von, bệnh khô vằn, bệnh lở cổ rễ v.v...

19/07/2018
Tưới nước cho lúa xuân Tưới nước cho lúa xuân

Để đạt năng suất cao cho lúa xuân, ngoài việc bón phân cân đối thì khâu nước tưới đóng góp một phần không nhỏ cho kết quả này.

24/07/2018
Xu hướng bộc phát rầy Xu hướng bộc phát rầy

Sự gia tăng cao của mật số rầy hại lúa ngoài việc gây cháy rầy, còn dẫn đến tình trạng lây nhiễm một số bệnh do vi rút

30/07/2018