Giải Pháp Chống Hạn Cho Cây Trồng
Trên những vùng khô hạn, lượng mưa ít thì việc đảm bảo nguồn nước cung cấp cho cây trồng là điều cần thiết. Đối với cây thanh long nếu không đủ nước tưới thì năng suất giảm rõ rệt, cây cho trái nhỏ, chất lượng kém.
Vì vậy chị Đỗ Thị Thu An (Trung tâm Nghiên cứu phát triển cây thanh long - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã nghiên cứu thành công phương pháp tiết kiệm nước và phân bón cho cây qua ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp hạt polimer giữ ẩm, giúp nhiều diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh chống chọi với khô hạn và phát triển bền vững.
Chị An cho biết, polimer giữ ẩm là sản phẩm được tạo thành từ quá trình ghép acrylic vào tinh bột, có khả năng hút nước từ 300 - 350 lần, hạt giữ ẩm polimer giữ nước ổn định và không thể bị tách ra bởi áp lực đến 5 bar, tuy nhiên rễ cây lại dễ dàng lấy nước từ polimer. Vì vậy vật liệu giữ ẩm này thường được sử dụng trong những vườn ươm cây giống, vườn cây ăn trái, công viên, sân vận động...
Polimer thường được sử dụng phối hợp với các loại phân bón hóa học làm tăng hiệu quả của việc bón phân, thời gian hạt được lưu giữ trong đất khoảng từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên hiện các nhà vườn trong tỉnh vẫn chưa mạnh dạn sử dụng sản phẩm trên mà chủ yếu dựa vào hệ thống tích nước nhỏ giọt để giữ ẩm cho đất.
Vì thế khi một số hộ dân ở thôn Hiệp Lễ (Tân Thuận, Hàm Thuận Nam), thôn Đại Thiện 1 (Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) đồng ý ứng dụng giải pháp kết hợp tưới nhỏ giọt với bón hạt polimer giữ ẩm, nhiều bà con trong vùng khá tò mò và tỏ ra ái ngại, nhưng sau đó chính họ đã cho biết kết quả rằng, “Trước đây bình quân 3 ngày tưới thanh long một lần, lượng nước khoảng 60 - 80 lít/lần tưới/trụ. Còn khi thực hiện tưới nhỏ giọt kết hợp bón hạt polimer giữ ẩm, chỉ cần tưới 6 - 7 ngày/lần và lượng nước tưới giảm còn 20 - 30 lít/lần tưới/trụ, rất tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo năng suất”.
Theo chị An, với giải pháp trên bà con nông dân nên thực hiện ở những vùng đất có khả năng thoát nước tốt, không bị úng đọng trong vườn vào mùa mưa, đặc biệt là trên vùng đất cát pha giữ nước và phân bón kém. Lưu ý khi bón hạt polimer giữ ẩm cho gốc thanh long phải xới đất sâu 10 - 15cm, rộng 20cm quanh bồn cho tơi xốp. Rải polimer (50 - 60 gr/trụ) và trộn đều với đất.
Đối với các vòng dây tưới nhỏ giọt cho từng trụ trong vườn thanh long đã được lắp trước đó không áp dụng theo phương pháp thông thường là để trực tiếp dây trên mặt đất, mà phải thiết kế cho dây tưới cao cách mặt đất 20 - 30cm, nhằm tạo thuận lợi cho việc bón polimer, bón phân hữu cơ, ủ rơm, cắt cỏ; dễ dàng kiểm tra và phát hiện khi dây tưới có sự cố (tắc, nghẹt lỗ tưới).
Đồng thời với cách làm trên nhà vườn hoàn toàn chủ động trong việc chọn thời điểm bón phân, dễ dàng chia được nhiều lần bón, đặc biệt phân bón được hấp thụ vào polimer nhả dần cho cây sử dụng, giảm thiểu tối đa lượng phân bón bị thất thoát.
Diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh đang tăng cao, do vậy việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp hạt polimer là giải pháp hữu hiệu giúp nhà vườn trồng thanh long đối phó với khô hạn, qua đó tiết kiệm nước và công tưới, hạn chế cỏ dại, tiết kiệm phân bón, giảm lượng hóa chất thải vào môi trường do cây không sử dụng hết, phù hợp với sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Có thể bạn quan tâm
Cũng như nhiều hộ dân khác ở ấp 2, xã Mỹ Trà, thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành trước đây chỉ chuyên canh cây lúa. Đến năm 2011, Chi bộ ấp 2 vận động triển khai thực hiện mô hình trồng sen, đồng thời được chính quyền địa phương hỗ trợ về vốn và kỹ thuật, gia đình ông Nguyễn Ngọc Thành đã tham gia thực hiện mô hình xen canh lúa sen với diện tích 7.000 m2.
Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) là huyện chuyên sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện có 1.038 ha nuôi tôm thâm canh và 2.046 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến, trong đó, xã Phú Tân là xã chuyên ngư có 410 ha nuôi tôm thâm canh, 2006 ha nuôi tôm quảng canh cải tiến; xã Phú Đông có 280 ha nuôi thủy sản.
Những năm gần đây, nhiều bà con nông dân ở huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đã mạnh dạn cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn trái. Trong đó, xoài cát Hòa Lộc luôn được người dân ưu tiên lựa chọn.
Ngày 24.7, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) tổ chức thả 20 nghìn con cá giống điêu hồng tại 4 lồng bè nuôi cá thí điểm tại khu vực đập phụ, cửa xả nước Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc thôn 3, xã Trà Đốc).
Chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) là biện pháp đang được nhiều hộ chăn nuôi áp dụng trước tình hình các loại dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp. Những nguyên tắc đơn giản của phương pháp chăn nuôi ATSH có thể áp dụng đa dạng với quy mô từ nhỏ đến lớn.