Giải pháp cho ao nuôi thời điểm giao mùa
Thời tiết diễn biến thất thường là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh phát sinh và lây lan. Vì vậy, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp quản lý để hạn chế thiệt hại.
Ảnh: ST
An toàn sinh học
Cá giống trước khi thả nuôi cần được khử trùng để tiêu diệt mầm bệnh. Người nuôi có thể sử dụng một trong các biện pháp sau: Tắm cho cá trong dung dịch muối ăn nồng độ 2 - 3% trong thời gian 5 - 10 phút; Hoặc dùng thuốc tím (KMnO4) với nồng độ 0,001 - 0,002% (1 g thuốc tím hòa trong 50 - 100 lít nước sạch) tắm trong 10 - 20 phút; Hay cũng có thể dùng dung dịch CuSO4 nồng độ 0,5 - 0,7 g/m3 nước tắm cho cá trong vòng 20 - 30 phút.
Đối với tôm giống, cần lựa chọn tôm giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Đã được chứng nhận kiểm dịch của cơ quan có thẩm quyền nơi xuất và phải có phiếu xét nghiệm PCR âm tính đối với các loại bệnh virus.
Nguồn nước cấp vào ao nuôi phải đảm bảo là nước sạch, đã được xử lý bằng các biện pháp vật lý, hóa học. Nước trước khi cấp vào ao phải cho qua các túi lọc (kích cỡ khoảng 180 - 200 micron) để loại bỏ sinh vật mang mầm bệnh như giáp xác, ấu trùng, trứng cá. Lưu ý, cần có ao lắng với tỷ lệ khoảng 30% tổng diện tích ao để chủ động việc cấp nước.
Một yếu tố quan trọng nữa chính là kiểm soát hiệu quả quá trình vận chuyển (bao gồm con người và thiết bị sử dụng), vì những vật trung gian này có thể mang virus đến. Các dụng cụ, thiết bị (trừ thiết bị đo môi trường) đều phải được vệ sinh sạch sẽ và khử trùng bằng nước muối, formalin hoặc thuốc tím trước và sau khi sử dụng. Bởi sinh vật gây bệnh có thể theo dụng cụ lây lan bệnh từ ao này sang ao khác.
Kiểm soát môi trường
Vào những ngày cuối tháng 4 thường xuất hiện nhiều cơn mưa trái mùa và bất thường; điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến ao, hồ nuôi thủy sản. Nước mưa có tính axit vì vậy, khi một lượng lớn nước mưa xuống ao, hồ sẽ làm giảm độ pH ao nuôi. Do đó, người nuôi cần thường xuyên kiểm tra pH trong ao, nếu thấy pH chưa đạt ngưỡng thích hợp cần bón CaCO3 với lượng 15 - 20 kg/100 m2.
Trong ao nuôi, nhiệt độ thay đổi theo độ sâu của cột nước. Vào thời điểm này, khu vực ở tầng mặt, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm có thể lên đến 100C, thủy sản rất dễ bị sốc. Vì vậy, cần đảm bảo độ sâu thích hợp cho ao nuôi, tối thiểu là 1,2 m.
Khi nhiệt độ môi trường không khí và môi trường nước lên cao, hàm lượng ôxy hòa tan (DO) vào nước sẽ thấp, mức độ tiêu thụ ôxy của các loài thủy sinh vật trong ao tăng dẫn đến các hiện tượng thiếu ôxy trong nước. Do đó, cần đảm bảo DO ở ngưỡng thích hợp cho sự phát triển của động vật thủy sản nuôi. Tiến hành chạy quạt nước và sục khí liên tục để cung cấp ôxy trong ao. Đồng thời, người nuôi cần dự trữ thêm viên ôxy tức thời để phòng cho trường hợp thiếu ôxy khẩn cấp.
Tăng cường miễn dịch
Trong quá trình nuôi, cho thủy sản ăn với khẩu phần, chế độ hợp lý theo kích cỡ và mật độ thủy sản nuôi. Đồng thời lưu ý, vào các ngày nắng nóng, cần giảm lượng thức ăn khoảng 15 - 30%. Thường xuyên bổ sung Vitamin C, khoáng vi lượng để tăng đề kháng cho thủy sản. Định kỳ sử dụng men tiêu hóa trộn vào thức ăn giúp tăng cường khả năng tiêu hóa cũng như bảo vệ đường ruột cho thủy sản nuôi. Tuyệt đối không sử dụng các loại kháng sinh để phòng bệnh.
Định kỳ 10 - 15 ngày/lần sử dụng các loại chế phẩm sinh học để xử lý nước và đáy ao nuôi, liều lượng dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Cùng đó, hạn chế việc thay nước thường xuyên. Có thể dùng dầu mực để bao bọc thức ăn và thuốc tránh hiện tượng tan rữa nhanh trong môi trường nước. Tạo mùi hấp dẫn cho thủy sản bắt mồi nhiều. Liều dùng 10 g/kg thức ăn.
Ngoài ra, một số hợp chất như tỏi, tinh bột nghệ… cũng có thể làm chất tăng khả năng miễn dịch trên tôm. Trong tỏi có chứa chất Allicin, chất này có khả năng kháng khuẩn bằng 1/5 thuốc Peniciline và bằng 1/10 thuốc Oxytetracycline. Đối với cá, định kỳ 1 tháng/lần sử dụng 0,2 kg tỏi tươi giã nhuyễn trộn vào 10 kg thức ăn cho cá để tăng cường sức đề kháng cho cá, đặc biệt trong thời điểm chuyển mùa. Đối với tôm bị bệnh, người nuôi có thể dùng 1 kg tỏi giã nhỏ, trộn với 1 lít dầu thực vật đem nấu chín, sau đó trộn đều với thức ăn cho tôm. Lượng thức ăn này đủ cho 3 vạn con tôm ăn trong vòng 5 ngày. Nên trộn tỏi vào thức ăn cho tôm ăn một lần vào buổi tối vì đây là thời gian tôm lên ăn mạnh nhất. Cách 5 đến 10 ngày sau, cho tôm ăn thêm 1 chu kỳ 5 ngày thức ăn trộn tỏi nữa để tăng cường sức đề kháng.
Có thể bạn quan tâm
Màu đỏ của đuôi và cơ toàn thên ở tôm thẻ chín, sau khi cho ăn các hàm lượng HAX, SAX. Kết quả cho thấy HAX vượt trội hơn SAX
Để nuôi tôm được hiệu quả người nuôi nên triển khai phương pháp nuôi tôm 2 giai đoạn. Các hộ nuôi có điều kiện hoặc cần thiết xây dựng bể nổi ương tôm
Thời gian gần đây, mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh hai giai đoạn được khẳng định đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.