Giá tôm nguyên liệu giảm người nuôi tôm nặng lo

Theo các hộ nuôi tôm, những năm gần đây nuôi tôm mùa mưa (gọi là vụ nghịch) giá tôm bán ra sẽ cao hơn vụ đầu năm, nhưng hiện nay, giá tôm nguyên liệu lại thấp, như giá tôm sú tuy đã tăng lên 5.000 - 15.000 đ/kg so với tuần trước, nhưng so năm 2014 vẫn thấp hơn từ 15.000 – 50.000 đồng mỗi kg tùy cỡ tôm. Đối với tôm thẻ thấp hơn cùng kỳ năm ngoái mỗi kg từ 18.000đ – 35.000đ tùy loại, ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân và các đại lý thu mua.
Trong khi đó, xét về mức độ thiệt hại, diện tích tôm chết năm nay tương đương vụ 2 năm 2014. Hiện nay toàn tỉnh có 8.317 ha tôm nuôi bị thiệt hại, chiếm khoảng 25% diện tích thả nuôi, trong đó tôm sú thiệt hại 4.264,7 ha, tôm thẻ thiệt hại 4.052 ha, tập trung ở các huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, Thạnh Trị, Long Phú, TP Sóc Trăng và thị xã Vĩnh Châu. Con số thiệt hại chưa có dấu hiệu dừng lại, thời gian tới, thời tiết mùa mưa ảnh hưởng rất nhiều đến các ao tôm, khiến nông dân rất lo ngại, anh Nguyễn Văn Dũng ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên chia sẻ: “Hiện nay giá tôm thấp hơn so với những năm trước, nhưng giá thức ăn cho tôm thì lại tăng. Sau khi thu hoạch tính cân đối lại thì không có lời, nên có một số ao bà con chuyển sang mô hình khác.”
Tính riêng huyện Trần Đề - có diện tích nuôi tôm lớn thứ 3 trong tỉnh, sau Vĩnh Châu và Mỹ Xuyên - trong tuần đầu tháng 8, diện tích thiệt hại tăng nhanh với hơn 100 ha, trong tổng số 3.600 ha thả giống đã có trên 600 ha tôm chết. Hiện các ngành chuyên môn và lãnh đạo địa phương đang theo sát tình hình nuôi tôm của bà con, để cùng tìm ra những biện pháp khống chế dịch bệnh, tránh lây lan ra diện rộng, ông Trần Hoàng Dũng – Trưởng phòng NN và PTNT huyện Trần Đề cho biết: “Chúng tôi khuyến cáo bà con nuôi tôm tháng 8 này cũng còn nằm trong lịch thời vụ thả giống, nên những diện tích chưa thả giống, bà con cố gắng tranh thủ thả nuôi cho kịp thời vụ.”
Huyện Trần Đề phấn đấu đến cuối tháng 8/2015 sẽ thả giống dứt điển diện tích nuôi tôm trên địa bàn.
Với tình hình hiện nay, người nuôi tôm có nguy cơ bị thiệt hại kép do dịch bệnh và giá tôm giảm. Theo ngành chức năng, do thời tiết diễn biến phức tạp gây bất lợi cho tôm nuôi, nên lịch thả giống vụ tôm năm 2015 trễ hơn mọi năm, bà con cần tuân thủ đúng lịch khuyến cáo. Với những hộ đã thả tôm, cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe tôm nuôi và các yếu tố môi trường ao tôm để kiểm soát dịch bệnh và có biện pháp xử lý mầm bệnh kịp thời; Khi phát hiện tôm nuôi bị bệnh cần kịp thời thông báo cho cán bộ thú y địa phương, giúp xác định bệnh và tiến hành dập dịch trước khi xả nước thải ra các kênh, rạch tự nhiên.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2012-2013, thu nhập của tất cả 40 tổ viên đếu đạt từ 50 triệu đồng/năm trở lên. Một số hộ đạt thu nhập trên 100 triệu đồng, như hộ ông Trương Văn Cát, Nguyễn Văn Thống, Phạm Văn Hiểu...

Không có đồng vốn giắt lưng đáng kể nhưng ông Đinh Văn Bài (xóm Đông, thôn Phụ Chính, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã làm nên “kỳ tích” nuôi ếch, ba ba, cá...

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao, thực hiện dồn điền đổi thửa và đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại là hướng đi mới đang được huyện Đông Anh chú trọng.

Theo Chi cục Thú y tỉnh Cà Mau, tình hình dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Trong tháng 10.2013, đã có hơn 32ha tôm nuôi công nghiệp và hơn 862ha tôm quảng canh bị bệnh với mức độ thiệt hại từ 17-55%.

Huyện Châu Đức phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ nông dân Hội ND tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh thực hiện mô hình vỗ béo bò thịt.