Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Giá nông sản mắc chợ nhưng rẻ vườn

Giá nông sản mắc chợ nhưng rẻ vườn
Ngày đăng: 05/06/2015

Ở các khu chợ tạm gần Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (Châu Thành A) và Khu công nghiệp Sông Hậu (xã Đông Phú, huyện Châu Thành) tấp nập tiểu thương bày bán trái cây. Tiểu thương tích cực chào mời khách với giá được cho là khá mềm: Ổi 10.000 đồng/kg, dưa hấu 3kg 10.000 đồng, vải 25.000 đồng/kg. Ở các chợ khác như: Vị Thanh, Long Mỹ, tình trạng cũng tương tự. Giá xoài cát Hòa Lộc tùy từng loại to nhỏ, đẹp xấu, mỗi loại rớt giá xuống còn 10.000-15.000 đồng/kg.

Cách đây hơn một tuần, chôm chôm có giá 20.000 đồng/kg thì nay chỉ còn 14.000-15.000 đồng/kg. Theo nhiều người dân thì những cái giá này vừa túi tiền chứ chưa gọi là rẻ. Đến các siêu thị Co.opMart, giá bán hầu hết mặt hàng trái cây tương đương hoặc cao hơn giá chợ từ 10-15%. Đa phần các loại trái cây đều có mức giá trên 20.000 đồng/kg. Đơn vị này cho rằng trái cây nhập về hệ thống được lựa chọn khá đồng đều về mẫu mã, trọng lượng và có đủ các giấy chứng nhận đầu vào.

Trở lại xứ trái cây huyện Châu Thành A, chưa đầy tuần, giá dâu tại vườn đã giảm xuống hơn 1.000 đồng/kg. Người dân cho biết, giá dâu tăng cao chỉ diễn ra trong “một ngày một bữa” và ở các chợ chứ không diễn ra ở nhà vườn. Thực chất, giá nông sản không quá thấp nhưng thương lái thường là đầu mối quyết định.

Chính điều này khiến nhiều nông dân tiếp tục đau đầu vì đầu ra luôn bị o ép hết năm này qua năm khác. “Khi báo, đài đưa tin nhiều nông sản rớt giá, thương lái “ăn theo” và tung tin rằng lượng hàng hóa nhiều, khó tiêu thụ nên chuyện hạ giá là điều hết sức bình thường. Mặt khác, lượng vải thiều từ miền ngoài nhập về ngày một nhiều, người dân có nhiều sự lựa chọn nên thị trường càng chia nhỏ hơn, sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn” - ông Võ Văn Tây, nông dân trồng cam ở xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, chia sẻ. 

Nguyên nhân của sự bấp bênh đã được các ngành chức năng, trong đó có ngành nông nghiệp, ngành công thương khẳng định nhiều lần: Do người nông dân chưa sản xuất theo tín hiệu của thị trường, tư duy tự phát, manh mún, thấy có giá thì ùn ùn làm theo. Nếu nông dân không từ bỏ sản xuất không có kế hoạch, sản phẩm làm ra không đủ chất lượng thì không chỉ vụ này mà nhiều vụ khác nữa cũng sẽ rớt giá. Thế nhưng thực tế, việc quy hoạch trồng gì? Bán ra sao? Vẫn chưa có ngành nào dám khẳng định mà chỉ dừng lại ở mức độ khuyến cáo. Như vậy, việc nông sản tiếp tục rớt giá vẫn có thể xảy ra và chưa biết khi nào có “thuốc đặc trị”.

Ông Thái Đình Ái, ở xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, lo lắng: “Măng cụt ông xử lý cho trái chín sớm hơn khoảng 1 tháng trước bán với giá 70.000-80.000 đồng/kg, vào đầu vụ vẫn còn 45.000 đồng/kg. Thế nhưng, nhiều khả năng giá măng cụt rớt xuống còn dưới 20.000 đồng/kg như năm rồi vẫn có thể xảy ra bởi hiện giờ nhiều vườn chưa bước vào vụ thu hoạch. Ngành chức năng cần đưa ra dự báo và có định hướng để nông dân như chúng tôi bớt chịu thiệt”.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Sở Công thương Hậu Giang: “Thực trạng nông sản mất giá là chuyện bức xúc chung, mang tầm vĩ mô, chưa giải quyết triệt để. Trong thời gian qua, ngành rất nỗ lực trong xúc tiến thương mại, mang nông sản đi quảng bá thông qua các kênh hội chợ ở các tỉnh hoặc hội chợ cấp vùng, thậm chí là ở nước ngoài. Một phần nông sản như khóm, quýt đường Long Trị, cam sành, bưởi được tiêu thụ tốt nhưng một số loại trái cây khác thì còn bấp bênh. Nguyên nhân thì ai cũng rõ nhưng giải quyết căn cơ còn là vấn đề khó. Chúng ta giải được bài toán quy hoạch, xây dựng lại từ đầu từ khâu sản xuất, phân phối, tiêu thụ mới có hy vọng tạo đầu ra ổn định, bền vững cho nông sản.

Bộ Công thương đã tích cực vào cuộc bằng cách “giải cứu” các loại như: vải, dưa hấu, hành tím,... Ở cấp độ sở chưa đủ khả năng giải quyết đầu ra cho nông sản. Do đó, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành quyết liệt đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, mà cầu nối trực tiếp là các hiệp hội. Bản thân người nông dân cần thay đổi thói quen canh tác theo hướng nâng cao chất lượng, sản xuất phục vụ theo tiêu chuẩn thì vấn đề đầu ra đỡ vướng hơn”. 

Trái cây chính vụ đã đến, bất cứ nhà vườn nào cũng đắn đo liệu ngoài trái vải, hành tím thì còn bao nhiêu nông sản chính vụ chờ tới lượt “giải cứu” ?


Có thể bạn quan tâm

Tây Ninh Nỗ Lực Về Đích Nông Thôn Mới Tây Ninh Nỗ Lực Về Đích Nông Thôn Mới

Xây dựng nông thôn mới (NTM) đã trở thành phong trào rộng khắp ở xã Tây Ninh (Tiền Hải), bộ mặt nông thôn và đời sống người dân chuyển biến tích cực, giao thông nông thôn đi lại thuận tiện, học tập, khám chữa bệnh được nâng cao, an ninh trật tự được giữ vững.

09/12/2014
Đổi Thay Ở Xóm Người Dao Đổi Thay Ở Xóm Người Dao

Nằm ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo, xóm Thai Thèn Bạ, xã Phúc Thuận (Phổ Yên) có đến 98% dân số là người dân tộc Sán Dìu. Trong vài năm trở lại đây nhờ cớ sự đầu tư của Nhà nước cùng với sự nỗ lực của người dân, xóm đã có sự bứt phá về mọi mặt.

09/12/2014
Sản Lượng Thủy Sản Vượt 3,7% Kế Hoạch Sản Lượng Thủy Sản Vượt 3,7% Kế Hoạch

Đến nay, sản lượng nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã đạt gần 7.800 tấn, vượt 3,7% so với kế hoạch, trong đó thủy sản nuôi trồng đạt trên 7.600 tấn, còn lại là thủy sản khai thác. Cũng trong năm nay, toàn tỉnh đã sản xuất được 500 triệu con cá giống, cá bột; triển khai nhiều mô hình khuyến ngư hiệu quả như nuôi cá Diêu Hồng trong lồng, nuôi cá thâm canh trong ao sử dụng chế phẩm sinh học; nuôi cá hồ chứa nhỏ…

09/12/2014
Chủ Động Sản Xuất Cây Giống Phục Vụ Trồng Rừng Chủ Động Sản Xuất Cây Giống Phục Vụ Trồng Rừng

Đến nay, các đơn vị đã xây dựng được 22 nguồn giống cây lâm nghiệp, trong đó: 7 lâm phần tuyển chọn sến mật, vẹt, trang, đước, thông Cariber... với diện tích 463,7 ha; 9 rừng giống chuyển hóa thông nhựa, lát hoa, lim xanh, mỡ, trám trắng, keo tai tượng, diện tích 87,27 ha; 1 rừng giống keo tai tượng, diện tích 10 ha; 2 vườn cung cấp hom phi lao dòng TT2.6, TT2.7, diện tích 0,9 ha... Hàng năm, thu hái hơn 4.000 kg hạt giống đưa vào sản xuất gieo ươm.

09/12/2014
Từ Làm Thuê Thành Tỉ Phú Chè Ô Long Từ Làm Thuê Thành Tỉ Phú Chè Ô Long

Theo anh Trần Văn Phi, có được thành công này là nhờ cách nghĩ, cách làm và kinh nghiệm đúc rút được sau nhiều năm anh làm thuê cho các công ty nước ngoài ở Lâm Đồng. Anh Phi kể năm 1993, anh xin làm công nhân cho một công ty Đài Loan chuyên trồng, sản xuất chè chất lượng cao.

09/12/2014