Giá Nhân Công Tăng Cao, Người Trồng Cà-Phê Khó Khăn Chồng Chất
Do giá cà-phê giảm mạnh, giá nhân công tăng cao nên nhiều gia đình ở xã Trường Xuân, huyện Đác Song, tỉnh Đác Nông không thuê người thu hái để cà-phê chín trên cây.
Hiện nay, người trồng cà-phê ở tỉnh Đác Nông nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung đang bước vào thu hoạch rộ cà-phê niên vụ 2013-2014. Năm nay người trồng cà-phê vốn đã khó khăn vì giá cà-phê giảm mạnh, nay càng khó khăn hơn khi giá thuê nhân công thu hái tăng cao. Nhiều gia đình đã chọn giải pháp như hạn chế thuê nhân công bên ngoài mà để người trong gia đình tự thu hái hoặc thu hoạch theo kiểu khoán sản phẩm cho người lao động… để giảm bớt thua lỗ.
Giá cà-phê hiện tại đã tăng trở lại và đang dao động ở mức 32.600 đến 33.000 đồng/kg, tăng 4.000 đồng/kg so với thời điểm giữa tháng 11 vừa qua, nhưng vẫn giảm tới 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, người trồng cà-phê vẫn lỗ nặng. Đã vậy, hiện nay giá thuê nhân công thu hoạch lại tăng cao khiến người trồng cà-phê càng khó khăn, bởi không thu hoạch thì cà-phê chín, rụng, mất thêm công lượm, còn thuê nhân công với giá 150.000 đồng/lao động/ngày như hiện nay thì càng lỗ nặng.
Gia đình anh Trần Văn Thành ở xã Trường Xuân, huyện Đác Song trồng được gần ba ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Những năm trước đây, giá cà-phê ở mức cao, đầu vụ thu hoạch anh Thành luôn thuê năm lao động ở trong nhà phụ giúp thu hái cà-phê, năm nay anh phải tính phương án khác.
Anh Thành cho biết: “Bước vào vụ thu hoạch năm nay, giá cà-phê bất ngờ giảm mạnh, có thời điểm như giữa tháng 11 vừa qua chỉ còn 29.000 đồng/kg, trong khi đó giá các loại vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu… đều tăng cao, khiến người trồng cà-phê chúng tôi lỗ nặng. Để giảm bớt chi phí, tôi không thuê lao động nào ở trong nhà nữa mà khoán cho người dân địa phương thu hái với giá 600 đồng/một kg tươi, ngày hái, tối cân ký trả tiền. Việc khoán trong thu hoạch như thế này sẽ đỡ chi phí ăn, uống cho gia đình”.
Anh Trần Văn Sơn, nhà ở cạnh anh Thành miệng luôn than thở: “Cà-phê với cà pháo gì các chú, nói thêm buồn”. Anh Sơn tâm sự: “Bước vào vụ thu hoạch cà-phê năm nay, trong khi giá cà-phê giảm mạnh, còn lại thứ gì cũng tăng giá, làm khó cho người nông dân chúng tôi quá. Chưa nói đến phân bón, xăng, dầu, hay giá gas, chỉ đơn cử như giá thuê nhân công thôi, mới hồi tháng sáu, tháng bảy vừa qua giá chỉ 120.000 đồng/lao động/ngày thì nay đã tăng lên 150.000 đồng. Nếu mình không thuê thì không có người thu hoạch, còn thuê người thì càng lỗ nặng. Biết tính toán như thế nào đây?”.
Chính vì giá cà-phê giảm, giá thuê nhân công tăng cao nên anh Sơn chỉ thuê một, hai lao động ở trong nhà phụ giúp thu hái, còn lại gia đình tự thu hoạch.
Không chỉ ở xã Trường Xuân, chúng tôi đến các xã trọng điểm cà-phê của tỉnh Đác Nông như Đức Minh, Đức Mạnh, Đác Lao, Đác Sắc, Thuận An, huyện Đác Min; xã Nhân Đạo, Đạo Nghĩa, Nghĩa Thắng, huyện Đác R’lấp… chứng kiến không khí thu hoạch cà-phê không sôi nổi và phấn khởi như những năm trước đây. Những năm trước đây, khi giá cà-phê ở mức cao, người lao động từ các nơi đổ về các địa phương này rất đông để phụ giúp người trồng cà-phê thu hoạch nên không khí lúc nào cũng tấp nập, khẩn trương, còn năm nay trầm lắng hơn.
Ông Hoàng Mạnh Hùng, ở xã Đác Sắc, huyện Đác Mil cho biết, do giá cà-phê quá thấp nên để giảm bớt thua lỗ, nhiều gia đình chỉ huy động người nhà thu hái nên việc thuê nhân công năm nay dễ và thuận lợi hơn các năm trước đây. Tuy nhiên, do không thuê nhân công hoặc chỉ thuê ít sẽ kéo dài thời gian thu hoạch.
Việc hạn chế thuê người thu hái cũng chỉ là bất đắc dĩ đối với những gia đình có diện tích ít từ một đến hai ha, còn đối với những gia đình trồng từ ba ha cà-phê trở lên buộc phải thuê người thu hái, bởi cà-phê chỉ thu hoạch một lần, còn không thuê người, nếu xảy ra mất trộm càng thiệt hại nặng hơn.
Bên cạnh đó, người trồng cà-phê ở Đác Nông nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung không phải gia đình nào cũng có vốn để đầu tư, mà phần lớn đều phải vay ngân hàng, thậm chí là vay nóng bên ngoài để đầu tư, nay đến thời điểm trả nợ, giá cà-phê lại hạ thấp buộc người nông dân cũng phải bán nên càng thua lỗ nặng hơn.
Gia đình anh Nguyễn Văn Nam, ở xã Đạo Nghĩa, huyện Đác R’lấp trồng được ba ha cà-phê, trong năm vừa qua anh đã vay nóng bên ngoài đầu tư cho vườn cà phê, nay đến lúc phải trả nợ cả gốc lẫn lãi hơn 150 triệu đồng, trong khi đó anh dự kiến chỉ thu được năm tấn cà-phê nhân. Anh Nam buồn bã cho biết: “Nếu thu được năm tấn cà-phê nhân và với giá như hiện nay là 33.000 đồng/kg, tôi mới đủ trả nợ và lãi vay, chưa tính công chăm sóc, thu hái, rồi còn tiền nuôi con ăn học, chi tiêu trong gia đình… biết lấy đâu bây giờ? Làm nông dân mà thiếu vốn như chúng tôi, làm quanh năm cũng để “nuôi” các nhà giàu, bởi vay phải trả, trả xong rồi vay lại, nếu không được Nhà nước hỗ trợ vốn thì nghèo vẫn hoàn nghèo mà thôi”.
Không chỉ riêng anh Nam hay những nông dân chúng tôi gặp mà phần lớn người trồng cà-phê đều rơi vào hoàn cảnh tương tự. Bởi phần lớn người trồng cà-phê chỉ trồng độc canh cây cà-phê, nay vào vụ thu hoạch giá giảm mạnh, trong khi đó giá cả vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu cũng như tiền thuê nhân công thu hái tăng cao hơn mọi năm.
Theo các chuyên gia trong ngành cà-phê, khi giá cà-phê đang ở mức thấp như hiện nay thì không nên bán mà tạm trữ lại chờ tăng giá mới bán. Ai cũng biết vậy nhưng việc này không phải dễ với người nông dân, bởi hầu hết nông dân không đầu tư bằng vốn tự có mà chủ yếu từ vốn vay mượn nên đành ngậm đắng bán rẻ để trả nợ.
Một lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đác Nông cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 114.000 ha cà-phê, trong năm qua mặc dù đầu vụ gặp hạn nặng, nhưng được người dân đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật nên năng suất bình quân đạt từ 2,1-2,2 tấn/ha. Mặc dù vậy, do hiện nay giá cà-phê đang ở mức thấp, trong khi giá vật tư phân bón, xăng, dầu, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công… đều tăng cao khiến người trồng cà-phê không có lãi, thậm chí là thua lỗ.
Để giúp người trồng cà-phê giảm bớt khó khăn trong giai đoạn hiện nay, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước thu mua cà-phê tạm trữ để đẩy giá cà-phê lên hoặc có thể hỗ trợ trực tiếp cho người dân bằng cách hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng và đề nghị các ngân hàng thương mại kéo dài trả nợ để người dân giữ cà-phê lại, chờ giá lên cao mới bán. Còn nếu không, người trồng cà-phê sẽ gặp nhiều khó khăn và nguy cơ tái nghèo là rất cao.
Có thể bạn quan tâm
Ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, nằm hai bên bờ sông Măng Thít, cách TP Vĩnh Long 32 km, cách TP Cần Thơ 28 km - từ lâu nổi tiếng thương hiệu cam sành ngọt lịm.
Tuy nhiên, do sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định; các đơn vị đăng ký thương hiệu còn ít. Phần lớn sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được tiêu chí về đăng ký bảo hộ thương hiệu; chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; bao bì, nhãn mác đơn điệu, thiếu tính thẩm mỹ, chưa tạo được thiện cảm với người tiêu dùng; hoạt động quảng bá sản phẩm mới thực hiện trong phạm vi hẹp chứ chưa sâu rộng, đồng bộ… nên số lượng hàng hóa nông sản tiêu thụ tại thị trường lớn chưa nhiều, giá bán bấp bênh.
Giá khóm tại Tân Phước (Tiền Giang) hiện đang rớt giá mạnh khiến nhiều nông dân lo lắng. Qua khảo sát tại các điểm thu mua, giá khóm hiện chỉ trên dưới 1.000 đồng/kg nhưng lượng mua vào rất ít.
Theo ông Đinh Trung Kiên, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), nghề nuôi trồng tu hài đã phát triển nhiều năm nay ở địa phương. Đến nay, Vân Đồn đã có khoảng 100 hộ gia đình và 3 doanh nghiệp nuôi tu hài, thu hút một lượng lớn lao động và mang lại thu nhập khá cao cho ngư dân trong vùng.
Hiện cả nước có 6.000 cơ sở chế biến có công nghệ thiết bị tương đối hiện đại, trong đó, hơn 2.000 cơ sở chế biến nông sản, 570 cơ sở chế biến thủy sản và 3.000 cơ sở chế biến gỗ. Một số ngành đã đáp ứng được yêu cầu chất lượng đối với các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…, điển hình như thủy sản, nhân hạt điều, hồ tiêu, đồ gỗ...