Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Giá lúa gạo tăng cao, thương lái khó gom đủ hàng

Giá lúa gạo tăng cao, thương lái khó gom đủ hàng
Tác giả: HỮU ĐỨC
Ngày đăng: 11/03/2016

Giá cao, khó mua lúa

Một nhóm chủ ghe thương lái bên bờ sông Ô Môn (Cần Thơ) cho biết, chính vì lúa gạo tăng giá mạnh nên mấy ngày qua rất khó mua lúa. Bây giờ phần lớn thương lái và nông dân mua bán lúa tươi tại ruộng. Nhưng thông thường thương lái muốn mua đủ số lượng lúa chở đầy các ghe thì phải đặt tiền cọc trước khi gặt 10 ngày. Hiện hơn 86.000ha lúa ĐX ở Cần Thơ thu hoạch gần hết, các tỉnh An Giang, Kiên Giang đang mở đồng thu hoạch, thu hút nhiều thương lái đổ về mua lúa.

Rong ruổi nhiều ngày trên những cánh đồng từ huyện Thoại Sơn lên Châu Thành, Châu Phú (An Giang), chúng tôi thấy lúa chín đầy đồng, giá lúa đang lên mà thương lái cũng khó mua. Lúa ở An Giang khô tốt, lúa thơm Jasmine năng suất đạt 1,1 - 1,2 tấn/công, trúng hơn vùng ruộng lúa Cần Thơ khoảng 100 - 200 kg/công.

Dù vậy, anh Tường, một thương lái từ Cần Thơ về An Giang tìm mua lúa vẫn lắc đầu than khó: "Trời khô, nắng cháy hầm hập trên đầu, tôi chạy ghe rong ruổi suốt 2 ngày qua chưa mua được hột nào. Nông dân chần chừ chưa muốn bán vì nghĩ giá lúa sẽ còn tăng lên.

Cách đây khoảng 10 ngày trước giá lúa tươi Jasmine bán tại ruộng 4.700 đ/kg, sau khi sấy xay ra gạo trắng bán 8.700 - 8.800 đ/kg. Hiện thời lúa tươi Jasmine đã tăng lên 5.200 - 5.300 đ/kg, tăng hơn 500 - 600 đ/kg, còn gạo tăng lên 9.000 - 9.100 đ/kg. Lúa khô Jasmine trữ từ vụ ĐX 2014-2015 của một số chủ vựa, hồi trước Tết kêu bán 6.000 đ/kg, đến nay cũng tăng lên 6.400 đ/kg".

Anh Tường cho biết thêm, em trai mình (cùng trong nhóm thương lái) chạy ghe về miền biển ở các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau nghĩ rằng tìm lúa thơm gạo ngon sẽ dễ mua bán.

Thế nhưng chẳng biết có phải do ảnh hưởng ở vùng bị nhiễm mặn hay không mà thu mua lúa tươi, giống lúa RVT và OM4900 chở về xay gạo, cứ 100 kg lúa xay xát tỷ lệ gạo thu hồi chỉ được 30% gạo trắng, còn lại phụ phẩm tấm, cám chiếm phần nhiều là do gạo gãy, gạo vụn. Với tỷ lệ gạo thu hồi thấp nên dù làm hàng gạo chợ hay gạo bán vào kho của DN xuất khẩu thì thương lái vẫn bị lỗ.

Trong khi đó một nhóm thương lái khác về thị xã Ngã Năm, Sóc Trăng, “thủ phủ” lúa thơm với 18.000ha chuyên canh giống lúa ST20 và RVT cho biết rất khó mua được lúa. Một là do chất lượng lúa tốt, giống lúa thơm chạy hàng gạo nội địa, xuất khẩu giá cao đã “thúc” lúa RVT lên giá 6.000 - 6.200 đ/kg. Riêng lúa ST20 có doanh nghiệp bao tiêu 6.500 đ/kg. Còn ở ngoài thị trường thương lái “phá giá”, mua lên 6.700 - 6.800 đ/kg.


Thương lái mua lúa ở ĐBSCL

Hiện tượng El Nino tác động không chỉ riêng nước ta. Ở các nước SX xuất khẩu gạo hàng đầu như Thái Lan, Ấn Độ cũng rơi vào vòng xoáy hạn hán. Theo dự báo của USDA (Mỹ), mậu dịch gạo toàn cầu sẽ tăng 2,5% cho tới năm 2022 đạt 47 triệu tấn, cao hơn 42% so với mức trung bình giai đoạn 2015 - 2020. Các nước Indonesia, Philippines và châu Phi sẽ nhập khẩu nhiều gạo nhất vào đầu thập kỷ tới.

Với mức giá lúa đang tăng mạnh như hiện nay, nông dân cho biết, nếu SX giống lúa thường mà được mùa thì có lãi từ 1 - 1,5 triệu đồng/công. Nếu trồng lúa thơm RVT hay giống ST 20 lợi nhuận còn cao hơn nhiều, sau khi trừ chi phí còn lãi khoảng 3 triệu đồng/công. Tiếc cho những nông dân làm lúa thu hoạch sớm hồi đầu vụ giá lúa chưa tăng, chỉ lãi ít, mất 400 - 500 đ/kg.

Dự báo

Tác động làm giá lúa gạo tăng mạnh trong những ngày qua do nguyên nhân nào? Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Cty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ) nhận xét: Do khô hạn, mặn xâm nhập mạnh làm sụt giảm sản lượng lúa. Sau khi xuất khẩu gạo theo hợp đồng tập trung trong tháng 11 - 12/2015, ngay từ đầu năm nay, TCty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) tiếp tục xuất khẩu gạo chuyển tiếp đợt 2 (đủ số lượng theo hợp đồng tập trung đã ký trong năm 2015 là 1 triệu tấn gạo xuất sang Indonesia và 500.000 tấn sang Philippines) khiến giá lúa gạo tăng lên 400 - 500 đ/kg. Mặt khác việc tăng giá lúa vừa qua còn có tác nhân do một số chủ vựa, chủ nhà máy xay xáy có nhà kho và vốn tăng thu mua dự trữ chờ giá.

Vậy giá lúa có tiếp tục tăng phi mã? Một số DN xuất khẩu gạo tại quận Thốt Nốt (Cần Thơ) cho rằng, sau ngày 10/3 các DN thu mua gạo đáp ứng theo hợp đồng xuất khẩu sẽ “khóa sổ” ngừng thu mua. Nhu cầu thu mua gạo sẽ hạ nhiệt, lúa gạo có thể bình ổn giá trở lại.

Theo Bộ NN-PTNT, hạn, mặn xâm nhập vụ ĐX đã tác động mạnh đến vùng SX lúa ở ĐBSCL với tổng diện tích lúa thiệt hại là 160.000ha. Dự báo hạn hán còn tiếp diễn, vùng lúa bị nhiễm mặn còn gay gắt, lan rộng.

Trên 50% diện tích lúa ĐX trên đồng sắp thu hoạch chưa lường hết rủi ro. Nếu khô hạn tiếp tục kéo dài đến tháng 6/2016 toàn vùng sẽ có khoảng 500.000ha lúa không xuống giống đúng thời vụ, chiếm gần 30% diện tích gieo trồng lúa trong vùng. Các nhà chuyên môn ước tính mức sụt giảm sản lượng lúa trong năm nay có thể lên tới 0,8 triệu tấn.


Có thể bạn quan tâm

Đánh liều vay 2 tỷ đồng nhập hệ thống lạnh để nuôi... lợn Mỹ Đánh liều vay 2 tỷ đồng nhập hệ thống lạnh để nuôi... lợn Mỹ

Có chí và ham muốn làm giàu, anh Nguyễn Duy Tuấn (SN 1982, ở thôn 5, xã Hòa Khương, Hòa Vang, Đà Nẵng) đã đánh liều vay tới 2 tỷ đồng nhập hệ thống lạnh về nuôi lợn Mỹ. Nhờ đó, hiện anh bỏ túi 400 triệu đồng mỗi năm.

11/03/2016
Đa cây, đa con thu hàng trăm triệu đồng Đa cây, đa con thu hàng trăm triệu đồng

Anh Nguyễn Ngọc Hoan, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) nuôi trồng đa cây, đa con có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

11/03/2016
Công bố các giải pháp phòng chống cấp bách hạn, mặn Công bố các giải pháp phòng chống cấp bách hạn, mặn

Cùng với việc công bố bản đồ các vùng hạn, Bộ NNPTNT đã ban hành các giải pháp cấp bách để phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn.

11/03/2016