Giá lợn hơi giảm mạnh, khó bán: Nông dân chờ Chính phủ giải cứu
Chỉ trong vòng hơn 1 tháng qua, giá lợn hơi cả nước, đặc biệt là ở miền Bắc liên tục lao dốc và chạm đáy. Mặc dù giá thấp, nhưng nhiều người vẫn không thể xuất lợn bởi không có người mua, trong khi hàng ngày bà con vẫn phải cho lợn ăn. Càng nuôi càng lỗ, nhiều người đang tha thiết cầu cứu Chính phủ, mạnh thường quân và người dân… giải cứu.
Trong ảnh: Người chăn nuôi tại các tỉnh vùng ĐBSCL đang lo lắng vì giá lợn xuống thấp khiến họ thua lỗ (ảnh chụp tại Đầm Dơi, Cà Mau). Ảnh: Chúc Ly
Chạy ngược xuôi tìm mối xuất lợn
Năm ngoái, vào thời điểm này người nuôi lợn đang rất phấn khởi bởi giá tốt, ai cũng mạnh tay đầu tư chăm bẵm để có lợn đẹp xuất bán, đón một cái tết đầm ấm. Còn hiện nay, nhiều người phải chạy ngược chạy xuôi tìm mối xuất lợn, trong bối cảnh giá lợn liên tục giảm mạnh.
Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết, đúng là hiện giá lợn hơi đang thấp so với những tháng trước đó, nguyên nhân là do Trung Quốc ngừng thu mua. Theo khảo sát của Cục Chăn nuôi ngày 20.12, lợn hơi ngoại, lai ở miền Bắc có giá 41.000 đồng/kg; miền Trung 42.000 đồng/kg; miền Nam 40.000 đồng/kg. Thịt lợn hơi giống nội miền Bắc là 40.000 đồng/kg; miền Trung 40.000 đồng/kg và miền Nam là 38.000 đồng/kg. Từ ngày 20.12 đến nay, giá lợn hơi chỉ còn 34.000 – 34.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Sơn ở đội 8, xã Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội) buồn rầu cho biết, gia đình ông đang nuôi 300 lợn nái và 250 lợn thịt. Hơn tháng nay giá lợn hơi liên tục giảm, khiến giá lợn giống cũng giảm theo, gia đình ông lỗ kép.
Ông Sơn nhẩm tính: “Tôi nuôi lợn siêu nạc, nên giá phải đạt từ 40.000 – 42.000 đồng/kg mới có lãi, trong khi đó hiện giá lợn chỉ 33.000 – 34.000 đồng/kg đối với lợn loại 1, tức mỗi con lợn tôi đang bị lỗ từ 800.000 – 900.000 đồng. Lợn giống cũng lỗ từ 400.000 – 500.000 đồng/con. Đặc biệt lợn 2 bề (lợn trắng lai 2 máu), giá chỉ 29.000 đồng/kg, chạm đáy năm 2013, nên mỗi con lỗ 400.000 – 600.000 đồng”.
Theo ông Sơn, nguyên nhân chính khiến giá lợn giảm là do thời gian gần đây, các cửa khẩu và đường tiểu ngạch qua Trung Quốc đóng, mở rất thất thường, khiến thương lái nhiều chuyến lỗ nặng nên họ không mặn mà thu mua lợn. “Lợn hơi, đặc biệt là lợn loại to lâu nay chủ yếu xuất đi Trung Quốc, giờ họ ngừng mua nên chúng tôi không biết bán lợn cho ai. Chỉ tính riêng ở Cát Quế đang “tắc” hàng nghìn tấn lợn, nếu không được giải cứu thì người chăn nuôi sẽ không ngóc đầu lên nổi. Không còn cách nào khác, chúng tôi đang dự kiến viết thư cầu cứu Chính phủ, các mạnh thường quân và người dân hỗ trợ “giải cứu” đàn lợn” – ông Sơn cho hay.
Tương tự tại “thủ phủ lợn miền Bắc” là huyện Bình Lục (Hà Nam), hàng trăm hộ dân cũng đang đứng ngồi không yên. Ông Nguyễn Văn Ba ở xã Ngọc Lũ (Bình Lục) nuôi hơn 300 con lợn thịt, hầu hết lợn đã đến kỳ xuất chuồng, nhưng giá thấp và không có người mua.
Chia sẻ về việc tìm đầu ra cho con lợn, ông Ba cho biết, những năm gần đây hầu như loại nông sản nào cũng có thời điểm bị tắc đầu ra, hết dưa hấu, hành tím, chuối tiêu rồi đến lợn… “Tuy nhiên, giải cứu lợn rất khó, bởi giá trị lớn. Đến nước này chắc chúng tôi cũng phải cầu cứu Chính phủ thôi” – ông Ba nói.
Đã có cảnh báo khủng hoảng nguồn cung
Với tổng đàn lợn khoảng 30 triệu con và sản lượng thịt hơi 5,33 triệu tấn hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 4 trên thế giới về tổng đàn và thứ 6 thế giới về sản lượng thịt lợn. Với nguồn cung dồi dào như thế, chuyện dư thừa lợn không phải là chuyện lạ.
Tại thị trường TP.HCM, anh Đặng Tiến Minh - chủ trại lợn ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết, đầu tháng 12 giá lợn hơi chỉ còn 37.000 đồng/kg, bán 1 tạ là anh lỗ khoảng 700.000 đồng so với cùng thời điểm năm ngoái. Do có cơ sở sản xuất cám, chủ động được nguồn thức ăn nên anh Minh cho rằng mình còn cầm cự được. Hiện tại, anh không bán sỉ với số lượng lớn mà chỉ bán lẻ 8 – 10 con/tuần để mong giá tăng trở lại vào dịp cận tết.
Theo anh Minh, dịp giữa năm 2016, thương lái Trung Quốc “quậy giá”, có thời điểm thu mua lợn với giá 55.000 đồng/kg khiến nhiều hộ nuôi tăng đàn. Nhưng cuối năm, thị trường Trung Quốc chững lại, nguồn cung càng dư ra giá càng thấp. “Họ phá thị trường có 1 tháng mà làm ảnh hưởng cả nửa năm. Nếu còn giảm nữa, người nuôi lợn càng lỗ nặng” - anh Minh lo lắng.
Tại huyện Củ Chi (TP.HCM), anh Nguyễn Thành Được - thành viên một tổ nuôi lợn VietGAP cho biết tình hình cũng không sáng sủa gì dù là lợn sạch. “Theo tính toán, giá thành trung bình lợn xuất bán là 40.000 đồng/kg. Giá thấp hơn mức này bao nhiêu thì nông dân lỗ bấy nhiêu. Ngay các công ty lớn, dù có thương hiệu nhưng do đầu tư quy mô, có bán cao hơn được 1.000 – 2.000 đồng/kg thì vẫn lỗ” - anh Được nói.
Theo thống kê của huyện Bình Lục (Hà Nam), trên địa bàn đang có vài nghìn tấn lợn hơi đến kỳ xuất chuồng song chưa có hướng giải quyết. Một động thái mà huyện có thể làm được, đó là kêu gọi thương lái thu mua, song với mức giá thấp, tiêu thụ chậm nên các thương lái cũng không mặn mà.
Tại huyện Tân Yên (Bắc Giang), nơi có tổng đầu lợn cao nhất tỉnh, cũng đang tắc hàng nghìn tấn lợn. Bà Đào Thu Phương – Trưởng phòng NNPTNT huyện Tân Yên cho biết: “Hiện trên địa bàn huyện, giá lợn đẹp chỉ còn 33.000 – 34.000 đồng/kg, lợn thường 31.000 – 32.000 đồng/kg, trong khi đó giá lợn phải đạt 35.000 – 36.000 đồng thì người dân mới hòa vốn. Trước đó, hồi tháng 8 huyện đã có văn bản gửi các xã cảnh báo về giá lợn, song khi đó lợn đang được giá nên người dân vẫn tiếp tục vào đàn, bất chấp khuyến cáo”.
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng NNPTNT huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết, toàn huyện đang có hơn 200 trang trại lợn, trung bình mỗi trại nuôi từ 200 – 2.000 con/lứa. “Ở Nam Sách, giá lợn đã giảm 2 tháng nay, từ 38.000 đồng/kg nay chỉ còn 34.000 đồng/kg đối với lợn loại 1 và 30.000 đồng/kg đối với lợn thường. Đứng trước khó khăn này, huyện đã ra sức kêu gọi các mạnh thường quân, thương lái vào thu mua, song đến nay vẫn chưa có mạnh thường quân nào vào cuộc” – ông Hà cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Việc tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc trong trồng rau hữu cơ giúp bà con xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội tạo ra những lứa rau sạch đạt chất lượng
Rau nhíp là đặc sản của núi rừng, của đồng bào S’tiêng, là thực phẩm được xem như không thể thiểu trong các ngày lễ, hội. Gần đây loại rau này trở nên đắt hàng
Giảm chỉ còn 3 triệu ha lúa, việc giảm diện tích này vẫn đảm bảo được an ninh lương thực mà không ảnh hưởng đến diện tích sản xuất đất nông nghiệp.