Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Gia Lai Vận Động Nông Dân Không Chặt Bỏ Cao Su

Gia Lai Vận Động Nông Dân Không Chặt Bỏ Cao Su
Ngày đăng: 10/09/2014

Do giá mủ cao su trên thị trường giảm mạnh, trồng cao su không có lợi nhuận, thậm chí bị lỗ nên nhiều người ở huyện Đak Đoa (Gia Lai) đã chặt bỏ cây cao su (chủ yếu là cao su tiểu điền) chuyển sang trồng các loại cây khác như hồ tiêu, cà phê nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích cao su bị chặt trên địa bàn huyện Đak Đoa khoảng hơn 300 ha, chủ yếu là diện tích cao su tiểu điền và một số diện tích cao su thuộc dự án đa dạng hóa nông nghiệp (người dân được vay vốn ngân hàng để đầu tư, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc) tại các xã Kdang, Glar, Trang.

Dẫn chúng tôi tới những vườn cao su của người dân đã chặt bỏ và thay vào đó là cây cà phê, hồ tiêu, ông Sing-Phó Chủ tịch UBND xã Glar xót xa cho biết: “Người dân ở đây rất khổ. Khi bắt đầu trồng cao su từ năm 2003-2006 theo dự án đa dạng hóa nông nghiệp thì giá mủ cao su rất cao, song khi diện tích cao su của bà con bắt đầu bước vào thời kỳ khai thác thì giá mủ tụt xuống thấp, khiến người dân nản chí không chăm sóc vườn cao su nữa, thậm chí dân ồ ạt chặt bỏ để trồng cà phê.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tổng diện tích cao su bị chặt trên địa bàn xã khoảng 80 ha, tập trung tại các làng: Dur, Groi 1, Groi 2, Dôr 1, Dôr 2”. Giá cao su xuống thấp, năng suất kém nên nhiều hộ dân trong xã mỗi tuần khai thác một lần và chỉ được vài trăm ngàn đồng, không đủ tiền công đi khai thác.

Anh Hlim-làng Dur cho biết: “Gia đình vay ngân hàng hơn 40 triệu đồng để đầu tư trồng hơn 350 cây cao su theo dự án nhưng đến khi thu hoạch cũng không thể trả nợ ngân hàng được. Bởi khi khai thác mủ thì cao su rớt giá, năng suất cao su thấp. Giờ gia đình đã chặt bỏ để chuyển qua trồng cà phê với hy vọng cà phê được giá để lấy tiền trang trải cuộc sống gia đình và trả nợ ngân hàng”.

Cũng như xã Glar, Kdang là một trong những xã có diện tích chặt bỏ cây cao su cao vì người trồng cao su có tâm lý hoang mang, muốn phá bỏ để trồng các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn. Tính đến nay, các hộ dân trên địa bàn xã Kdang đã phá bỏ hơn 72 ha cao su để trồng hồ tiêu và cà phê.

Trước thực trạng nông dân chặt bỏ vườn cao su có chiều hướng gia tăng, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người nông dân không chạy theo thị trường, yên tâm chăm sóc cây cao su, ổn định diện tích đang có.

Ông Ngô Thanh Tùng-Chủ tịch UBND xã Kdang cho biết: Trước mắt UBND xã chỉ đạo các cán bộ phụ trách làng phối hợp với Mặt trận, đoàn thể thôn làng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người trồng cao su không nên phá bỏ cây cao su. Trong thời gian giá mủ xuống thấp người dân có thể ngừng khai thác để cây cao su có thời gian phục hồi và hạn chế đầu tư.

Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa cho biết thêm: Trình độ canh tác của nông dân chưa cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số dẫn đến việc thâm canh cây cao su còn nhiều hạn chế, các biện pháp kỹ thuật trồng và chăm sóc chưa được quan tâm đúng mức làm giảm chất lượng vườn cây.

Trước thực tế trên, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương tuyên truyền và vận động nhân dân cố gắng giữ vườn cao su; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kịp thời tình hình chặt phá cao su; không giao chỉ tiêu trồng mới hồ tiêu cho các xã; phải dành một phần kinh phí tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc hồ tiêu cho nhân dân để tránh thiệt hại cho dân khi đã chuyển đổi chặt cao su sang trồng hồ tiêu… Đặc biệt, vận động nhân dân hạn chế tối đa chuyển đổi, nhất là đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Cây cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh và là cây trồng chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh. Trong những năm qua cây cao su góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, xóa đói giảm nghèo…

Mặt khác, cây cao su là cây trồng lâu năm; thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch mất 6-7 năm và chu kỳ kinh doanh kéo dài 25-30 năm, chi phí đầu tư rất cao. Do đó người dân cần tính toán kỹ trước khi phá bỏ chuyển đổi sang cây trồng khác, bởi giá cả biến động khó lường, hạn chế đầu tư chạy theo thị trường dẫn đến thiệt hại về kinh tế gia đình.


Có thể bạn quan tâm

Người Nuôi Heo “Treo Chuồng” Vì Sợ Lỗ Người Nuôi Heo “Treo Chuồng” Vì Sợ Lỗ

Giá heo hơi cân tại chuồng tại khu vực Đồng Nai, Bình Dương 45.000 đồng/kg, người nuôi có thể lãi 300.000 đồng con heo thịt 100 kg. Tuy giá heo tăng nhưng người chăn nuôi không dám tái đàn vì khó “định lượng” được giá cả thị trường nay mai.

15/10/2013
Mùa Mía Đắng Mùa Mía Đắng

Chỉ mới bước vào đầu niên vụ 2013-2014 nhưng giá mía nguyên liệu tại ĐBSCL khá ảm đạm, nông dân trồng mía chỉ có huề hoặc lỗ vốn. Bên cạnh đó, nạn nhập lậu đường tràn lan cũng làm doanh nghiệp mía đường lao đao.

15/10/2013
Hiệu Quả Chuyển Đổi Cây Trồng Ở Long An Hiệu Quả Chuyển Đổi Cây Trồng Ở Long An

Long An là một trong những tỉnh có quy mô sản xuất lúa đứng hàng đầu đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng lúa hơn 2,3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh Long An đã phát triển thêm nhiều loại cây trồng khác mang lại hiệu quả cao, nhờ đó đời sống của người dân vùng nông thôn từng bước được cải thiện.

15/10/2013
Bến Tre: Giá Dừa Khô Hơn 100.000 Đồng/chục Bến Tre: Giá Dừa Khô Hơn 100.000 Đồng/chục

Giá dừa khô ở tỉnh Bến Tre hiện tăng thêm bình quân khoảng 10.000-15.000 đồng/chục 12 trái so với cách nay khoảng 1 tháng.

15/10/2013
Nuôi Cá Thác Lác Cườm Không Lo Việc Tiêu Thụ Nuôi Cá Thác Lác Cườm Không Lo Việc Tiêu Thụ

Anh Đặng Thành Thơm ở xã Bình Thạnh (TX Hồng Ngự - Đồng Tháp) đã nói như vậy khi chuyển từ ươm nuôi cá tra giống sang nuôi cá thác lác cườm thời gian qua.

16/10/2013