Trang chủ / Tin tức / Tin thủy sản

Giá cá sấu giảm sâu, người nuôi đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Giá cá sấu giảm sâu, người nuôi đứng trước nguy cơ vỡ nợ
Tác giả: Minh Sáng
Ngày đăng: 21/09/2016

Theo Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, hiện tổng đàn cá sấu nước ngọt được nuôi trên địa bàn các quận, huyện của thành phố đã lên đến trên 160.000 con (gồm cá sấu bố mẹ và hậu bị). Trong khi đó đến thời điểm này của năm 2016 chỉ xuất khẩu được khoảng 18.000 con cá sấu sống; trên 10.000 con cá sấu giống và 8.000 tấm da muối, da thuộc.

Thực tế năm nay giá cá sấu xuất khẩu bị tụt xuống khoảng 50% so với năm rồi, do vậy chỉ những trại nuôi lớn mới trụ lại được.

Theo tìm hiểu của PV, đầu ra sản phẩm cá sấu vẫn chỉ với 3 thị trường chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Thời gian gần đây, một số DN phía Trung Quốc đã ngừng thu mua cá sấu khiến một số trại nuôi phải đóng cửa vì không có thị trường. Ông Tăng Hùng, chủ một trang trại cá sấu lớn ở huyện Củ Chi (TP.HCM) cho biết, trước nhiều áp lực về vốn, thị trường nội địa hiu hắt trong khi xuất khẩu hạn hẹp khiến ông đành phải đóng cửa trang trại.

Tương tự, ông Nguyễn Trường Quốc (ở Bình Chánh, TP.HCM) cũng từng nuôi cá sấu gia công cho các công ty thuộc da. Gần đây do đầu ra quá khó khăn, ông không nhận được nhiều đơn hàng nữa và giá giảm mạnh khiến thua lỗ nặng. Do vậy, ông quyết định tạm đóng cửa nuôi cá sấu để chuyển qua nuôi heo.

Thực trạng này cũng đang khiến cho nhiều hộ nuôi cá sấu ở Đồng Nai lao đao. Ông Nguyễn Văn Nhật, xã Phú Ngọc, huyện Ðịnh Quán, người có gần chục năm gắn bó với nghề nuôi cá sấu. Lúc đầu gia đình ông chỉ nuôi khoảng gần 100 con.

Đến năm 2014, giá cá sấu tăng đột biến, ông quyết định đầu tư quy mô đàn lên gấp 3 lần. Sau gần 2 năm chăm sóc, đến nay hơn 300 con cá sấu đã đến thời kỳ xuất chuồng ông Nhật vẫn đang đau đầu với bài toán giữ đàn chờ giá tốt hay chấp nhận bán lỗ.

Theo các hộ nuôi, giá cá sấu phải đạt 120.000 đồng/kg người nuôi mới có lãi. Nhiều hộ ráng giữ đàn cá sấu lại để tiếp tục nuôi nhưng cũng chỉ giữ được một thời gian rồi phải chấp nhận bán, vì thương lái Trung Quốc chỉ mua cá sấu có trọng lượng 18 - 20kg/con, cá sấu càng lớn giá càng thấp.

Thêm bài học đắt giá

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ðịnh Quán, hiện tại trên địa bàn 2 xã La Ngà và Phú Ngọc có đến 375 cơ sở, trại nuôi cá sấu với gần 140.000 con.

Ông Nguyễn Văn Thành, chủ nhiệm HTX cá sấu giống Nam Bộ (Q.12, TP.HCM) cho biết: Trước đây Trung Quốc chủ yếu mua cá sấu sống từ 10kg trở lên, gần đây họ lại đặt vấn đề thu mua cá sấu con, nhưng số lượng cũng không nhiều.


Chủ nhiệm HTX cá sấu giống Nam bộ (Q12, TP.HCM) đang lo lắng giữ nghề nuôi cá sấu

Hiện giá cá sấu thương phẩm tụt thê thảm chỉ còn 60.000 đ/kg (so với hơn 1 năm trước giá trên dưới 200.000 đ/kg), còn giá cá sấu giống cũng bị giảm ½ so với năm rồi (từ 600.000 đ/kg xuống còn 300.000 đ/kg).

“Không biết nguyên nhân vì sao Trung Quốc lại thu mua cá sấu con, nhưng vì thấy vẫn tiêu thụ được nên người nuôi vẫn chấp nhận xuất bán dù chỉ bằng nửa giá so với năm rồi để gỡ gạc. Nếu tình trạng này kéo dài rất có thể sẽ làm sụt giảm số lượng và chất lượng cá sấu giống trong tương lai” – ông Thành lo lắng.

Trao đổi với PV, Phó hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ðịnh Quán Nguyễn Văn Chiểu khẳng định, việc tăng đàn ồ ạt trong khi chưa tìm được đầu ra ổn định chính là nguyên nhân của tình trạng rớt giá thê thảm như hiện nay.

Còn nhận định của Chi cục Kiểm lâm TP.HCM thì cái khó của các DN Việt Nam chính là phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Trong khi đó công nghệ thuộc da, chế biến sâu của ta còn yếu kém. Nuôi ồ ạt, giá cá sấu giảm sâu, nhiều trang trại thua lỗ, đóng cửa, là bài học đắt giá.

Bên cạnh việc xuất khẩu da thành phẩm và cá sấu sống, nhiều DN đang phải tập trung đầu tư cho nghiên cứu sử dụng toàn bộ chế phẩm từ cá sấu. Cụ thể như DN Cá sấu Hoa Cà đã nghiên cứu tận dụng thành công xương cá sấu để nấu cao chữa bệnh xương thủy tinh.

Ông Tôn Thất Hưng – Giám đốc Cty TNHH Cá sấu Hoa Cà cho biết, vừa qua ông cùng các đồng nghiệp sang Mỹ báo cáo kết quả chữa bệnh xương thủy tinh từ cao cá sấu và mong rằng chuyến đi này sẽ là bệ phóng tìm hướng đi mới cho các sản phẩm cá sấu của công ty trong tương lai.


Có thể bạn quan tâm

Đầu tư 225 tỷ đồng cho phát triển nguồn lợi ven biển ở Nghệ An Đầu tư 225 tỷ đồng cho phát triển nguồn lợi ven biển ở Nghệ An

Chiều 19/9, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Nghệ An (CRSD). Theo dự án, nguồn đầu tư dự kiến đầu tư trên 252 tỷ đồng từ nay đến 2017. Đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Đinh Viết Hồng chủ trì cuộc họp.

20/09/2016
Tôm sú, tôm càng đầu hàng tôm thẻ Tôm sú, tôm càng đầu hàng tôm thẻ

Chạy theo lợi nhuận trước mắt, người dân nhiều địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long đã bỏ con tôm truyền thống (tôm càng xanh, tôm sú), đổ xô nuôi tôm thẻ chân trắng. Các ngành chức năng đã cảnh báo, việc gia tăng quá nhanh diện tích nuôi tôm thẻ sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

21/09/2016
Formosa xả thải độc Nông dân sản xuất giỏi méo mặt Formosa xả thải độc Nông dân sản xuất giỏi méo mặt

Sau vụ Formosa xả thải độc gây cá chết hàng loạt, nông, ngư dân thuộc diện hộ nghèo nay càng nghèo hơn. Còn những nông dân sản xuất giỏi các cấp cũng đang điêu đứng, méo mặt vì nợ nần, hàng hải sản tồn kho.

21/09/2016