Giá cà phê - ca cao đồng loạt tăng cao
Giá cà phê - ca cao đồng loạt tăng cao. Tại sàn giao dịch ICE (London), chốt phiên giao dịch cuối tuần qua, giá cà phê robusta giao kỳ hạn tháng 7/2016 ở mức cao nhất xấp xỉ 1.800 USD/tấn, tăng 52 USD/tấn so với tuần trước. Giá cà phê thế giới tăng cao giúp giá cà phê tại Việt Nam tăng mạnh. Tới cuối tuần qua, giá cà phê nhiều nơi tại Tây Nguyên lập đỉnh mới với mức giá 38.300 đồng/kg, tăng 1.000 đ/kg so với tuần trước.
Theo các chuyên gia, giá cà phê thế giới tăng cao do các quỹ đầu tư tài chính đang chuyển vốn vào kinh doanh trên các sàn kỳ hạn hàng hóa nông sản. Bên cạnh đó sản lượng cà phê XK thế giới giảm mạnh do thời tiết bất thuận. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Thế giới cho biết XK cà phê toàn cầu trong tháng 5/2016 giảm 6,8% xuống chỉ còn 9,32 triệu bao (60 kg/bao).
Tại Việt Nam, cà phê đang ở giai đoạn cuối mùa XK vì chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa sẽ kết thúc niên vụ cà phê 2015 - 2016. Dự báo, giá cà phê trong nước sẽ còn tăng hoặc duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Cũng như cà phê, giá ca cao thế giới trong tuần qua đã lập mức kỷ lục trong vòng 40 năm qua với mức 2.518 bảng Anh/tấn (kỳ hạn giao tháng 7/2016 tại sàn giao dịch London).
* Theo VITIC (trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công thương), giá gạo châu Á hiện đang giảm do chịu tác động từ các cuộc bán đấu giá gạo dự trữ quốc gia của Thái Lan, trong khi khách hàng từ châu Phi đã quay trở lại Thái Lan để ký những hợp đồng mua mới. Tới cuối tuần qua, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ chỉ còn 375 - 385 USD/tấn (FOB), giảm khoảng 5 USD/tấn so với cuối tháng 6/2016 do nhu cầu giảm, trong bối cảnh chính phủ Thái Lan liên tiếp mở bán đấu giá gạo cũ.
Dự báo trong tháng 7/2016, Chính phủ Thái Lan cho biết sẽ mở bán khoảng 2,48 triệu tấn gạo vì mục đích XK và sử dụng trong công nghiệp, với nỗ lực giải phóng toàn bộ số gạo tồn trữ vào giữa năm 2017. Hiện giá gạo 5% tấm của Thái Lan có giá khoảng 420 - 438 USD/tấn (FOB Bangkok), giảm so với 415 - 438 USD/tấn một tuần trước đây.
* Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2016, cơ quan chức năng tỉnh này đã xử phạt 17 trường hợp thương lái Trung Quốc có hoạt động thu mua thanh long trái phép trên địa bàn tỉnh, trong số đó có nhiều trường hợp tái phạm, với tổng số tiền xử phạt 410 triệu đồng. Các hành vi vi phạm của các đối tượng là nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đối với chủ DN, cơ sở thu mua thanh long là người Việt Nam liên kết với thương lái Trung Quốc, qua kiểm tra cũng có nhiều sai phạm như: Ghi tên biển hiệu không đầy đủ theo quy định, ghi nhãn hàng hóa không đúng, không đủ nội dung bắt buộc đối với sản phẩm trái thanh long (là thực phẩm), sử dụng ngôn ngữ nước ngoài sai quy định trên bao bì thanh long Bình Thuận; ký kết hợp đồng cho thuê lại tài sản là nhà ở, nhà xưởng không kê khai nộp thuế, có hành vi trốn thuế; kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, kinh doanh sai nội dung đăng ký kinh doanh; cho thuê, cho mượn giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; kinh doanh nhưng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP…
Có thể bạn quan tâm
Việc trồng thanh long ruột đỏ thành công ở đất Vật Lại đã mở ra hướng trồng trọt mới có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng đúng thị hiếu, nhu cầu của thị trường.
Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, từ một công nhân bốc vác lúa gạo, Trần Thanh Khiêm đã tạo dựng cơ nghiệp cho mình, trở thành ông chủ số 1 của hệ thống chuyên bán gạo lẻ ngay giữa vựa lúa lớn nhất cả nước.
Nếu như hồi đầu năm VFA đặt ra mục tiêu XK khoảng 6,5 triệu tấn gạo, thì nay đã hạ xuống chỉ còn 5,65 triệu tấn (6 tháng đầu năm đã XK 2,65 triệu tấn; 6 tháng cuối năm dự kiến XK 3 triệu tấn), giảm 14% so với năm 2015.