Từ kẻ làm thuê đến ông chủ số 1 về lúa gạo
Trần Thanh Khiêm sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Vĩnh Hòa Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Nhà nghèo, đông em nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh Khiêm gạt bỏ ước mơ giảng đường đại học, chấp nhận đi làm công nhân bốc vác lúa gạo cho các nhà máy xay xát để có tiền phụ giúp gia đình.
Từ kẻ làm thuê...
Với sức vóc của chàng trai mới lớn, ban ngày anh Khiêm xin làm bốc vác cho các nhà máy xay xát lúa gạo trong vùng, tối về đi chạy bàn cho các quán ăn... Vừa làm anh vừa học hỏi kinh nghiệm các ông chủ, bà chủ với hy vọng đến một ngày nào đó có điều kiện sẽ mở một cơ sở kinh doanh buôn bán nhỏ. “Những ngày đi làm bốc vác lúa gạo, mình nhận ra rằng hầu hết các công ty, xí nghiệp kinh doanh lúa gạo lớn trên địa bàn chỉ chú trọng đến thị trường xuất khẩu mà bỏ ngỏ thị trường nội địa, thế là ý tưởng kinh doanh gạo lẻ được hình thành” - anh Khiêm nhớ lại.
Từ đó, anh Khiêm tiết kiệm mọi thứ chi tiêu, tích lũy từng đồng làm vốn, để đến năm 1991 cơ sở kinh doanh gạo Thành Khiêm ra đời. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, anh Khiêm cho biết: “Lúc bấy giờ tui chỉ đủ tiền mướn một căn nhà lá ở phường Rạch Sỏi, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang vừa là chỗ ở vừa là nơi giao dịch, cũng may được một người bạn thân tốt bụng cho mượn thêm 3 triệu đồng để làm vốn.
Với chiếc xe đạp cà tàng, tối tui chạy đến các đại lý mua gạo về rồi phân ra từng túi nhỏ, sáng lại rảo quanh khắp các phố phường gõ cửa từng nhà để mời dùng thử. Thậm chí hễ biết nhà ai có đám tiệc là tui đến làm quen rồi mời mua gạo dùng thử. Bằng cách làm này sau một thời gian, gạo Thành Khiêm đã được nhiều người biết đến và ủng hộ”.
Phương châm kinh doanh của anh là lấy công làm lời, gạo trước khi bán cho khách hàng bao giờ cũng được anh nhặt bỏ sạn, hạt cỏ, lúa, sau bán được hàng phải quan tâm tìm hiểu xem khách hàng có hài lòng hay không, nếu không thì đổi gạo khác ngay để giữ khách. Nhờ đó mà khách hàng ngày càng đông.
Đến ông chủ số 1
Hiện nay, anh Khiêm đã có trong tay 10 cửa hàng, 50 đại lý, 5 ghe chuyên đi thu mua lúa, 4 xe vận tải và 3 nhà máy xay xát, với hơn 200 lao động, mỗi ngày có thể cung cấp cho thị trường khoảng 150 tấn gạo các loại.
Khi đã có được chỗ đứng trên thị trường, anh Khiêm quyết định đăng ký thương hiệu gạo chất lượng cao Thành Khiêm, sau đó lần lượt các cửa hàng bán lẻ và các đại lý ở khắp các huyện, thị trong tỉnh và khu vực, thậm chí ở tận TP.HCM. Những giống lúa đặc sản, ngon cơm anh phải đặt mua ở An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu… thậm chí đến tận nước bạn Campuchia.
“Khó nhất là phải tính được thời gian lưu kho đến lúc chế biến, tiêu thụ, để hạt gạo khi nấu vẫn còn giữ được mùi thơm, hạt cơm xốp và mềm” - anh Khiêm chia sẻ. Để làm được điều này, anh đã đầu tư xây dựng hệ thống kho có sức chứa hàng chục ngàn tấn nằm cạnh các vùng lúa trọng điểm và chợ đầu mối mua bán lúa gạo ở miền Tây Nam Bộ.
Tại đây, anh còn thuê những nhà máy chế biến gạo hiện đại để xay xát, lau bóng nhằm cho ra hạt gạo có chất lượng cao. Hiện anh Khiêm đã có 10 cửa hàng, 50 đại lý, 5 ghe chuyên đi thu mua lúa, 4 xe vận tải và 3 nhà máy xay xát, với hơn 200 lao động (lương ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng), mỗi ngày có thể cung cấp cho thị trường khoảng 150 tấn gạo các loại.
Nhiều năm qua, anh còn liên kết với nông dân bằng cách hỗ trợ lúa giống, tiền công chăm sóc và bao tiêu lúa hàng hóa với giá cao hơn giá thị trường từ 1,3-1,5 lần. “Cách làm này đã chủ động được nguồn lúa chất lượng cao để sản xuất kinh doanh. Phương châm của cơ sở là khách hàng khó tính đến mấy mình cũng phải làm cho họ vừa lòng” - anh Khiêm nói.
Hướng đến chuyên nghiệp
Tuy bận rộn với công việc từ 6 giờ sáng đến tận nửa đêm, nhưng điều làm anh hạnh phúc là người thân của mình có công ăn việc làm ổn định và họ luôn sẵn sàng gánh vác, chia sẻ công việc. Cả 8 anh em trong gia đình hiện đều là những cộng sự tâm huyết, được anh bố trí mỗi người một việc từ quản lý sổ sách, tiếp xúc khách hàng, đến vận chuyển, thu mua… Nhờ vậy đã giúp mọi công việc làm ăn mua bán của anh đạt được hiệu quả.
Gạo ngon, giá phù hợp, chất lượng ổn định là mục tiêu theo đuổi của Thành Khiêm. Ảnh: Minh Thành
Điều mà anh hạnh phúc hơn nữa là đội ngũ hơn 200 nhân viên xông xáo đều được huấn luyện kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp, họ là những người hàng xóm, những người từng có hoàn cảnh kém may mắn được anh bố trí việc làm phù hợp. Theo anh Khiêm, chính đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, họ thuộc lòng từng số nhà trong từng khu phố, hiểu được tâm lý của từng khách hàng, đã giúp cho gạo Thành Khiêm đến được với bữa ăn của người tiêu dùng ngày một nhiều hơn. Chính những cộng sự đắc lực này đã giúp cho anh có niềm tin vững chắc vào khả năng cung ứng gạo lẻ chuyên nghiệp và thị trường đang ngày càng mở rộng, đó còn là tài sản quý mà anh đã chắt chiu, gầy dựng trong gần 25 năm qua.
Hiện anh Khiêm đang hợp tác với xã thứ 50 là xã Phi Thông, TP.Rạch Giá bằng cách cung ứng giống lúa, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân canh tác hàng trăm ha mỗi mùa, sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm được canh tác theo đúng quy trình với giá cao hơn giá thị trường. Theo anh, đó là sự chuẩn bị cho hướng đi bền vững của nghề cung ứng gạo lẻ chuyên nghiệp, mà thị trường nội địa vẫn còn khoảng trống.
Nói về hướng phát triển của cơ sở, anh Khiêm cho biết: “Những năm tới, chúng tôi tiếp tục đầu tư để mở rộng đại lý ở các tỉnh, thành trong khu vực. Ngoài ra, chúng tôi còn liên kết với đối tác nước ngoài để xuất khẩu gạo chất lượng cao”. Hiện nay gạo Thành Khiêm đã có mặt tại nhiều các nước.
Có được như ngày hôm nay, anh Khiêm luôn luôn nhớ những ngày nghèo khó. Năm nào cũng vậy, chủ doanh nghiệp Trần Thanh Khiêm kết hợp chính quyền đến vùng sâu, vùng xa phát gạo cho các hộ nghèo, tặng tập vở, quần áo cho học sinh nhân dịp đầu năm học, tặng quà Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, Hội Dưỡng lão với số tiền hàng trăm triệu đồng nhằm chia sẻ những khó khăn của bà con nghèo trong tỉnh, đó là những việc làm thiết thực nhất để anh tri ân khách hàng.
Ước mơ làm giàu của Trần Thanh Khiêm đã trở thành sự thật và anh đang định hướng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh với mục tiêu xây dựng hình ảnh riêng cho mình bằng một sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh đối với thị trường trong và ngoài nước.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày gần đây, cả xã Sông Xoài (huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) như ngồi trên đống lửa, khi hàng trăm ha bưởi da xanh rụng hoa trắng gốc…
Theo đề án của Bộ LĐTBXH, hơn 263.000 lao động tại 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do tình trạng cá chết sẽ được hỗ trợ học nghề, tìm việc làm, xuất khẩu lao động... Đề án này đang nhận được nhiều phản hồi của chính quyền và người dân 4 tỉnh.
Việc trồng thanh long ruột đỏ thành công ở đất Vật Lại đã mở ra hướng trồng trọt mới có hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng đúng thị hiếu, nhu cầu của thị trường.