Gạo hữu cơ Quế Lâm - Niềm tin từ 3 không
Thông tin về các loại gạo giả hay gạo thừa dư lượng hóa chất khiến người tiêu dùng lo lắng cho chất lượng bữa ăn hằng ngày. Hiểu được điều đó, Tập đoàn Quế Lâm chú trọng đầu tư vào sản xuất gạo hữu cơ Quế Lâm phục vụ riêng cho người tiêu dùng trong nước.
Gạo sạch “6 không”
Canh tác lúa gạo là một việc làm quen thuộc với người nông dân, tuy nhiên, để hạt gạo làm ra có thể đáp ứng các tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn đối với người tiêu dùng, người nông dân và cả môi trường lại là vấn đề không dễ. Nhận thức được điều đó, từ năm 2013, Tập đoàn Quế Lâm đã chú trọng đầu tư vào sản xuất nông sản hữu cơ để phục vụ người tiêu dùng, trong đó, chú trọng vào sản xuất gạo hữu cơ.
Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm gạo hữu cơ Quế Lâm. Ảnh: T.L
Tháng 10.2016, Tập đoàn Quế Lâm lọt top 15 doanh nghiệp đạt chứng nhận đạt các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm nằm trong chuỗi “Địa chỉ Xanh- Nông sản Sạch” – chương trình do Bộ NN&PTNT phối hợp với Báo Nông thôn Ngày nay, Kênh truyền hình 02TV, Kênh Giao thông quốc gia VOV tổ chức.
Với việc áp dụng công nghệ sinh học vào quy trình sản xuất, gạo hữu cơ Quế Lâm không sử dụng bất kỳ loại hóa chất, phân bón hóa học hay thuốc trừ sâu trong quá trình trồng trọt. Phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm được sử dụng để tăng tốc độ phát triển của cây lúa, đồng thời, đảm bảo an toàn cho hạt gạo.
Đất ruộng trồng lúa cũng được xử lý kỹ bằng phân vi sinh hữu cơ trong 3 vụ liên tiếp để đảm bảo không tồn dư hóa chất, thuốc trừ sâu hay thuốc bảo vệ thực vật. Nguyên tắc “3 không”: Không thuốc diệt cỏ, không phân bón hóa học, không thuốc trừ sâu được đảm bảo trong quá trình trồng trọt và chịu sự giám sát chặt chẽ của các chuyên gia của Tập đoàn Quế Lâm.
Theo ông Khắc Ngọc Bá - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Quế Lâm cho hay, sử dụng phân hữu cơ vi sinh trong sản xuất không chỉ tạo ra nguồn nông sản an toàn, chất lượng mà còn hạn chế chi phí đầu tư. “Phân hữu cơ vi sinh Quế Lâm có thể tồn tại lâu dài trong đất, không gây bạc màu, có tác dụng làm tơi xốp đất, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng”-ông Bá nói thêm.
Lúa hữu cơ sau khi thu hoạch cũng không phải được đưa ngay vào sản xuất, toàn bộ lúa được các chuyên gia kiểm tra để đảm bảo các yêu cầu an toàn về chỉ tiêu chất độc, chỉ tiêu côn trùng và nấm mốc. Trong quá trình thu hoạch và phơi khô, nông dân cũng phải đảm bảo quy trình chặt chẽ do Tập đoàn đưa ra. Có như vậy, số lúa trên mới được thu mua và đưa vào quá trình sấy, xay xát và bảo quản. Vì vậy, sản phẩm gạo hữu cơ Quế Lâm đảm bảo không sử dụng hóa chất bảo quản, không tẩy trắng, không sử dụng hương liệu.
Với giống tốt và quy trình chăm bón khoa học, gạo hữu cơ Quế Lâm rất có lợi với sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Sản phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đồng thời không chứa các loại hóocmon sinh trưởng và các hóa chất độc hại, được Trung tâm Phân tích và chuyển giao công nghệ môi trường kiểm tra, xác nhận đảm bảo an toàn chất lượng.
Ông Trần Thế Anh - Trưởng đại diện văn phòng gạo hữu cơ Quế Lâm ở miền Bắc cho biết: “Hiện tại, tính riêng miền Bắc đã có trên 100 đối tác đăng ký đơn hàng sạch các sản phẩm của Quế Lâm. Trong đó, có gần 60 tấn gạo hữu cơ được cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội. Hiện tập đoàn đã liên kết với nhà sản xuất ở Quảng Trị để sản xuất dầu lạc nguyên chất, tại Thái Nguyên là chè hữu cơ”.
Ông Anh cũng chia sẻ bí quyết nhận biết gạo hữu cơ sau khi xay xát và đóng bao bì là vẫn còn thấy bên ngoài gạo là lớp cám, sờ gạo lớp cám sẽ dính tay. Gạo hữu cơ có mùi thơm tự nhiên, khi nhai sống có vị ngòn ngọt. Nấu chín cơm có mùi thơm dịu, ăn đến cuối bữa vẫn còn thơm không có mùi lạ. Gạo hữu cơ khi đã đóng bao bì chỉ cần cho ra ngoài nửa tháng là sẽ có hiện tượng mối mọt.
Mở rộng diện tích, mang lợi nhuận đến cho nông dân
Nhiều năm nay, Tập đoàn Quế Lâm đã triển khai trồng lúa theo phương pháp hữu cơ tại nhiều địa phương, tạo thành chuỗi đồng ruộng hữu cơ với diện tích hơn 300ha, cung cấp số lượng lớn gạo hữu cơ ra thị trường. Diện tích trồng lúa hữu cơ của Tập đoàn trải dài khắp các tỉnh miền Trung: Tại Hà Tĩnh có hơn 50ha thử nghiệm trồng lúa hữu cơ tại 6 huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Đức Thọ và thị xã Hồng Lĩnh; Thừa Thiên- Huế có 10ha thử nghiệm tại Hợp tác xã Nông nghiệp Phú Lương 1 (huyện Phú Vang)...
Quế Lâm tạo mọi điều kiện để nông dân có thể thuận lợi canh tác lúa theo phương pháp hữu cơ mới. Tập đoàn cung ứng giống và phân bón cho người dân, đồng thời hỗ trợ 50% kinh phí từ xã để người dân chuyển đổi phương pháp. Tập đoàn cũng cam kết mua trọn gói sản lượng lúa thu hoạch được với mức giá cao hơn nhiều lần so với mức giá trung bình.
Trong quá trình trồng trọt, đội ngũ chuyên gia của Tập đoàn Quế Lâm thức khuya dậy sớm, trực tiếp ra đồng cùng người nông dân để đảm bảo quy trình trồng trọt được thực hiện chặt chẽ. “Quế Lâm sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho người nông dân và người nông dân cũng cam kết tuân theo đúng quy trình của Tập đoàn. Quế Lâm lấy sự an toàn của người tiêu dùng làm thước đo chuẩn mực cho sản phẩm gạo hữu cơ cũng như các loại sản phẩm khác” - ông Bá khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Để chuẩn bị phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đầu tư tái đàn, tăng đàn. Thế nhưng hiện nay, giá gia cầm tăng
Nhiều nông dân ở huyện Đơn Dương, vùng chuyên canh ớt lớn nhất tỉnh Lâm Đồng cho biết, giá ớt sừng đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua, đạt 17.000 đồng/kg
Trước đây, người Dao ở xã Nậm Đăm, huyện Quản Bạ, Hà Giang chỉ biết lên rừng hái thuốc và đem về chế biến thành dạng thô sơ đem bán.