Trang chủ / Tin tức / Tin nông nghiệp

Tăng thu nhập nhờ liên kết 4 nhà

Tăng thu nhập nhờ liên kết 4 nhà
Tác giả: Lê San
Ngày đăng: 21/10/2016

Trước đây, người Dao ở xã Nậm Đăm, huyện Quản Bạ, Hà Giang chỉ biết lên rừng hái thuốc và đem về chế biến thành dạng thô sơ đem bán. Nhưng khi tham gia vào chuỗi liên kết “4 nhà” gồm nhà nông, nhà khoa khọc, nhà nước và doanh nghiệp, sản phẩm dược liệu được nâng giá trị.

Thay đổi tư duy manh mún

Anh Lý Tà Dèn – Giám đốc HTX Cộng đồng Nậm Đăm là người tham gia xây dựng HTX từ những ngày đầu tiên. “Người Dao ở Quản Bạ vốn đã có truyền thống lâu đời về làm cây thuốc. Chúng tôi lên rừng hái thuốc và trồng dược liệu ở ngay tại nhà, nhưng trước nay vẫn làm theo kiểu tự phát, manh mún. Ai hái được bao nhiêu, làm được ít nào lại mang ra chợ, ra phố bán. Sản xuất thủ công nên sản phẩm cũng chỉ thô sơ, mộc mạc. Do vậy bán cũng chẳng được bao nhiêu. Đến năm 2014, được sự giúp đỡ của thầy Trần Văn Ơn ở Trường Đại học Dược Hà Nội. Thầy cho đi thăm mô hình ở Thái Nguyên và hỗ trợ thành lập HTX vào năm 2014” – anh Dèn cho hay.

Trong ảnh: Xã viên HTX Cộng đồng Nậm Đăm tự tin giới thiệu sản phẩm của mình tại hội chợ. Ảnh: L.S

Ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương tỉnh Hà Giang: Trồng cây dược liệu mang lại giá trị kinh tế cao hơn hẳn so với trồng ngô, lúa, như: Doanh thu từ cây tục đoạn khô đạt khoảng 220 triệu đồng/ha, bạch chỉ 260 triệu đồng/ha, đương quy 320 triệu đồng/ha... Kết quả thử nghiệm mô hình trồng cây actiso cho thấy, hiệu quả kinh tế thu được từ cây dược liệu cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngô, lúa.

Nghe về tương lai hứa hẹn của HTX, 29 hộ dân đã cùng góp vốn tham gia. Nhưng chỉ được 1 – 2 tháng, nhiều hộ gia đình xin rút vì chưa thấy được lợi ích ngay. Anh Dèn chia sẻ: Mình cũng là người Dao, nhưng bắt tay vào làm việc mới thấy công tác dân vận là khó khăn nhất. Làm cái gì cũng vậy, tư duy của bà con là phải thấy được mình được lợi gì, hiệu quả ngay tức khắc. Nhưng làm theo kiểu HTX, phải đầu tư dần dần, chuyển đổi kỹ thuật, cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. Muốn có thu ít nhất cũng phải 1 năm. Nhưng bà con mình đã quen như thế rồi. Nên phải vừa làm cho con vừa thấy, vừa thuyết phục.

Sau khi các hộ dân rút dần, Dèn bắt đầu tái cơ cấu lại HTX. Nhờ sự hỗ trợ của huyện, HTX kết nối với các công ty dược như Công ty TNHH DK Pharma, Công ty DK Natura, Công ty Dược khoa - Đại học Dược Hà Nội…

Mô hình được hoạt động dưới hình thức, các hộ dân góp đất, tập trung trồng, chế biến dược liệu theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo dược liệu cho năng suất và chất lượng cao nhất. HTX sẽ đứng ra bao tiêu, thu mua sản phẩm cho người nông dân. Các doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư về giống, kỹ thuật trồng cho bà con trong HTX. Sản phẩm làm ra chủ yếu phục vụ du khách khi họ đến thăm quan Làng Văn hóa du lịch cộng đồng Nặm Đăm, đồng thời bước đầu thâm nhập thị trường ở các thành phố lớn thông qua hình thức làm vệ tinh cho các doanh nghiệp.

Phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị

Chỉ sau gần 2 năm hoạt động, HTX Cộng đồng Nậm Đăm đã đi vào hoạt động ổn định. Hiện nay, HTX có 22 thành viên và 14 hộ gia đình tham gia. Các thành viên tham gia HTX đều có thu nhập ổn định, từ 2- 3 triệu/tháng. HTX đã tạo ra 5 dòng sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận là trà gừng, thuốc tắm, mật ong, cồn xoa bóp, cao atiso, cao xương khớp.

“Hiện nay, HTX đã trồng được 5ha dược liệu. Chúng tôi đang nỗ lực chuẩn hóa nền canh tác và thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn cao, tích cực thu mua và bao tiêu các sản phẩm dược liệu tươi từ các thành viên HTX và các hộ nông dân ở thôn Nặm Đăm, Chúc Sơn của xã Quản Bạ. HTX cũng đã hoàn thiện kế hoạch, lựa chọn được vùng trồng dược liệu, địa điểm và xây dựng được hệ thống nhà văn phòng, xưởng chế biến thuốc tắm và mở rộng hoạt động thu hút thêm nhiều hộ nghèo tham gia vào HTX”- anh Dèn cho hay.

Theo ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến công thương tỉnh Hà Giang, tính đến hết năm 2014, các doanh nghiệp, HTX và nhân dân trên địa bàn huyện tham gia đề án đã trồng được trên 500ha cây dược liệu các loại như: Thảo quả, ấu tẩu, đương quy, actiso...


Có thể bạn quan tâm

Du khách về xã nông thôn mới làm... nông dân Du khách về xã nông thôn mới làm... nông dân

Du khách được tham quan trải nghiệm làm nông dân trên ruộng lúa, vườn cây, tham gia xay lúa, giã gạo, nơm cá, nghe và thực hành lẩy Kiều, thưởng thức ca trù

20/10/2016
Thái Nguyên: Giá gà giảm, người chăn nuôi gặp khó Thái Nguyên: Giá gà giảm, người chăn nuôi gặp khó

Để chuẩn bị phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đầu tư tái đàn, tăng đàn. Thế nhưng hiện nay, giá gia cầm tăng

20/10/2016
Ớt tăng giá mạnh, người trồng trúng lớn Ớt tăng giá mạnh, người trồng trúng lớn

Nhiều nông dân ở huyện Đơn Dương, vùng chuyên canh ớt lớn nhất tỉnh Lâm Đồng cho biết, giá ớt sừng đang ở mức cao nhất trong nhiều tháng qua, đạt 17.000 đồng/kg

20/10/2016