Gà Sống, Người Chết!
Sau 1 tháng gà bị cầm chuồng, trong giai đoạn tăng trưởng này, mỗi ngày đàn gà 8.200 con “ngốn” mất 10 triệu đồng tiền thức ăn. Vị chi qua 1 tháng cầm chuồng, người nuôi đã mất thêm 300 triệu đồng tiền thức ăn.
Trong đợt dịch cúm gia cầm vừa xảy ra trên địa bàn Bình Định, người chăn nuôi có đàn gà bị chết do dính dịch bệnh bại sản đã đành, những đàn gà thoát dịch hiện cũng khiến chủ nhân của chúng nỗi đau không kém…
Ngồi trên chiếc ghế xếp trong ngôi nhà được xây dựng tuềnh toàng tại trang trại, anh Nguyễn Mạnh Huy (47 tuổi) ở thôn Hòa Ninh, phường Nhơn Hưng (TX An Nhơn, Bình Định) nhìn đàn gà 8.200 con của mình đang kêu toáng lên vì đói bằng đôi mắt thất thần.
Xót ruột quá, vợ anh Huy ra chuồng bỏ cho chúng ít thức ăn.
Anh Huy thở dài: “Đàn gà này tôi thả nuôi vào cuối tháng 11 âm lịch năm ngoái với 8.500 con giống, lẽ ra chúng được xuất chuồng cách đây 1 tháng khi có nhiều thương lái chuyên đưa gà lên thị trường Tây Nguyên đặt mua. Thế nhưng dịch bệnh xảy ra trên địa bàn, được tiêm phòng kỹ lưỡng nên đàn gà thoát dịch nhưng giờ vẫn không bán được.
Nguyên do những tỉnh vốn là thị trường tiêu thụ gà của Bình Định đều lập chốt chặn không cho gia cầm đi qua địa bàn nên chẳng thương lái nào dám đi, những người đặt mua gà của tôi cũng hoãn lại. Cả tháng nay tôi chỉ mới bán được 300 con cho các quán nhậu trong vùng, nhưng bị ép giá chỉ còn 30.000đ/kg”.
Đàn gà 8.200 con bị cầm chuồng chính là nỗi đau khổ của vợ chồng anh Huy.
“Đàn gà của tôi vượt qua đợt dịch sống sót được chưa kịp mừng, nay chính sự sống của chúng đang làm tôi “chết” vì phải từng ngày chạy tiền cho chúng ăn. Không chỉ vậy, cứ 3 ngày tôi phải rắc vôi sát trùng chuồng trại để chúng an toàn chứ lỡ chúng ngã ra chết thì tôi sẽ mất đứt cả tỷ đồng”, anh Nguyễn Mạnh Huy lo lắng.
Theo tính toán của anh, từ khi thả nuôi, sau 3 tháng, cứ 1.000 con gà sẽ ăn hết 170 bao cám (320.000 đ/bao) là có thể xuất bán được, đến thời điểm này gà đã tăng trọng từ 1,8 đến 2 kg/con, đây là trọng lượng mà người tiêu dùng ưa chuộng nhất.
Với giá bán gần 60.000 đ/kg (gà ta) thì 1.000 con gà người nuôi sẽ có lãi từ 7 đến 12 - 13 triệu đồng tùy thời giá lúc xuất chuồng. Nếu không có dịch bệnh xảy ra, đàn gà của anh Huy được xuất bán thì anh sẽ cầm trong tay khoản lãi gần 100 triệu đồng.
Thế nhưng sau 1 tháng gà bị cầm chuồng, trong giai đoạn tăng trưởng này, mỗi ngày đàn gà 8.200 con “ngốn” mất của anh 10 triệu đồng tiền thức ăn. Vị chi qua 1 tháng cầm chuồng, anh Huy đã mất thêm 300 triệu đồng tiền thức ăn cho chúng.
“Đó là tôi đã cho chúng ăn ít lại, chứ không sẽ còn hơn thế nữa. Bình thường, tôi bỏ đầy thức ăn vào máng cho chúng ăn cả ngày, bây giờ mỗi ngày tôi chỉ cho chúng ăn 2 lần, vừa để giảm bớt chi phí, vừa để chúng giảm tăng trọng. Bởi nếu gà to trên 3 kg giá rẻ mà lại khó bán”, chị vợ anh Huy cho biết.
Thảm trạng trên không chỉ xảy ra với trang trại gà của anh Huy mà tất cả đàn gà ở Bình Định đều lâm cảnh tương tự.
Ở “làng gà” Quảng Nghiệp thuộc xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước còn bi đát hơn. Thôn Quảng Nghiệp có khoảng 80 hộ dân thì đến 50 hộ nuôi gà. Hộ nuôi nhiều 6 - 7 ngàn con, hộ nuôi ít cũng từ 1 - 3 ngàn con.
Trước tình trạng gà không bán được, những hộ chăn nuôi ở đây khóc lên khóc xuống.
Anh Nguyễn Ngọc Anh (39 tuổi) ở xóm 5, thôn Quảng Nghiệp, than thở: “Đàn gà 7.000 con của tôi thả nuôi từ gà lỡ, được hơn 2 tháng rồi, giờ đã đạt 2,2kg/con, đúng thời điểm bán ngon nhất nhưng chẳng thấy thương lái nào đến mua. Hiện nay mỗi ngày tôi phải tiêu tốn cho chúng khoảng 10 triệu đồng tiền thức ăn. Chưa biết khi nào mới có thể bán được nhưng không thể bỏ chúng chết đói”.
Nỗi khổ tâm nhất của chủ nhân những đàn gà đang bị cầm chuồng như của anh Huy và anh Anh hiện nay là các đại lý thức ăn không đầu tư nợ đến khi bán gà mới trả như trước đây nữa. Vì các hộ chăn nuôi nợ đã quá nhiều, gà thì không biết bao giờ mới có thể bán được để trả nợ nên họ chấm dứt đầu tư để giảm rủi ro.
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, không biết những đàn gà đang đứng sẽ ngã ra bất cứ lúc nào, nếu gà chết nợ sẽ trở thành khó đòi. Trước tình cảnh này, những hộ chăn nuôi có đàn gà lớn bị cầm chuồng phải tìm cách xoay xở.
Anh Nguyễn Mạnh Huy, tâm sự: “Từ khi các đại lý không bán nợ thức ăn nữa vợ chồng tôi phải chạy vạy đi vay nóng bên ngoài để có tiền mua thức ăn cho gà với lãi suất rất cao. Hiện số tiền tôi đầu tư vào đàn gà 8.200 con đang bị cầm chuồng đã có đến 700 - 800 triệu đồng. Nếu 1 tháng nữa gà mới bán được kể như tôi mất đứt cả vốn lẫn lãi, vì nếu sau này bán được gà thì khoản tiền thu lại cũng chỉ đủ bù tiền chi phí tiền giống và thức ăn suốt 5 tháng”.
Còn anh Nguyễn Ngọc Anh than thở: “Hiện nay tôi phải lấy sổ đỏ mang đi cầm cố vay nóng để có tiền mua thức ăn “cầm xác” đàn gà. Chúng còn bị cầm chuồng ngày nào tôi “chết” ngày ấy”.
Trong khi đó, các cửa chốt chặn gia cầm từ Bình Định xuất tỉnh ngày càng tăng và kiểm soát ngày càng chặt chẽ, chưa biết ngày nào đàn gà ở đây mới thoát cảnh bị cầm chuồng để những hộ chăn nuôi Bình Định thoát nỗi khổ hiện nay.
Đối với người nuôi gà ở Bình Định, hiện nay là thời điểm tái đàn vì trong vòng 3 tháng tới thời tiết ấm áp, gà ít dịch bệnh, chăn nuôi có hiệu quả. Đến mùa mưa gà sẽ dễ mắc tụ huyết trùng, thương hàn, chăn nuôi không dám cầm chắc thắng lợi.
Thế nhưng khi gà không bán được, chuồng trại còn đặc kín những đàn gà “ế” thì hộ chăn nuôi không có chỗ và không có tiền để tái đàn, đồng nghĩa gà giống ế theo. Những cơ sở SX gà giống trên địa bàn tỉnh này đang hạn chế hoạt động, thậm chí có những cơ sở rút hết trứng ra khỏi lò ấp bán thành trứng ăn cho người tiêu dùng với giá cực rẻ, chỉ 300 - 400 đ/quả.
Như vậy, không chỉ có hộ chăn nuôi gà thịt mà cả những cơ sở buôn bán thức ăn chăn nuôi và cơ sở SX gà giống trên địa bàn Bình Định như đang ngồi trên đống lửa, từng ngày mong ngóng những ngày đen tối của con gà chóng qua để tiếp tục đầu tư SX.
Có thể bạn quan tâm
Có những nông dân thành tỷ phú, làm giàu từ nông nghiệp chỉ nhờ vào nuôi lợn, nuôi cá hay trồng củ cải, cà rốt,... mà doanh thu mỗi năm lên tới 100-360 tỷ đồng.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, nhiều hộ nông dân ở huyện Mai Sơn, (Sơn La) thu hàng tỷ đồng mỗi năm nhờ mô hình trồng cà phê xen cây ăn quả.
Trồng dâu trên một vùng đất không có một giọt nước, cây dâu vẫn cho trái thơm ngọt. Những cây rau lớn nhanh như thổi mà không lãng phí giọt nước nào.
Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật, vườn cam sành nhà ông Đạt cho thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm.
Nhận thấy cây rau má dễ trồng lại ổn định đầu ra, ông Hà Ngọc Phi đã mạnh dạn đầu tư trồng 8 sào rau má sạch, mỗi năm thu về gần 1 tỷ đồng.